Ngày 06/01, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri chuyên đề với gần 700 cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động thành phố Hải Phòng. Tham gia trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn thành phố Cảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã làm rõ thêm các kiến nghị thuộc các lĩnh vực liên quan về tuổi nghỉ hưu, lao động việc làm, các vấn đề an sinh xã hội khác…
Ngày 06/01, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ tiếp xúc cử tri chuyên đề với gần 700 cử tri đại diện cho công nhân, viên chức, người lao động thành phố Hải Phòng. Tham gia trả lời kiến nghị của cử tri trên địa bàn thành phố Cảng, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đã làm rõ thêm các kiến nghị thuộc các lĩnh vực liên quan về tuổi nghỉ hưu, lao động việc làm, các vấn đề an sinh xã hội khác…
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) và các đại biểu ngồi bàn chủ tọa điều hành cuộc tiếp xúc cử tri
Được sự phân công của Chủ tịch Quốc hội giải đáp các quan tâm của cử tri về đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, những ngày qua, Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã bàn và thông qua Nghị quyết 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 (gọi tắt Nghị quyết 42) về tiếp tục đổi mới và nâng cao các vấn đề chính sách xã hội đến 2030 và tầm nhìn đến 2045.
Bộ trưởng khẳng định, Nghị quyết 42 đã đặt nền móng, và có tính chất bản lề và rất quan trọng cho phát triển chính sách xã hội từ nay đến 2045; đặt ra các vấn đề chính sách xã hội trong tình hình mới, với tư duy đổi mới, chuyển đổi từ cách tiếp cận chính sách xã hội “đảm bảo và ổn định” sang “ổn định và phát triển”.
Theo đó, chuyển dần từ đảm bảo mức sống tối thiểu và phạm vi hẹp là đối tượng yếu thế là chủ yếu, sang đối tượng chính sách xã hội và tập trung vào vấn đề phúc lợi xã hội, “làm sao để mọi người dân đều được thụ hưởng, được tham gia và quá trình phát triển xã hội”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Làm rõ thêm quan tâm của cử tri thành phố Cảng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin, Nghị quyết 42 đặt ra ba vấn đề đột phá liên quan trực tiếp đến người lao động, đó là phấn đấu trở thành quốc gia tiên phong trong lĩnh vực an sinh xã hội và việc làm thỏa đáng bền vững. Ba vấn đề đột phá đặt ra là:
Thứ nhất, phấn đấu xây dựng thị trường lao động linh hoạt, đa dạng hiện đại và hội nhập, đây là nền tảng để phát triển chính sách xã hội bền vững; để mọi người dân đều được tham gia và thụ hưởng.
Thứ hai, xây dựng một sàn an sinh tối thiểu, đặc biệt 3 vấn đề giáo dục y tế và đời sống đẻ đảm bảo cho mọi người lao động có cuộc sống lo cho chính mình và gia đình.
Một đột phá quan trọng nữa được Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu bật, đó là vấn đề nhà ở xã hội. Đến năm 2030, Việt Nam cam kết không còn nhà tạm, nhà dột nát cho người yếu thế, người nghèo trong đó tập trung ở 74 huyện nghèo nhất.
Đồng thời thực hiện xây dựng 1 triệu căn nhà xã hội, và trong năm 2024 này phấn đấu hoàn thành được 130 nghìn nhà ở xã hội.
Tăng dần tuổi nghỉ hưu
Tại buổi tiếp xúc, cử tri thành phố Cảng đề nghị Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành nghiên cứu quy định tuổi nghỉ hưu của giáo viên mầm non thấp hơn tối đa 5 năm so với tuổi nghỉ hưu chung của Bộ luật Lao động năm 2019.
Về kiến nghị này, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Và trong Bộ luật Lao động 2019 có bàn chính sách điều chỉnh tuổi hưu theo phương án điều chỉnh dần, và chủ trương này sau đó Quốc hội thông qua với kết quả rất cao.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tham gia giải đáp, làm rõ các vấn đề cử tri thành phố Hải Phòng quan tâm
Điều chỉnh dần theo hướng mỗi năm nữ tăng 4 tháng, nam tăng 3 tháng để tiến tới tuổi hưu của nam tiệm cận 62 tuổi, nữ 60 tuổi và trong đó vẫn đặt ra tuổi nghỉ hưu với một số nhóm đối tượng có thể có giảm, đó là những đối tượng có tính chất đặc thù - chủ yếu 2 đối tượng: Lao động nặng nhọc, độc hại; và lao động đặc biệt nặng nhọc độc hại thì hạ thấp tuổi nghỉ hưu.
“Như vậy, ở đây có những trường hợp có thể nghỉ hưu sớm hơn 10 năm, so với mức tuổi hưu 55 tuổi”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Quốc hội đã giao cho Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành Thông tư, đã xác nhận 1841 ngành nghề, lĩnh vực công nghiệp nặng nhọc, độc hại và đặc biệt nặng nhọc độc hại.
“Báo cáo Chủ tịch Quốc hội, ngày hôm kia Ban cán sự đảng Bộ LĐTBXH vừa thông qua danh sách cuối cùng, Bộ GD&ĐT đề xuất 4 ngành nghề nặng nhọc, độc hại với đội ngũ giáo viên cả nước hiện nay, theo tính toán sơ bộ có khoảng 1,2 triệu, trong đó giáo viên mầm non khoảng trên 300 nghìn người", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho hay, mới đây Bộ GD&ĐT có công văn gửi Bộ LĐTBXH xem xét bổ sung nghề giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học vào Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.
Trên cơ sở đề xuất này của Bộ GD&ĐT, ghi nhận vấn đề này, tuy nhiên Bộ trưởng khẳng định cũng phải đánh giá một cách đầy đủ, bản thân công việc mầm non cũng có những người nặng nhọc độc hại nhưng không phải giáo viên mần non nào cũng nặng nhọc độc hại. Và trên thế giới này chưa có 1 quốc gia nào mà đưa giáo viên mầm non vào nặng nhọc độc hại.
Cử tri phố Cảng đề đạt các vấn đề quan tâm đến lĩnh vực lao động việc làm và an sinh xã hội
“Chúng tôi ghi nhận vấn đề này, và sẽ nghiên cứu ở một thời điểm thích hợp”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin đến cử tri.
Về các ý kiến trên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, đa phần những vấn đề này đều đã được Quốc hội giải quyết trong các luật, nghị quyết do Quốc hội ban hành.
Một trong những sáng kiến quan trọng nhất mà Quốc hội thông qua là tăng tuổi nghỉ hưu nhưng không làm xáo trộn thị trường lao động, với việc tăng tuổi nghỉ hưu theo từng năm.
"Sáng kiến này của nước ta được nhiều nước bạn bè trên thế giới đánh giá cao, bởi có những nước sau khi tăng tuổi nghỉ hưu đã tạo ra những bất ổn rất lớn trong xã hội và phải mất rất nhiều thời gian để giải quyết", ông Vương Đình Huệ nói.
Cải cách tiền lương đồng bộ
Một vấn đề nữa được cử tri thành phố hoa phượng đỏ hết sức quan tâm, đó là mức lương tối thiểu vùng. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, Quốc hội đã “chốt” 01/7 này cải cách chính sách tiền lương khu vực công. Ba đối tượng gồm khu vực DNNN, khu vực hưu trí, người có công và các đối tượng chính sách xã hội liên quan.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và các đại biểu bấm nút khởi công dự án Nhà ở xã hội Tràng Cát - Hải Phòng tổng mức đầu tư hơn 5.800 tỷ đồng xây dựng 4.300 căn hộ cho lao động, công nhân thu nhập thấp
Về khu vực doanh nghiệp, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, để cải cách tiền lương đồng bộ với cải cách tiền lương khu vực công sẽ có 5 giải pháp thực hiện cải cách tiền lương đồng bộ từ ngày 01/7/2024.
Theo đó, Nhà nước không can thiệp vào thang bảng lương của doanh nghiệp nữa, nhưng Nhà nước có trách nhiệm đưa “bàn tay” của mình để đảm bảo mức lương tối thiểu làm căn cứ giữa chủ sử dụng lao động và người lao động thương thảo, không thấp hơn mức lương tối thiểu này.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho biết thêm, sẽ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng tăng khoảng 6 % trong năm 2024, và việc này đã được thống nhất 3 bên giữa Bộ LĐTBXH, Tổng LĐLĐVN, và VCCI.
Cho biết, tăng lương luôn là vấn đề rất khó nhận được sự đồng thuận của các bên liên quan, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vì tiền lương là thu nhập của người lao động nhưng lại là chi phí của doanh nghiệp.
“Vì vậy, Đảng, Nhà nước ta có chính sách xây dựng tiền lương hài hòa lợi ích của các bên liên quan để bảo đảm sự phát triển ổn định, bền vững. Tiền lương tối thiểu là mức sàn tối thiểu mà doanh nghiệp không được trả thấp hơn. Tiền lương thực tế của người lao động do doanh nghiệp và người lao động thỏa thuận, hầu hết là cao hơn so với mức lương tối thiểu”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.