Sáng 29/12, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) Phạm Viết Hương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh chủ trì hội nghị.
Từ năm 2007 đến năm 2017, Hà Tĩnh đã có 68.148 người được các doanh nghiệp ký hợp đồng đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tăng 25% so với giai đoạn 1997-2007 (tăng 13.405 người). Đặc biệt, trong năm 2017, Hà Tĩnh có 8.567 lao động được các doanh nghiệp ký hợp đồng và đã xuất cảnh đi làm việc ở nước ngoài. Đây là năm mà Hà Tĩnh có số lao động đi XKLĐ cao nhất từ trước tới nay và đứng thứ 3 cả nước sau Thanh Hóa, Nghệ An. Thị trường XKLĐ của lao động Hà Tĩnh chủ yếu là Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...
Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Xuân Bùi Việt Hùng: Đối với việc xử lý những lao động cư trú bất hợp pháp đã có chế tài tuy nhiên đến nay vẫn chưa xử lý được những trường hợp nào, bởi vậy tính răn đe không có tác dụng. Đề nghị tăng chế tài ký quỹ để người lao động chấp hành tốt. |
Theo số liệu khảo sát, tổng thu nhập bình quân người lao động làm việc ở nước ngoài đạt từ 6.500-7.000 tỷ đồng/năm, trong đó số tiền lao động gửi về nước khoảng 4.000 tỷ đồng/năm, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH…
Tuy nhiên, đối với Hà Tĩnh, vấn đề lao động ở Hàn Quốc hết sức phức tạp, với tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp luôn chiếm trên 52%. Vì vậy, từ năm 2016, có 5 địa phương của Hà Tĩnh bị Chính phủ Hàn Quốc đình chỉ một phần Chương trình EPS, gồm: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Thạch Hà, Can Lộc.
Đại diện Công ty CP Phát triển Công nghiệp - Xây lắp và Thương mại Hà Tĩnh: Tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp cao là do các cơ quan thực thi pháp luật của nước sở tại chưa nghiêm đối với lao động cư trú bất hợp pháp. Một nguyên nhân nữa là ý thức còn hạn chế nên nhiều lao động ở lại làm việc kiếm thu nhập. |
Tại hội nghị, đa số các đại biểu cho rằng, quy định Luật Đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng đến nay không còn phù hợp với thực tế, nhất là các điều khoản liên quan đến quản lý lao động, chính sách hỗ trợ người lao động, thời hạn cấp phép hoạt động XKLĐ của các doanh nghiệp… Đặc biệt, đối với chế tài xử phạt người lao động vi phạm, tuy được ban hành đã lâu nhưng đến nay vẫn chưa xử phạt được lao động nào, điều này dẫn đến lao động xem thường pháp luật, xem thường các cơ quan chức năng…
Phát biểu tại hội nghị, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho rằng, thời gian tới Hà Tĩnh cần tăng cường công tác quản lý doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và lao động đi làm việc ở nước ngoài; kiến nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi một số chính sách, quy định liên quan đến việc thực hiện các quy định của pháp luật về XKLĐ; sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhằm sớm đưa các chính sách hỗ trợ, khuyến khích XKLĐ đi vào cuộc sống.
Phó trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng Hải trao bằng khen UBND tỉnh cho các đơn vị, doanh nghiệp đã có thành tích thực hiện Luật Đưa người lao động Việt nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng giai đoạn 2007-2017.
Cùng tại hội nghị, các đơn vị đã ký giao ước thi đua thực mục tiêu của giai đoạn 2018 - 2020 của tỉnh Hà Tĩnh về thực hiện công tác XKLĐ. |