Mất cân bằng giới tính khi sinh đang diễn ra ở 12/12 huyện, thị, thành trên địa bàn toàn tỉnh. Ở một số địa phương, tình trạng này đã lên đến mức “báo động đỏ” khi các bậc làm cha, làm mẹ chủ động lựa chọn giới tính thai nhi do quan niệm muốn sinh con trai đã ăn sâu vào tiềm thức.
Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, nếu không có biện pháp can thiệp hữu hiệu, đến khoảng năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3–4,3 triệu nam giới.
Những con số “giật mình”
Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh những ngày cuối năm, chứng kiến sự chào đời của các cháu bé tại Khoa Sản mới thấy rõ sự chênh lệch giới tính khi sinh. Từ đầu năm đến nay, Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh đón 902 bé chào đời với 487 bé trai và 415 bé gái, trong đó, có những tháng, tỷ lệ bé trai sinh ra nhiều hơn hẳn bé gái như: tháng 1, có 115 bé, trong đó, 68 bé trai và 47 bé gái; tháng 4, có 110 bé, trong đó, 84 bé trai và 26 bé gái.
Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh tại Bệnh viện Đa khoa TP Hà Tĩnh cũng chính là thực trạng đang diễn ra trên địa bàn thành phố nhiều năm qua. Theo thống kê của Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Hà Tĩnh, năm 2012, tỷ số giới tính khi sinh là 112 bé trai/100 bé gái. Năm 2013, tỷ số này tăng lên 121,89 bé trai/100 bé gái và 10 tháng đầu năm 2014 là 134,90 bé trai/100 bé gái. Đặc biệt, ở một số phường, xã, tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh ở mức cao, nằm trong tốp những địa phương mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả tỉnh như: Tân Giang (278/100), Thạch Đồng (242,8/100), Đại Nài (166,6/100), Thạch Quý (172/100)…
Phó Chi cục trưởng Chi cục DS/KHHGĐ tỉnh Nguyễn Huy Tú cho biết: “Không chỉ có TP Hà Tĩnh, 12/12 huyện, thị, thành phố trên địa bàn Hà Tĩnh đều diễn ra tình trạng chênh lệch giới tính khi sinh. Đây là một trong những khó khăn, thách thức mà ngành dân số tỉnh nhà đang phải đối mặt”. Theo thống kê của Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh, tỷ số giới tính khi sinh tại Hà Tĩnh đạt mức từ 135 (năm 2000) -120 (năm 2007) bé trai/100 bé gái. Từ năm 2009 đến nay, tỷ số này biến động ở mức 113-115 bé trai/100 bé gái (tỷ số chuẩn là 103-105 bé trai/100 bé gái)...
Nói về vấn đề này, anh Lương Hà Long - cán bộ Trung tâm DS-KHHGĐ thành phố Hà Tĩnh lý giải: “Càng ngày, người dân càng có xu hướng sinh nhiều con để tránh rủi ro. Đặc biệt, chế tài xử lý với các trường hợp cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 chưa đủ mạnh; cán bộ, đảng viên là “người đi trước” để “làng nước theo sau” nhưng lại chưa gương mẫu dẫn đến việc tuyên truyền, vận động người dân cũng khó khăn hơn rất nhiều”.
Đó chỉ là một trong những nguyên nhân gây mất cân bằng giới tính khi sinh. Nguyên nhân sâu xa là do định kiến giới, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”. Điều này tạo áp lực cho người phụ nữ, khiến họ tìm mọi cách để sinh được con trai. Chị Nguyễn Thị N. (phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh), đang mang thai cháu thứ 3 bày tỏ: “Em muốn sinh cho “có nếp, có tẻ”, nếu chưa có con trai thì sinh tiếp”. Với áp lực từ phía gia đình cộng với tư tưởng trọng nam trong chính suy nghĩ của những người phụ nữ đã khiến dân số gia tăng, kéo theo sự chênh lệch giới tính khi sinh ngày càng cao.
Luật cấm, dân biết!
Để hỗ trợ cho việc sinh con theo ý muốn thì các phương tiện KHKT hiện đại đang là lựa chọn số 1 của các cặp vợ chồng. Nhất là ở thành phố, nơi có các phương tiện hiện đại như siêu âm trứng, siêu âm thai, kỹ thuật chọc ối, xét nghiệm máu, xét nghiệm gen...
Mít tinh hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia về Dân số Diễu hành hưởng ứng Tháng hành động quốc gia về dân số 2014 với chủ đề "Mất cân bằng giới tính khi sinh và những hệ lụy xấu trong cộng đồng xã hội". Mặc dù, Điều 10, Nghị định 104/NĐ-CP của Chính phủ đã quy định rõ: nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi như tuyên truyền, phổ biến phương pháp tạo giới tính thai nhi; chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi; loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính bằng các biện pháp phá thai... nhưng việc thông báo giới tính thai nhi vẫn diễn ra hàng ngày, hàng giờ tại các phòng khám. Để “lách luật”, các bác sĩ trực tiếp khám thai có vô vàn cách để thông báo với khách hàng. Thai nhi là bé gái thì đại loại ám hiệu là: “đái ngồi nhé”, “váy nhé”, “xinh giống mẹ” hoặc kín hơn nữa là “không giống bố rồi”... Chị Nguyễn Thị H. (phường Thạch Quý, TP Hà Tĩnh) đang mang thai tháng thứ 9, chia sẻ: “Tháng nào em cũng đi khám thai và siêu âm để kiểm tra sức khỏe của bé. Dù em không hỏi nhưng ở tháng thứ 4, bác sỹ nói em đang mang thai 1 bé trai”.
Ở Hà Tĩnh, tỷ lệ thai phụ biết giới tính thai nhi trước khi sinh năm 2009 là 65%, trong đó 98,5% qua siêu âm và 80% trả lời biết giới tính thai nhi sau 16 tuần tuổi (theo Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh). Đặc biệt, đã có hiện tượng siêu âm để lựa chọn giới tính. Tỷ lệ phụ nữ nạo phá thai so với phụ nữ sinh đẻ vẫn còn cao, nguy cơ phụ nữ nạo phá thai để lựa chọn giới tính ngày càng tăng. Do đó, điều cần làm là truyền thông về bình đẳng giới, về vai trò và những đóng góp của nữ giới trong gia đình, cộng đồng và xã hội để nâng cao vị thế của phụ nữ và trẻ em gái.
Theo dự báo của các nhà nhân khẩu học, nếu không có biện pháp can thiệp hữu hiệu, đến khoảng năm 2050, Việt Nam sẽ thừa 2,3 - 4,3 triệu nam giới. Điều đó kéo theo những hậu quả nghiêm trọng như làm gia tăng áp lực lên các em gái khi buộc phải kết hôn sớm hơn; gia tăng tình trạng mại dâm, các đường dây buôn bán phụ nữ và cả vấn đề hôn nhân cận huyết thống... Đây chính là những hậu quả do tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nóng bỏng hiện nay.