Ngày 4/7/2022, Ban Vì sự tiến bộ phục nữ - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (Bộ LĐTBXH) đã tổ chức Chương trình bồi dưỡng chuyên đề Những quy định đối với lao động nữ, bảo đảm bình đẳng giới trong Bộ Luật Lao động và An toàn sức khỏe phụ nữ trong thời kỳ Covid -19 tại TP.HCM. Đến dự Chương trình có Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thị Hà - Ủy viên ban cán sự Đảng, Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Hà Xuân Tùng, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Quyền Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Lê Khánh Lương, Phó Trưởng ban Vì sự tiến bộ phụ nữ Bộ; Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Mai Đức Thiện; Phó Chánh văn phòng, Trưởng đại diện Văn phòng tại TP.HCM của Bộ LĐTBXH Phạm Anh Thắng và Thủ trưởng, Phó thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ khu vực miền Trung, miền Nam cùng sự có mặt của gần 100 đại biểu đại diện Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các đơn vị.
Phát biểu khai mạc buổi tập huấn, Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết, dịch bệnh Covid-19 diễn hơn 2 năm qua khiến phụ nữ phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Những hệ luỵ do dịch bệnh gây ra đã tác động không nhỏ đến việc bảo vệ sức khoẻ và quyền của phụ nữ, đặt ra những thách thức mới trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà phát biểu khai mạc buổi tập huấn
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà hy vọng với những kiến thức cơ bản từ các chuyên đề của khoá tập huấn sẽ giúp chị em cán bộ nữ của ngành LĐTBXH vận dụng phù hợp vào thực tiễn công việc của mình để tham mưu, tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ tại đơn vị, đồng thời đảm bảo quyền lợi chính đáng cho nữ giới trong lao động, việc làm. Thứ trưởng cũng mong muốn qua lớp tập huấn, chị em sẽ có thêm kiến thức chăm sóc sức khoẻ cá nhân và gia đình, đặc biệt trong thời kì hậu Covid-19, từ đó có điều kiện cống hiến nhiều hơn cho xã hội.
Chia sẻ tại buổi tập huấn, TS. Mai Đức Thiện- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ LĐTBXH cho biết, Bộ Luật Lao động 2019 sửa đổi nhằm thúc đẩy phát triển thị trường lao động, góp phần hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Giải quyết căn bản các vướng mắc, bất cập và tạo khung pháp lý thông thoáng, linh hoạt hơn về tuyển dụng, sử dụng lao động. Đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế (bảo đảm bình đẳng giới).
Đặc biệt, Bộ Luật Lao động đã có riêng một chương quy định về bảo đảm bình đẳng giới. Trong đó, có Nguyên tắc cấm phân biệt đối sử trong lao động; Nguyên tắc trả lương bình đẳng, người sử dụng lao động phải bảo đảm trả lương bình đẳng, không phân biệt giới tính đối với người lao động làm công việc có giá trị như nhau. Trong đó, có những quy định riêng về lao động nữ. Trong đó, quy định rõ về bảo vệ thai sản; bảo vệ sức khỏe lao động nữ; bảo vệ việc làm với lao động nữ trong thời gian thai sản.
Quang cảnh Chương trình
Lao động nữ làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, công việc có ảnh hưởng xấu đến chức năng sinh sản và nuôi con khi mang thai. Vì vậy, người sử dụng lao động cần chuyển sang làm công việc nhẹ nhàng hơn, an toàn hơn hoặc giảm bớt giờ làm việc hằng ngày cho đến hết thời gian nuôi con dưới 12 tháng tuổi”, TS. Mai Đức Thiện nói.
Đồng thời TS. Thiện cho rằng, Bộ Luật Lao động cũng quy định về những chính sách của nhà nước về bảo đảm bình đẳng giới; trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm bình đẳng giới,…; các chính sách khác liên quan như: điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng dẫn bình đẳng giới hay quấy rối tình dục tại nơi làm việc.
Ngoài ra, chương trình còn được trao đổi xoay quanh các chủ đề về Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới.