Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như tư tưởng trọng nam khinh nữ; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn xuất hiện ở các vùng, miền.
Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như tư tưởng trọng nam khinh nữ; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn xuất hiện ở các vùng, miền.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp tại hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ
Từ ngày 17 - 20/11, đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Doãn Mậu Diệp dẫn đầu đã tham dự Hội nghị khu vực châu Á - Thái Bình Dương về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ với chủ đề: Kiểm điểm 20 năm thực hiện cương lĩnh hành động Bắc Kinh, diễn ra tại Bangkok (Thái Lan). Hội nghị quy tụ các lãnh đạo cấp cao của các quốc gia và hàng trăm nhà hoạt động vì nữ quyền trong khu vực. Đây là cơ hội để các quốc gia thành viên trong khu vực nhìn lại những công việc đã làm và khẳng định những thành tựu đã đạt được, vì mục tiêu tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới trong thời gian qua. Đây cũng là cơ hội để các thành viên cùng nhau thảo luận, đưa ra những giải pháp hữu hiệu nhất nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thực hiện Cương lĩnh hành động Bắc Kinh ở cấp quốc gia và khu vực trong thời gian tới. Theo bà Roberta Clarke - Giám đốc Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) khu vực châu Á- Thái Bình Dương, mặc dù nhiều tiến bộ đã đạt được, nhưng không một quốc gia nào có thể tuyên bố đã đạt được bình đẳng giữa nam và nữ. Phụ nữ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự phân biệt đối xử. Đó là sự bất bình đẳng trong trả lương và bất bình đẳng về cơ hội tại nơi làm việc, ở tỉ lệ lãnh đạo nữ vẫn tiếp tục thấp tại khu vực công và tư. Nặng nề nhất đó là bạo lực giới vẫn tiếp tục là mối đe dọa đối với an ninh và sự phát triển của phụ nữ. Phát biểu tại phiên họp cấp Bộ trưởng tại Hội nghị, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, bên cạnh việc đạt được các chỉ số xếp hạng đáng khích lệ trong thực hiện các cam kết bình đẳng giới của Liên Hợp Quốc, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức như tư tưởng trọng nam khinh nữ; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn xuất hiện ở các vùng, miền, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau, trong đó có mất cân bằng giới tính khi sinh. Thứ trưởng khẳng định: Việt Nam quyết tâm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa việc thực hiện luật pháp chính sách về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; thúc đẩy thu thập số liệu tách biệt giới và phân tích giới, phát triển kinh tế đi liền với tiến bộ xã hội, xóa đói giảm nghèo; và đảm bảo tốt hơn nữa các quyền của phụ nữ và trẻ em gái. Cương lĩnh hành động Bắc Kinh là một trong những tài liệu quan trọng, toàn diện nhất về những vấn đề liên quan tới bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ của thế giới. Cương lĩnh được thông qua tại Hội nghị thế giới về Phụ nữ lần thứ 4 được tổ chức năm 1995 tại Bắc Kinh – Trung Quốc. Mặc dù Cương lĩnh không có tính chất bắt buộc nhưng cũng chính tại Hội nghị này, Việt Nam và 189 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc tham dự đã cam kết thực hiện Cương lĩnh nhằm tạo ra một tương lai tốt đẹp hơn cho cả nam và nữ./.