Sáng ngày 22/4, dưới sự chủ trì của Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 tỉnh họp bàn các kịch bản ứng phó với dịch bệnh theo 2 cấp độ “nguy cơ” và “nguy cơ thấp” và phương án thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ phòng, chống dịch trong tình hình mới, Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh Covid-19 của tỉnh đã xây dựng 2 dự thảo kịch bản chi tiết để ứng phó với dịch theo 2 cấp độ: “nguy cơ” và “nguy cơ thấp”.
Giám đốc Sở Y tế Lê Ngọc Châu báo cáo dự thảo kịch bản ứng phó với các cấp độ của dịchTuy nhiên, theo đánh giá đến thời điểm hiện tại, tỉnh không có trường hợp nào nhiễm Covid-19 thứ phát tại cộng đồng, 3 trong 4 ca bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2 đã khỏi bệnh, xuất viện; đã qua 10 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới. Các đầu mối giao thông được quản lý, kiểm soát tốt. Các trường hợp nhập cảnh qua cửa khẩu, công tác ngăn chặn, kiểm soát người nhập cảnh trái phép qua biên giới đang được tăng cường chặt chẽ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh: Nếu Hà Tĩnh vào nhóm nguy cơ thấp thì việc hoạt động sản xuất kinh doanh cơ bản nên được cho hoạt động trở lại, tuy nhiên cần hạn chế đối với một số dịch vụ, ngành nghề chưa thực sự thiết yếu, còn tiềm ẩn nguy cơ.Đối với mức độ sẵn sàng của hệ thống y tế, hệ thống cách ly tập trung, hiện nay Hà Tĩnh đã có 14 cơ sở y tế thực hiện thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19. Tất cả các bệnh viện đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thiết bị, thuốc và hóa chất để thực hiện nhiệm vụ; toàn tỉnh đã chủ động chuẩn bị cơ sở cách ly tập trung với hơn 200 cơ sở, 20.000 giường. 2 hệ thống xét nghiệm sàng lọc SAR–CoV-2 đang vận hành với công suất hơn 800 mẫu/ngày.
Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng: Nên chăng từ nay đến 30/4 tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định phòng chống dịch theo mức độ quy định. Sau đó sẽ căn cứ vào tình hình thực tiễn để phân loại, điều chỉnh phù hợp.Căn cứ vào các cơ sở trên, Hà Tĩnh đã kiến nghị Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh quốc gia đưa tỉnh vào nhóm nguy cơ thấp. Theo kịch bản của nhóm này, khuyến cáo người dân chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết, không tập trung quá 20 người trở lên tại nơi công cộng. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh được phép hoạt động trở lại, nhưng phải đảm bảo quy định phòng chống dịch theo khuyến cáo của cơ quan y tế. Dự thảo kịch bản này cũng sẽ cho phép hoạt động đối với tất cả các loại hình vận tải: Tuyến cố định, xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch trên địa bàn Hà Tĩnh với điều kiện các phương tiện phải đảm bảo phòng, chống dịch theo quy định. Tuy nhiên, tiếp tục tạm ngừng hoạt động đối với tuyến đi đến các tỉnh, thành phố thuộc nhóm nguy cơ cao và nguy cơ.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Trung Dũng: Trong tháng 4 nên cho phép duyệt đại hội và tổ chức đại hội cấp chi bộ những chi bộ dưới 20 đảng viên để đảm bảo kịp tiến độ.Các nghi lễ tôn giáo, tín ngưỡng, hoạt động, dịch vụ như khu vui chơi, giải trí, du lịch, sân thể thao… được phép hoạt động, nhưng không tập trung quá 20 người; học sinh lớp 9 và lớp 12 đi học trở lại.
Đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tếCùng với lên kịch bản ứng phó với dịch, Hà Tĩnh cũng tập trung thực hiện Nghị quyết 42 của Chính phủ về biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do dịch Covid-19. Đến nay Sở LĐ-TB&XH đã phối hợp với các địa phương rà soát, thống kê các nhóm đối tượng hưởng chính sách.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: UBND tỉnh đang chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH và các địa phương rà soát lại, đảm bảo đúng đối tượng hỗ trợ theo Nghị quyết 42 của Chính phủ.Theo đó, 3 nhóm đối tượng đã được rà soát cụ thể (người có công với cách mạng, đối tượng bảo trợ xã hội, nhân khẩu hộ nghèo, hộ cận nghèo) thuộc diện xem xét, giải quyết theo chính sách là 207.546 người. Dự kiến tổng kinh phí thực hiện 234,972 tỷ đồng. Tỉnh sẽ tiến hành chi trả ngay vào đầu tháng 5/2020. Đối với các chính sách hỗ trợ người lao động bị mất việc làm và người sử dụng lao động vay vốn lãi suất 0% để trả lương cho người lao động, các cấp, ngành đang tập trung rà soát và sẽ triển khai hỗ trợ ngay sau khi có quyết định của Thủ tướng.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y: Cùng với chống dịch thì mục tiêu quan trọng nhất hiện nay là tập trung giải pháp tháo gỡ các cản trở, vướng mắc, thúc đẩy phát triển sản xuất, đảm bảo an sinh xã hội...Hiện nay, Hà Tĩnh đang bắt tay thực hiện 5 nhóm giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, nhất là tập trung hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh tiêu thụ lượng hàng tồn kho, tìm kiếm thị trường trong nước, trong tỉnh; chưa thực hiện điều chỉnh tăng giá trong quý II và quý III/2020 đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước định giá thuộc lĩnh vực quản lý; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường. Rà soát, đề xuất Chính phủ phương án xử lý đối với việc gia hạn, nộp thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp hoạt động trong một số lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng không thuộc đối tượng hỗ trợ theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP trên cơ sở phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Đẩy nhanh việc giao kế hoạch vốn và giải ngân vốn đầu tư công; hỗ trợ người lao động, đảm bảo an sinh xã hội, giải quyết việc làm.
Tập trung sản xuất, không chủ quan trong phòng dịchKết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn cho rằng, Hà Tĩnh là địa phương tiềm ẩn nguy cơ dịch cao, nhưng hơn 2 tháng nay, với sự chỉ đạo quyết liệt, bài bản của tỉnh, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng của Nhân dân nên công tác phòng chống đã có sự chủ động và đạt được hiệu quả rất rõ. Trên cơ sở đó, tỉnh thống nhất cao việc đề xuất với Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chuyển từ nguy cơ cao sang nguy cơ thấp.
Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn: Cần tập trung cho sản xuất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm nhưng không chủ quan, lơ là về phòng chống dịch.Bí thư Tỉnh ủy cho rằng, khi chuyển sang nguy cơ thấp, Hà Tĩnh cần chủ động thích ứng với dịch và kiên trì mục tiêu kép, tập trung cao nhất cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đến cuối tháng 4, tỉnh sẽ đánh giá lại kết quả quá trình chuyển giai đoạn để tiếp tục thảo luận, xây dựng kịch bản mới cho giai đoạn tiếp theo. Bí thư Tỉnh ủy lưu ý, để có thể thực hiện mục tiêu kép một cách hiệu quả, cần hết sức quan tâm đến công tác quản lý nhà nước trên mọi mặt. Về cách thức thực hiện, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu cần hiện thực hóa các quy định của Chính phủ đối với nhóm nguy cơ thấp một cách phù hợp tình hình thực tiễn của Hà Tĩnh. Trong việc thực hiện các quy định ở giai đoạn mới, cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cần gương mẫu đi đầu. Đi vào cụ thể, Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, ngành giáo dục từ 27/4 sẽ cho phép lớp 9 và 12 đi học trở lại; các cấp học khác đầu tháng 5 sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể. Riêng bậc mầm non, cần chú ý đảm bảo các điều kiện an toàn cao nhất. Sở GTVT cần làm việc với Bộ GTVT, Cục Đường bộ để có hướng dẫn cụ thể việc lưu thông liên tỉnh; ngành công thương khi đưa chợ vào hoạt động trở lại, cần gắn với quản lý chặt chẽ các quy định phòng dịch. Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn nhấn mạnh, cần tập trung triển khai khẩn trương Nghị quyết 42 của Chính phủ để đảm bảo an sinh xã hội; sớm có giải pháp cụ thể tháo gỡ khó khăn cho phát triển sản xuất kinh doanh. Đến đầu tháng 5, UBND tỉnh cần trình các phương án, giải pháp cụ thể để thực hiện. Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo các địa phương, đơn vị tăng cường công tác duyệt đại hội; việc tổ chức đại hội sẽ chờ ý kiến chỉ đạo của Trung ương. Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu, Ban chỉ đạo phòng chống dịch tỉnh và UBND tỉnh nhanh chóng xây dựng dự thảo hướng dẫn thực hiện phòng chống dịch theo từng cấp độ; quy định cụ thể về các cấp độ: cấm, hạn chế, khuyến cáo đối với các lĩnh vực hoạt động kinh tế, hoạt động xã hội. Từ đó, khi Thủ tướng công bố mức nguy cơ của các địa phương, Hà Tĩnh có thể chủ động thực hiện được ngay. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị, các cơ quan truyền thông tập trung tuyên truyền việc chuyển trạng thái phòng chống dịch phù hợp; tăng cường thông tin, tuyên truyền về nhiệm vụ phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế xã hội.