Những năm qua, công tác phòng, chống bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đã nhận được sự quan tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thông qua việc triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phù hợp với điều kiện thực tế. Trong đó, xây dựng và nhân rộng câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình được xem là một trong những hoạt động hiệu quả, góp phần đẩy lùi, ngăn chặn và giải quyết những hậu quả do bạo lực gia đình gây ra.
Triển khai kế hoạch của Vụ Gia đình - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hằng năm, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tiến hành khảo sát, chọn địa phương để xây dựng 1 đến 2 mô hình gia đình điểm. Sau đó, hướng dẫ̃n địa phương ban hành các quyết định thành lập câu lạc bộ, quy chế hoạt động của câu lạc bộ. Quan trọng nhất là lựa chọn ban chủ nhiệm câu lạc bộ - những người tâm huyết với công tác gia đình và có trình độ chuyên môn. Tiến hành tổ chức tập huấn và lễ ra mắt câu lạc bộ gia đình theo đúng quy định.
Lễ ra mắt CLB phòng chống bạo lực gia đình xã Thạch Trị, huyện Thạch Hà
Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh đã có 17 mô hình gia đình điểm được xây dựng. Trong đó, có 9 mô hình phòng chống bạo lực gia đình gồm: Phường Đức Thuận (thị xã Hồng Lĩnh), xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh), xã Thái Yên (huyện Đức Thọ), xã Phú Phong (huyện Hương Khê), xã Thạch Trị (huyện Thạch Hà), xã Kỳ Hoa (thị xã Kỳ Anh), xã Sơn Bằng (huyện Hương Sơn), xã Ân Phú (huyện Vũ Quang) và phường Tân Giang (thành phố Hà Tĩnh). Các mô hình câu lạc bộ gia đình đều sinh hoạt định kỳ theo quý, với các nội dung chủ yếu như: Vai trò của ông bà, cha mẹ trong việc giáo dục con cháu; nguyên nhân hậu quả dẫ̃n đến bạo lực gia đình; xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước; kinh nghiệm xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, đặc biệt là kiến thức chăm sóc, phụng dưỡng người cao tuổi; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; Luật Hôn nhân và gia đình; các thông điệp ngày gia đình Việt Nam (28/6); chia sẻ kinh nghiệm trong việc giữ gìn tổ ấm gia đình, giáo dục trẻ em, tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình Việt Nam; tư vấn về sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi trong việc sinh con một bề, đặc biệt là việc sinh con gái; lên án, phê phán các hành vi bạo lực gia đình và các biện pháp phòng, chống bạo lực gia đình; chia sẻ việc sử dụng vốn vay để sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả, phổ biến các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc trồng trọt, chăn nuôi, chế biến thủy hải sản; thăm hỏi động viên các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và các hoạt động khác của địa phương… Đồng thời, các câu lạc bộ tổ chức các buổi giao lưu văn hóa văn nghệ, thi đấu thể thao nhân kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước và địa phương. Các thành viên trong câu lạc bộ thường xuyên bày tỏ tâm tư, tình cảm của bản thân để được chia sẻ và tư vấn. Nội dung và hình thức sinh hoạt câu lạc bộ ngày càng đa dạng, phong phú. Các câu lạc bộ đã tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên đề, lồng ghép với công tác hòa giải và tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Vào các ngày như Ngày Quốc tế hạnh phúc 20/3, Ngày gia đình Việt Nam 28/6, Ngày thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ 25/11 hằng năm, các câu lạc bộ đều tổ chức giao lưu văn nghệ, tọa đàm với nội dung về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình nhằm truyền tải thông điệp giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa gia đình Việt Nam, kỹ năng ứng xử, xây dựng gia đình văn hóa. Trong các câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình thì đội phòng, chống bạo lực gia đình đóng vai trò quan trọng. Các đội phòng, chống bạo lực gia đình phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, tổ liên gia tự quản, Ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể và nhân dân trong thôn nắm bắt tình hình, phát hiện các xung đột, các hành vi bạo lực gia đình nên đã ngăn chặn, xử lý, tư vấn, hòa giải, can thiệp kịp thời các vụ bạo lực gia đình. Đội phòng, chống bạo lực gia đình thường xuyên báo cáo tình hình về Ban chủ nhiệm câu lạc bộ, Ban chỉ đạo mô hình phòng, chống bạo lực gia đình của xã vì vậy đã kịp thời ngăn chặn và xử lý, không để gây ra hậu quả đáng tiếc. Kết quả là các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao hiểu biết, nhận thức, sống hòa thuận, đoàn kết. Tham gia hoạt động câu lạc bộ không những tạo điều kiện cho phụ nữ nâng cao kiến thức về dân số, kế hoạch hóa gia đình, chăm sóc sức khỏe sinh sản, an toàn thực phẩm, nâng cao năng lực hoạt động cộng đồng…, mà còn góp phần làm thay đổi hành vi nhận thức của nam giới trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bài trừ tư tưởng “trọng nam khinh nữ”; tình làng nghĩa xóm cũng được gắn kết hơn. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Đặc biệt, thông qua các hoạt động của câu lạc bộ gia đình phòng, chống bạo lực gia đình cũng đã tạo nên sự liên kết, phối hợp chặt chẽ giữa các ban, ngành, đoàn thể của địa phương trong việc triển khai lồng ghép vào các hoạt động của phong trào xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, phong trào xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, đối với các hộ có xảy ra bạo lực gia đình hoặc vì nhiều lí do khác nhau có nguy cơ tan vỡ, đều được Ban chủ nhiệm câu lạc bộ quan tâm, thường xuyên giúp đỡ và đã hòa giải thành công nhiều trường hợp. Điển hình như Câu lạc bộ Phòng, chống bạo lực gia đình xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) đã hòa giải thành công các trường hợp: Vợ chồng anh L.N P ở thôn Trần Phú; vợ chồng ông L.X.T (sau 31 năm sống ly thân); vợ chồng N.T.T… Các cặp vợ chồng sau khi được hòa giải thành công, đều đã chung sống với nhau hạnh phúc và đoàn kết xây dựng cuộc sống no ấm.
Lãnh đạo Sở VHTTDL Hà Tĩnh tặng tài liệu cho chủ nhiệm mô hình câu lạc bộ gia đình tại xã Kỳ Hoa thị xã Kỳ Anh
Hoạt động có hiệu quả của các mô hình đã góp phần giảm số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn toàn tỉnh và tăng số hộ gia đình văn hóa. Nếu như năm 2018 toàn tỉnh có 104 vụ bạo lực gia đình, có 321.448/372.162 gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 86,3% thì đến cuối năm 2019, toàn tỉnh chỉ còn 68 vụ bạo lực gia đình; 334.983/372.253 gia đình văn hóa, đạt tỉ lệ 89,98%. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình gia đình, trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau đây: Thứ nhất, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình, giáo dục truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam tới tất cả mọi người. Cần phải có sự tham gia của tất cả các thành viên trong gia đình; sự tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các tổ chức, các đoàn thể và cộng đồng xã hội. Chính vì vậy, tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí quan trọng của gia đình là việc làm thường xuyên, liên tục của tất cả các cấp, các ngành, của cộng đồng xã hội. Thứ hai, cấp ủy Đảng, chính quyền cần quan tâm, chỉ đạo duy trì hoạt động hiệu quả của mô hình với các hoạt động phong phú. Định kỳ kiện toàn thành viên và Ban chủ nhiệm câu lạc bộ đã xây dựng. Tiến hành nhân rộng mô hình triển khai thực hiện ở các địa phương lân cận. Quan tâm bố trí kinh phí để các câu lạc bộ hoạt động hiệu quả. Thứ ba, hướng dẫ̃n các mô hình gia đình tổ chức các hoạt động theo kế hoạch đã xây dựng (ít nhất 1 quý/1 lần hoạt động). Tổ chức sinh hoạt có ghi chép biên bản nội dung cuộc họp. Thứ tư, chỉ đạo các mô hình gia đình lồng ghép tổ chức các hoạt động như tọa đàm, sinh hoạt văn hóa, thể thao... nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3, ngày Gia đình Việt Nam 28/6, ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái 25/11... Thứ năm, Ban chủ nhiệm câu lạc bộ gia đình cần tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, cán bộ Tư pháp, Công an trong thực hiện tuyên truyền, vận động, nắm tình hình và tham gia giải quyết các vụ bạo lực gia đình xảy ra trên địa bàn; phát huy vai trò của địa chỉ tin cậy tại cộng đồng. Nắm tình hình các gia đình tại địa bàn thông qua hoạt động của tổ chức Hội phụ nữ và công tác quản lý nhân khẩu của chính quyền địa phương, kịp thời phát hiện dấu hiệu, nguy cơ bạo lực gia đình để tuyên truyền, vận động. Khi có bạo lực gia đình xảy ra tại địa bàn dân cư, phải kịp thời có mặt tại nơi xảy ra bạo lực, thông báo với tổ hòa giải và chính quyền, công an. Làm tốt công tác tư vấn, hòa giải tại cộng đồng, giúp chị em có kiến thức và kỹ năng thực hành trong các hoạt động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân để hoạt động hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình đạt hiệu quả tốt hơn. Thứ sáu, tổ chức các hoạt động đào tạo nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác tư vấn, hòa giải tại cộng đồng, nhằm giúp họ có kiến thức và kỹ năng thực hành trong các hoạt động tiếp cận, tư vấn và hỗ trợ nạn nhân để hoạt động hỗ trợ đạt hiệu quả tốt hơn. Đề xuất với chính quyền áp dụng hình thức xử phạt đối với những trường hợp bạo lực gia đình nghiêm trọng gây nguy hại cho phụ vào trong hương ước, quy ước của địa phương.