Các doanh nghiệp chỉ được tuyển chọn và đào tạo những thực tập sinh sau khi được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho phép.
Để lành mạnh hóa thị trường và đảm bảo giữ ổn định, nâng cao chất lượng thực tập sinh sang Nhật Bản trong thời gian tới, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ triển khai đề án chấn chỉnh hoạt động đưa lao động Việt Nam đi thực tập tại Nhật Bản.
Đến tháng 10/2015, Việt Nam đã đưa được 21.870 thực tập sinh sang Nhật Bản và được các cơ quan chức năng và các doanh nghiệp Nhật Bản tiếp nhận, đánh giá tốt.
Theo Dự thảo đề án, các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản phải tuân thủ tốt các quy định của pháp luật; chỉ được tuyển chọn và đào tạo thực tập sinh sau khi đã đăng ký thực hiện hợp đồng và được Cục Quản lý lao động ngoài nước chấp thuận cho phép thực hiện.
Chấn chỉnh việc đưa lao động đi thực tập tại Nhật Bản Các doanh nghiệp đưa thực tập sinh sang Nhật Bản phải tuân thủ tốt các quy định của pháp luật. (Ảnh: KT)
Số lượng tuyển chọn không vượt quá số lượng đã đăng ký; Tổ chức đào tạo tiếng Nhật và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho thực tập sinh theo quy định cho thực tập sinh trước khi đi. Doanh nghiệp phái cử được phép thu từ thực tập sinh các khoản phí như: Phí dịch vụ, phí đào tạo tiếng Nhật. Doanh nghiệp không được thu tiền môi giới.
Các doanh nghiệp phái cử phải quản lý thực tập sinh do doanh nghiệp đưa đi; hỗ trợ và phối hợp giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến thực tập sinh nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của thực tập sinh, cũng như giảm thiểu các trường hợp thực tập sinh vi phạm pháp luật nước sở tại.
Với các doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh bỏ trốn cao hơn mức qui định, sẽ bị xử lý tạm định chỉ hoạt động để chấn chỉnh.