Sau khi Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hóa được thành lập ngày 28-8-1945, ra mắt ngày 2-9-1945, trong số 13 bộ đầu tiên của Chính phủ có Bộ Lao động và Bộ Cứu tế xã hội, tiền thân của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội ngày nay. Những ngày đầu mới thành lập, cơ quan này mới chỉ hình thành một bộ phận cán bộ tham mưu, giúp Uỷ ban Kháng chiến giải quyết một số công việc liên quan đến người lao động, trước hết là chống thất nghiệp, đấu tranh với giới chủ tư bản, bảo vệ quyền lợi công nhân, duy trì sản xuất, kinh doanh, góp phần bảo vệ thành quả cách mạng.
Bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp, công tác Lao động - Thương binh và Xã hội cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng chuyển hướng sang làm nhiệm vụ huy động nhân lực, vật lực phục vụ chiến trường và xây dựng kinh tế hậu phương; tuyên truyền, động viên nhân dân đón thương binh về làng chăm sóc, nuôi dưỡng; thực hiện đầy đủ, kịp thời chế độ “Lương hưu thương tật” đối với thương binh, chế độ “tiền tuất đối với gia đình tử sĩ” theo sắch lệnh 20 của Hồ Chủ Tịch.
Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác Lao động - Thương binh và Xã hội có vai trò hết sức quan trọng với nhiệm vụ trung tâm là điều tra, phân bổ nguồn nhân lực, vật lực cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất tổ quốc, Hà Tĩnh đã có 92.900 người con lên đường làm nhiệm vụ chiến đấu trên các chiến trường, 334.128 người đi dân công hoả tuyến, 10.636 người đi Thanh niên xung phong, đóng góp 4.272.000 ngày công làm mới, sửa chữa mở rộng 654 km đường, đào đắp trên 4 triệu m3 đất, đá, rà phá 17.200 quả bom, làm mới 300 cầu, phà. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Tổ quốc thống nhất, đất nước tiến lên xây dựng xã hội chủ nghĩa, Hà Tĩnh và Nghệ An hợp nhất thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Công tác Lao động thời kỳ này chủ yếu là tập trung tham mưu về chính sách, giải pháp để giải quyết, sắp xếp việc làm cho người lao động thất nghiệp; bộ đội xuất ngũ, thanh niên xung phong; động viên lực lượng lao động tham gia khôi phục cơ sở hạ tầng; xây dựng nhiều công trình lớn phục vụ sản xuất, đời sống, điển hình như công trình Hồ Kẻ Gỗ, Hồ Linh Cảm, công trình Sông Nghèn...; ngành đã đề xuất các chính sách điều động lao động và dân cư đi khai hoang, xây dựng các vùng kinh tế mới ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ; tập trung thực hiện việc xác nhận đối tượng chính sách người có công; chăm sóc nuôi dưỡng thương, bệnh binh nặng; cất bốc, quy tập mộ, xây dựng nghĩa trang liệt sỹ; đẩy mạnh các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", "Uống nước nhớ nguồn", quan tâm chăm sóc thương binh, gia đình liệt sỹ.
Có thể nói, trải qua 70 năm xây dựng và phát triển với nhiều giai đoạn, tên gọi khác nhau, nhiều lần được bổ sung nhiệm vụ trước yêu cầu của thời kỳ hội nhập quốc tế, công nghiệp hóa- hiện đại hóa; nhưng dù trong hoàn cảnh, điều kiện nào, ngành Lao động- Thương binh và Xã hội cũng đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm và vị thế của mình trước xã hội, được Đảng, Nhà nước, nhân dân ngày càng tin tưởng, ghi nhận.
Đối với Ngành Lao động- TBXH Hà Tĩnh, những ngày đầu tái lập tỉnh (9/1991), mặc dù gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động cả về bộ máy tổ chức, cơ sở vật chất, nguồn lực và các điều kiện đảm bảo nhưng với quyết tâm, trách nhiệm, bằng cả tấm lòng, sự tâm huyết, gắn bó với nghề, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của ngành đã cùng nhau đoàn kết, nỗ lực, khắc phục khó khăn, thách thức vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ; tham mưu kịp thời cho cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt công tác lao động, người có công và xã hội, góp phần quan trọng vào sự ổn định và phát triển chung của tỉnh nhà.
Với quyết tâm cao của hệ thống chính trị và sự nỗ lực, tham mưu kịp thời, có hiệu quả của Ngành, sau gần 25 năm tái lập tỉnh, bộ mặt của Hà Tĩnh đã có những thay đổi nhanh chóng, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng, to lớn trên mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội; kinh tế tăng trưởng trên 24%, thu ngân sách tăng nhanh (năm 2015, ước đạt trên 15.000 tỷ đồng), Hà Tĩnh không còn là tỉnh nghèo, đang tiến lên giàu có, thu nhập bình quân đầu người 35 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo dưới 5%; tình hình chính trị xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, đời sống người dân ngày càng được chăm lo, cải thiện cả về vật chất và tinh thần. Công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội có những bước chuyển biến tích cực, thể hiện vai trò, trách nhiệm, sự phối hợp nhịp nhàng của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Ngành trong tham mưu thực hiện nhiệm vụ. Với đặc thù là một tỉnh đang đẩy mạnh phát triển công nghiệp, môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi, nhiều năm liền thu hút đầu tư đứng đầu cả nước cùng với các chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp; nhờ vậy, số doanh nghiệp tăng nhanh, đến nay toàn tỉnh có trên 5.000 doanh nghiệp, HTX, Tổ hợp tác, gần 6 vạn hộ SXKD, thu hút và giải quyết việc làm cho nhiều lao động; đặc biệt, Khu kinh tế Vũng Áng sử dụng trên 45.000 lao động, đòi hỏi tăng cường công tác quản lý, phối hợp, thực hiện tốt chính sách pháp luật lao động, xây dựng quan hệ hài hòa, bảo đảm lợi ích hợp pháp của người lao động. Là một tỉnh có lực lượng lao động dồi dào với cơ cấu lao động trẻ, nhiều dự án lớn được triển khai, nhu cầu giải quyết việc làm càng trở nên cấp thiết, trở thành nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách được toàn xã hội quan tâm. Với thực tiễn của tỉnh, ngành đã tham mưu Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách tăng cường công tác giải quyết việc làm; nếu năm 1991, toàn tỉnh mới có 9.540 người được giải quyết việc làm, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm, 3,2 vạn lượt lao động được giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động gần 6.000 người, Hà Tĩnh luôn là tỉnh thực hiện tốt công tác xuất khẩu lao động của cả nước; giảm tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị từ gần 10% năm 1991 xuống còn 1,5%; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động ở nông thôn lên 85%; dự kiến cuối năm 2015 có 218/230 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới (chiếm 94,78%); cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, thu hút nhiều nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới.
Để tăng khả năng tạo việc làm, vấn đề đào tạo nghề được đặt lên hàng đầu trong bối cảnh hội nhập và phát triển. Vì vậy, ngành thường xuyên quan tâm công tác dạy nghề, đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xem đây là nhiệm vụ hàng đầu cùng với các cấp, các ngành, địa phương tạo sự bứt phá mạnh mẽ về kinh tế xã hội, nâng cao năng lực cạnh tranh của thị trường lao động, từ đó, nâng cao đời sống của người dân; công tác dạy nghề đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng và chất lượng, hệ thống cơ sở dạy nghề được đầu tư, nâng cấp với 28 cơ sở; chất lượng đào tạo nghề ngày càng được nâng cao, từng bước xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật, thợ lành nghề, có đủ trình độ tiếp cận với khoa học kỹ thuật, công nghệ hiện đại; quan tâm đào tạo nghề trọng điểm, đào tạo theo cơ chế đặc thù phục vụ phát triển KKT Vũng Áng, đáp ứng nhu cầu xã hội, bình quân mỗi năm đào tạo nghề trên 2,5 vạn người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề từ 11% (năm 2001) lên 55% năm 2015; 198/230 xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động qua đào tạo theo bộ chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh tập trung phát triển kinh tế, hệ thống chính trị và toàn xã hội quan tâm thực hiện chính sách người có công, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội; ngành đã tham mưu thực hiện kịp thời các chế độ, chính sách người có công với cách mạng, xác nhận, giải quyết chính sách cho 297.912 người có công và thân nhân của họ; hàng năm chi trả trợ cấp thường xuyên gần 50.000 đối tượng và các chế độ khác với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng; quan tâm hỗ trợ xây mới, nâng cấp sửa chữa 25.000 nhà ở người có công; phối hợp xét duyệt, tổ chức phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự nhà nước cho 1.776 Bà mẹ Việt Nam anh hùng; tổ chức tốt tổng rà soát chính sách người có công đối với 66.390 đối tượng, trong đó 63.378 đối tượng hưởng đúng chế độ, 2.700 trường hợp chưa được hưởng đầy đủ đã hướng dẫn các địa phương bổ sung, hoàn thiện hồ sơ để giải quyết chế độ. Nhờ những nỗ lực đó của các cấp, các ngành, đến nay, 100% xã, phường làm tốt công tác chính sách, 98% gia đình chính sách, người có công có cuộc sống bằng hoặc cao hơn mức sống dân cư; phong trào đền ơn đáp nghĩa, huy động nguồn lực được toàn xã hội quan tâm, trở thành tình cảm, trách nhiệm của Đảng, Nhà nước và nhân dân đối với thương binh, gia đình liệt sỹ, người có công với cách mạng. Thực hiện tốt các chính sách giảm nghèo gắn với xây dựng nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững; huy động các nguồn lực hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng các vùng nghèo, xã nghèo, xã bãi ngang ven biển; mỗi năm giảm gần 5% tỷ lệ hộ nghèo, phấn đấu đến cuối năm 2015 còn dưới 5%, hộ cận nghèo 8,5%; đáp ứng tiêu chí xây dựng nông thôn mới; các chính sách trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội được thực hiện kịp thời, đến nay, trên 68.000 người được trợ cấp thường xuyên; các cơ sở bảo trợ xã hội được quan tâm đầu tư, đảm bảo điều kiện tốt để chăm sóc, nuôi dưõng người già cô đơn, người tàn tật, trẻ mồ côi, đối tượng cai nghiện phục hồi, đối tượng tâm thần, lang thang không nơi nương tựa, góp phần giúp các đối tượng vượt qua khó khăn trong cuộc sống, tạo sự ổn định tình hình an ninh xã hội trên địa bàn tỉnh.
Song song phát triển kinh tế, công tác phòng chống tệ nạn mại dâm, ma túy được toàn xã hội hết sức quan tâm; ngành đã phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức cho cấp ủy, tập huấn cho đội ngũ cán bộ cơ sở về công tác phòng chống tệ nạn xã hội gắn thực hiện Chỉ thị 48 của Bộ Chính trị về tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới; tích cực thực hiện phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng, nhân rộng xã, phường lành mạnh không có tệ nạn xã hội; Công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em được quan tâm, đạt những kết quả quan trọng, hoàn thành các chỉ tiêu Chương trình quốc gia bảo vệ trẻ em, quan tâm xây dựng xã, phường phù hợp với trẻ em theo tiêu chí của Chính phủ; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, giúp đỡ bằng các hình thức; trẻ em có cơ hội được tham gia ý kiến vào các vấn đề liên quan đến quyền của trẻ, được tạo môi trường an toàn, thân thiện để phát triển toàn diện; góp phần hình thành nhân cách, tri thức, các kỹ năng phục vụ xây dựng quê hương, đất nước, xứng đáng trở thành chủ nhân tương lai của đất nước.
Công tác bình đẳng giới, tiến bộ phụ nữ được tham mưu, chỉ đạo ngày càng đáp ứng yêu cầu, quyền lợi của phụ nữ, trẻ em được đảm bảo, vai trò của phụ nữ trong các hoạt động chính trị, xã hội, việc làm, thu nhập… luôn đứng tốp đầu cả nước. Cùng với tăng cường quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, các hoạt động sự nghiệp của ngành được phát triển mạnh mẽ, trở thành “chiếc cầu nối” giữa chính sách của Đảng, Nhà nước với nhân dân và các đối tượng thụ hưởng chính sách; 8 đơn vị trực thuộc ngành đã chủ động, tranh thủ sự giúp đỡ của Bộ, các sở, ban, ngành, địa phương hoạt động có hiệu quả trên các lĩnh vực: Giới thiệu việc làm, dạy nghề, xuất khẩu lao động; chăm sóc người có công, người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật; giáo dục chữa bệnh đối tượng nghiện ma túy; không những từng bước khẳng định thương hiệu, uy tín của từng đơn vị mà còn góp phần quan trọng cùng toàn ngành hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trong suốt chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cả nước nói chung, tỉnh nhà nói riêng đã không ngừng lớn mạnh về mọi mặt, góp phần cùng với toàn Đảng, toàn dân thực hiện thắng lợi trên tất cả các lĩnh vực công tác, mang lại sự phát triển phồn vinh cho quê hương, đắt nước. Đến nay hoạt động của ngành đã bao trùm trên nhiều lĩnh vực; hệ thống chính sách ngày càng được hoàn thiện; công quản lý, điều hành từng bước đi vào nề nếp, đội ngũ cán bộ của ngành được bổ sung cả về số lượng và chất lượng, từ chỗ ban đầu chỉ có vài người trực thuộc Uỷ ban Kháng chiến, đến nay bộ máy tổ chức của ngành đã có 10 phòng ban, 8 đơn vị trực thuộc, gần 450 cán bộ, công chức, viên chức, lao động, trên 75% cán bộ có trình độ đại học, sau đại học, ...cử, nhân, cao cấp chính trị; 13 Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, thị xã, thành phố có cán bộ chuyên trách, thường xuyên được bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, cơ bản đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Ghi nhận những thành tích, công lao to lớn của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh những năm qua, Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương lao động hạng nhất, Huân chương Độc lập hạng ba năm 2003, Huân chương Độc lập hạng Nhì năm 2013; cờ thi đua của Chính phủ, của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và UBND tỉnh; hàng trăm tập thể, cá nhân được tặng thưởng Huân, Huy chương, Bằng khen. Những thành quả trên các lĩnh vực cũng như các phần thưởng vinh dự, cao quý trong thời gian qua đã thể hiện sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, các Bộ, Ngành Trung ương, của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự phối hợp có hiệu quả của Mặt trận tổ quốc, các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể chính trị xã hội, của cấp uỷ, chính quyền huyện, cơ sở và sự đồng thuận của đối tượng, các tầng lớp nhân dân tỉnh nhà.
Trong giai đoạn hội nhập và phát triển kinh tế- xã hội, Hà Tĩnh đã thu được những thành tựu to lớn, có tính bước ngoặt về công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ, xây dựng nông thôn mới; trong giai đoạn tới, để tỉnh tiếp tục phát triển tạo tiền đề, sức bật mạnh mẽ hơn nữa, gắn đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế với tiến bộ và công bằng xã hội với mục tiêu đến năm 2020, đưa Hà Tĩnh trở thành tỉnh có kinh tế, công nghiệp phát triển của khu vực và cả nước; thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, mục tiêu về lao động người có công và xã hội; mỗi năm tạo việc làm cho 3,2 vạn lượt người, đào tạo nghề 2,5 vạn lao động, nâng tỷ lệ đào tạo nghề lên 70%; duy trì tỷ lệ thất nghiệp dưới 2%, nâng cao tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội bắt buộc, giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm 2-3% theo chuẩn mới, nâng cao chất lượng các hoạt động lao động, người có công và xã hội và cung cấp các dịch vụ công thuộc ngành.
Phát huy những kết quả đạt được, giai đoạn tới với những thời cơ, thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, thách thức; bám sát các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, ngành tập trung cao tham mưu thực hiện tốt các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội tỉnh Đảng bộ lần thứ XVIII; đặc biệt, tập trung công tác đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH, phát triển thị trường lao động, tạo nhiều việc làm cho người dân, tăng cường huy động, xã hội hóa các nguồn lực chăm lo thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách người có công, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tích cực đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thể chế; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; xây dựng vị trí việc làm gắn với rà soát, tổ chức bộ máy tinh gọn; đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành; tăng cường kiểm tra, giám sát; siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong thực hiện công vụ; xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong sạch, vững mạnh; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên các lĩnh vực; tham mưu cấp ủy, chính quyền tạo sự bứt phá, phát triển mạnh mẽ về kinh tế- xã hội, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Để đạt được điều đó, cán bộ, công chức, viên chức toàn Ngành phải thực sự nâng tầm, tâm huyết, trách nhiệm, tận tâm, tận tụy với đối tượng, không ngừng học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng; tu dưỡng, rèn luyện, trau dồi phẩm chất đạo đức, nâng cao bản lĩnh chính trị, trình độ mọi mặt, tinh thần, thái độ, lấy sự hài lòng, lợi ích của nhân dân, của đối tượng làm phương châm phục vụ; tham mưu thực hiện tốt hơn nữa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác lao động, việc làm, dạy nghề, chính sách người có công và đảm bảo an sinh xã hội để tự hào với truyền thống 70 năm của ngành, xứng đáng hơn nữa, đáp ứng sự tin tưởng và mong đợi của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà./.