Lê Thị Mai Hoa
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội
Trẻ em là hạnh phúc của gia đình, là tương lai của đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn coi nhiệm vụ bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em là một trong những nội dung cơ bản của chiến lược con người và xác định rõ vai trò, trách nhiệm của trẻ em là những người kế tục sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Trong những năm qua đại dịch Covid - 19 đã tác động mạnh mẽ đến đời sống, sức khỏe cá nhân mỗi con người, đặc biệt là với trẻ em khi phải lớn lên trong thời kỳ bệnh dịch sẽ ảnh hưởng đối với sức khỏe cũng như học tập, vui chơi giải trí và tất cả những tác động xung quanh đã gây nên tâm lý cho trẻ em, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần và mối quan hệ xã hội… đây là vấn đề được các cấp, các ngành và toàn xã hội đặc biệt quan tâm. Trước tình hình đó ngày 31/12/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 36/CT-TTg về tăng cường giải pháp bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; để khắc phục hậu quả trước mắt và lâu dài của dịch Covid-19 đến trẻ em với quan điểm bảo vệ tốt nhất, hạn chế tối đa những tác động xấu đến trẻ em, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho trẻ em tại địa phương; tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 kịp thời, an toàn, hiệu quả cho trẻ em; tổ chức điều trị và chăm sóc cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 và ảnh hưởng bởi Covid-19; thực hiện chăm sóc thay thế trẻ em mồ côi nói chung và trẻ em mồ côi do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng, bảo đảm trẻ em mồ côi được chăm sóc, nuôi dưỡng tốt nhất cả về thể chất và tinh thần, ưu tiên chăm sóc thay thế bởi người thân thích; thực hiện chế độ, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; Vận động, huy động, hỗ trợ nguồn lực chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em, nhất là trẻ em mồ côi, trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 theo quy định của pháp luật. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ cho trẻ em bị ảnh hưởng của đại dịch Covid19, trẻ mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em mồ côi cha hoặc mẹ nhưng có hoàn cảnh khó khăn, trẻ là con của sản phụ bị nhiễm Covid19 và các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đã có nhiều chương trình hỗ trợ chăm sóc, giúp đỡ đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19.
Đc Lê Thị Mai Hoa - PGĐ Sở Lao động TBXH, lãnh đạo Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh cùng các nhà tài trợ tặng quà cho trẻ em mồ côi do cha mất vì Covid-19 tại huyện Cẩm Xuyên.
Hà Tĩnh có hơn 327.000 trẻ em, chiếm 25,5% dân số, thời gian qua, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em tỉnh Hà Tĩnh luôn các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, mỗi gia đình và toàn xã hội quan tâm: Việc huy động và sử dụng nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng hiệu quả. Công tác bảo vệ, xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em được chú trọng. Đời sống sức khỏe, văn hóa, tinh thần, phúc lợi xã hội và các quyền dành cho trẻ em ngày càng được bảo đảm. Tuy nhiên, Covid-19 đã tác động không nhỏ đến đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe, học tập, vui chơi, giải trí của trẻ em tỉnh Hà Tĩnh. Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh có hơn 60.000 trẻ em bị nhiễm Covid-19, hàng chục ngàn trẻ em bị ảnh hưởng gián tiếp do dịch Covid-19 gây ra đã ảnh hưởng đến sự sống còn, sức khỏe và dinh dưỡng, chăm sóc giáo dục và sự phát triển của trẻ em, có 08 trẻ em phải trở thành trẻ mồ côi do cha, mẹ chết vì mắc Covid-19, nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt khó khăn do cha, mẹ mất việc làm, không có thu nhập. Trẻ em là F0 và trẻ em là F1 phải đi cách ly tập trung không có cha mẹ, người lớn đi cùng đã gây ra những gián đoạn trong sinh hoạt hàng ngày, khiến các em bị căng thẳng tâm lý, mất cảm giác an toàn của gia đình. Việc phải thực hiện giản cách xã hội, đóng cửa các trường học đã khiến việc học tập của các em gặp khó khăn, việc học tập Online, giao tiếp chủ yếu qua màn hình máy tính cũng gặp không ít khó khăn trong học tập và sinh hoạt của trẻ; bên cạnh đó nhiều gia đình điều kiện kinh tế còn khó khăn, chưa thể mua sắm được các trang bị phục vụ việc học trực tuyến của con đã làm ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng học tập của trẻ. Dịch bệnh đã làm cho nhiều sự kiện, hoạt động truyền thông cộng đồng, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị dừng hoặc bị hủy. Việc cung cấp các dịch vụ phòng ngừa, hỗ trợ can thiệp các trường hợp trẻ em có nguy cơ hoặc bị xâm hại và thực hiện công tác trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong điều kiện giãn cách xã hội do Covid-19, trẻ em bị hạn chế vui chơi, giải trí, tham gia các hoạt động xã hội, tương tác cộng đồng, dễ phát sinh tâm lý buồn chán, tăng thời gian sử dụng internet và mạng xã hội, dễ bị ảnh hưởng có thông tin xấu, độc, bị bắt nạt, lợi dụng, xâm hại qua môi trường mạng. Trẻ em phải cách ly, phải sống xa cha, mẹ, gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tâm lý xã hội của trẻ và phải đối mặt với nguy cơ bị bạo lực, xâm hại, bị tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em và những vấn đề xã hội khác.
Nhằm bảo vệ tốt nhất các quyền cơ bản của trẻ em, trong thời gian qua bám sát các chỉ đạo của Trung ương, các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn đoàn thể, nhà trường, gia đình và toàn xã hội đã kịp thời, chủ động, linh hoạt, thích ứng với diễn biến tình hình dịch bệnh, đặc biệt là triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hiệu quả, đó là: Tăng cường công tác truyền thông, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò xã hội và cộng đồng dân cư trong việc chấp hành nghiêm các quy định về phòng, chống Covid-19 đối với trẻ em; công tác chăm sóc, điều trị cho trẻ em bị nhiễm Covid-19 được thực hiện kịp thời, hiệu quả; việc đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin cho trẻ em được cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt, đồng bộ, đến nay, toàn tỉnh đã tiêm vắc xin cho hơn 115.000 trẻ em từ 12 tuổi -18 tuổi ( 02 mũi - đạt hơn 99%), hơn 26.300 trẻ từ 5 tuổi - 12 tuổi được tiêm (mũi 1), công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em nói chung và trẻ em bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dịch Covid-19 được chú trọng. Ngành Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các đơn vị trường học triển khai các phương án tổ chức dạy học thích ứng, linh hoạt với từng cấp độ dịch bệnh nhằm vừa đảm bảo an toàn về sức khỏe cho cán bộ, giáo viên, học sinh đồng thời đảm bảo tiến độ chương trình và chất lượng dạy học. Chủ trương tranh thủ “thời gian vàng” khi dịch bệnh tạm ổn để tập trung dạy học trực tiếp những nội dung trọng tâm, trọng điểm; tổ chức dạy học trực tuyến đối với những nội dung ôn tập, phụ trợ. Thực hiện phân luồng triệt để theo lớp, khối, phân luồng học sinh đảm bảo khoảng cách tối đa, bố trí lệch giờ giữa các lớp khi đến trường và ra về; không tổ chức tập trung đông người trước cổng trường, không tổ chức bán trú cho học sinh. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp một cách linh hoạt, hiệu quả nên các chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục và đào tạo được đảm bảo. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ trì, phối hợp với các ngành chức năng, chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị, địa phương tăng cường bảo vệ, chăm sóc trẻ em trong đại dịch Covid-19 với phương châm không một trẻ em nào rơi vào hoàn cảnh khó khăn do đại dịch Covid-19 mà không được hỗ trợ, chăm sóc kịp thời, thực hiện bảo đảm quyền của trẻ em. Tổ chức 6 đợt, đón 3.839 công dân từ thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam về quê bằng máy bay và tàu hỏa, trong đó có 323 phụ nữ mang thai và hơn 300 trẻ em; hơn 100 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn từ miền Nam về quê sinh sống và học tập được sắp xếp bố trí học tập tại các cơ sở giáo dục, quan tâm chăm sóc và hỗ trợ học bổng. Hỗ trợ kịp thời cho 12 trẻ em mồ côi, trẻ em là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 với số tiền hơn 50 triệu đồng. Thực hiện kịp thời chính sách hỗ trợ đối với trẻ em bị nhiễm Covid-19 (F0) và trẻ em cách ly y tế (F1) theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn tỉnh, có hơn 5.500 em thuộc đối tượng F0, F1 được hỗ trợ với số tiền hơn 5,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể đã thực hiện tốt việc huy động các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hỗ trợ hàng chục ngàn suất quà, suất ăn cho các gia đình và trẻ em phải cách ly y tế tại các khu cách ly tập trung.
Theo báo cáo của các cơ quan chuyên môn, đại dịch Covid-19 dẫn đến việc quá tải của hệ thống y tế làm gián đoạn việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết yếu cho trẻ em; gián đoạn trong học tập làm gia tăng sự bất bình đẳng trong tiếp cận nền giáo dục chất lượng, đối với trẻ em dân tộc thiểu số, miền núi, vùng sâu vùng xa và nhóm trẻ em khuyết tật thiếu phương tiện học tập, nhiều trẻ em bị mồ côi do cha mẹ bị tử vong do COVID-19, nhiều trẻ phải đi cách ly tập trung không có cha mẹ đi cùng gây ra những gián đoạn trong sinh hoạt thường ngày cũng đã ảnh hưởng đến tâm lý đối với trẻ em; dịch bệnh, các biện pháp phong tỏa, cách ly tại nhà và suy thoái kinh tế, người lao động mất việc làm có thể gây gia tăng nguy cơ trẻ em phải chứng kiến hoặc chịu đựng các hình thức bạo lực, bóc lột và xâm hại; hàng triệu gia đình có trẻ em bị đe dọa về sinh kế có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói hoặc tái nghèo ảnh hưởng lâu dài đến an sinh và sự phát triển của trẻ em, ảnh hưởng đến các hoạt động học tập, vui chơi giải trí, tiếp xúc xã hội và đảm bảo sự an toàn của trẻ em.
Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và bảo vệ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nói riêng, các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, gia đình và toàn xã hội cần quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bảo vệ trẻ em của chính quyền các cấp, các tổ chức, gia đình, nhà trường, cộng đồng xã hội; nâng cao nhận thức, vận động xã hội thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Đẩy nhanh tiến độ tiêm vacxin phòng Covid-19 cho trẻ em đảm bảo kịp thời, hiệu quả, an toàn theo quy định.
Thứ hai, tăng cường công tác quản lý nhà nước về trẻ em, thực hiện có hiệu quả chương trình hành động quốc gia về trẻ em, bảo đảm thực hiện các quyền trẻ em và giải quyết các vấn đề về trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt 25 quyền của trẻ em, chấp hành nghiêm 15 hành vi bị nghiêm cấm đối với trẻ em theo quy định của pháp luật, đặc biệt đối với trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid19.
Thứ ba, tiếp tục quan tâm, chăm lo cho trẻ em bảo đảm các điều kiện tốt nhất về thực phẩm, dinh dưỡng, chăm sóc y tế, chăm sóc sức khỏe và được tiếp cận các dịch vụ xã hội khác, đảm bảo mọi trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid19 đều được chăm sóc, bảo vệ kịp thời. Rà soát đầy đủ, chính xác và cập nhật thường xuyên trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để thực hiện các biện pháp hỗ trợ kịp thời.
Thứ tư, thực hiện hiệu quả các chương trình, đề án liên quan đến công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em giai đoạn 2021 - 2030. Phát triển hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em, mạng lưới xã hội bảo vệ trẻ em đến cấp xã và cộng đồng dân cư; nhân rộng các mô hình, câu lạc bộ chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em hoạt động thiết thực, hiệu quả. Tăng cường đầu tư và phát huy tốt hơn hiệu quả sử dụng của các thiết chế văn hóa cơ sở; quan tâm cải thiện môi trường sống, đầu xây dựng các điểm, khu vui chơi giải trí dành cho trẻ em, nhất là ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn. Bố trí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho trẻ em. Đẩy mạnh xã hội hóa, vận động sự tham gia đóng góp của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đối với công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em; giám sát việc thực hiện các chính sách đối với trẻ em, đảm bảo thực hiện tốt nhất các quyền trẻ em và sự quan tâm đối với trẻ em của toàn xã hội; kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm quyền trẻ em.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2022 với chủ đề “Chung tay bảo vệ trẻ em, hãy lên tiếng phòng, chống xâm hại, bạo lực trẻ em” là dịp để mỗi người, mỗi gia đình và toàn xã hội hãy nâng cao ý thức trách nhiệm, bằng những việc làm, hành động cụ thể, thiết thực nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em nhất là trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tạo môi trường an toàn, thân thiện và lành mạnh để trẻ em phát triển toàn diện, xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước./.