Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn Hà Tĩnh đã và đang chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số với mục tiêu hướng đến xây dựng các trường học nghề thông minh, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Giảng viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh áp dụng bài giảng điện tử để dạy nghề cho học sinh, sinh viên.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh hiện có 143 cán bộ, giảng viên, nhân viên, quy mô đào tạo từ 9.000 đến 10.000 học sinh, sinh viên/năm. Từ nhiều năm nay, việc quản lý cán bộ, viên chức và người lao động cũng như quản lý đào tạo, quản lý tài chính... của nhà trường đã và đang được số hóa, quản lý bằng phần mềm.
Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức mới được đầu tư phòng học E-learning do Tổ chức Hợp tác Quốc tế CHLB Đức (GIZ) tài trợ một phần trang thiết bị với trị giá 750 triệu đồng để phục vụ công tác dạy nghề chất lượng cao.
Trong hoạt động giảng dạy, nhà trường đã triển khai dạy và học, kiểm tra, đánh giá gồm số hóa học liệu (giáo trình điện tử, bài giảng điện tử, kho bài giảng E-learning, ngân hàng câu hỏi trắc nghiệm), thư viện số, phòng thí nghiệm ảo, triển khai hệ thống đào tạo trực tuyến, xây dựng các trường học ảo (cyber university); các khoa chuyên môn có các phần mềm, thiết bị mô phỏng theo chuyên ngành giảng dạy...; thay đổi chương trình đào tạo, số hóa chương trình, giáo trình, tài liệu tham khảo...
Sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh tham gia học tại phòng học E-learning được hỗ trợ nhiều trang thiết bị hiện đại.
Tiến sỹ Cao Thành Lê - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh cho biết: “Nhà trường đang đẩy mạnh số hóa, xây dựng bài giảng, tài liệu điện tử để đào tạo trực tuyến thông qua các nền tảng công nghệ như: Zoom, Google Meet... Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn gặp một số khó khăn do một số giáo viên chưa có kinh nghiệm trong việc tổ chức dạy trực tuyến. Bên cạnh đó, 75% chương trình học nghề của nhà trường là thực hành nên việc học trực tuyến ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng học tập của học sinh, sinh viên…
Thời gian tới, nhà trường tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; chủ động xây dựng kế hoạch đào tạo phù hợp, đưa lên website các bài giảng, thư viện điện tử… nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người học”.
Việc dạy học trực tuyến qua một số nền tảng công nghệ được Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh triển khai thời gian qua đã cho thấy nhiều tín hiệu tích cực. Sinh viên Nguyễn Sỹ Trung - Lớp cao đẳng Cơ khí chế tạo máy K20 chia sẻ: “Việc nhà trường áp dụng bài giảng điện tử vào quá trình giảng dạy đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp sinh viên hứng thú hơn. Chúng em tiếp thu bài tốt hơn bởi bài giảng sử dụng nhiều hình ảnh, video minh họa sinh động”.
Chú trọng ứng dụng công nghê thông tin, đổi mới phương pháp giảng dạy tại Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh nhằm đáp ứng yêu cầu thời kỳ hội nhập.
Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh đã ứng dụng chuyển đổi số trong tổ chức dạy và học trực tuyến. Đây cũng là cơ hội để nhà trường đẩy mạnh, phát triển đào tạo trực tuyến, phát triển mô hình đào tạo E-learning trên cơ sở phát triển "trường học thông minh”.
Nhà trường cũng đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin khá tốt, hầu hết các hoạt động của trường đều đã ứng dụng công nghệ thông tin như tuyển sinh, đào tạo trực tuyến và các chuyên môn nghiệp vụ khác. Giáo viên và sinh viên của trường thường xuyên tương tác trực tuyến, giáo viên tích hợp các bài giảng đa phương tiện, giúp học sinh, sinh viên thuận lợi tra cứu, học tập. Trường cũng đang tiếp tục hoàn thiện, nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin nhằm đáp ứng tốt nhu cầu thực tế.
Giáo viên và sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh thường xuyên tương tác trực tuyến trong quá trình học tập.
Thầy Nguyễn Đình Đại - Phó Hiệu trường Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh cho biết: “Để đẩy mạnh chuyển đổi số, nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể theo từng nhóm nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, tất cả các hoạt động giáo dục nghề nghiệp của nhà trường sẽ được ứng dụng trên nền tảng số, góp phần thực hiện chuyển đổi số và đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực trong thời đại 4.0”.
Giờ thực hành của Khoa Cơ khí - Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh.
Hiện nay, Hà Tĩnh có 22 cơ sở GDNN gồm: 4 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp, 3 trung tâm giáo dục nghề nghiệp, 10 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện và 1 phân hiệu của Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại trực thuộc Bộ Công Thương. Hằng năm, các cơ sở đào tạo hơn 29.000 học sinh, sinh viên.
Thực hiện Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”, Sở LĐ-TB&XH đã tham mưu UBND tỉnh Kế hoạch Thực hiện chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2030, Hà Tĩnh phấn đấu 100% nhà giáo và cán bộ quản lý được đào tạo bổ sung nâng cao năng lực số, kỹ năng, phương pháp sư phạm phù hợp để triển khai đào tạo trên môi trường số; 100% chuẩn đầu ra chương trình đào tạo của các trình độ được tích hợp năng lực số, có nội dung đào tạo phù hợp với phương thức chuyển đổi số; 100% cơ sở GDNN có hạ tầng số, nền tảng số để kết nối, khai thác với nền tảng số giáo dục nghề nghiệp quốc gia…
“Để đạt được những mục tiêu đề ra, trong thời gian tới, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh tiếp tục phát triển chương trình, nội dung đào tạo các cấp trình độ GDNN phù hợp với yêu cầu của chuyển đổi số trong nền kinh tế và hội nhập quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển hạ tầng, nền tảng, thiết bị và học liệu số; phát triển năng lực số cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý; đổi mới phương pháp dạy và học… Từ đó, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực.
Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đặng Văn Dũng”