Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015, UBND huyện Cẩm Xuyên đã chỉ đạo các phòng, ban, ngành và nhân dân trên địa bàn triển khai thực hiện nghiêm túc và có hiệu quả, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ, bình đẳng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của huyện.
Hội nghị tổng kết hoạt động VSTBCPN và bình đẳng giới năm 2014, triên khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2015 tại huyện Cẩm Xuyên. Ảnh: Hà Lựu
Để tạo sự thống nhất, đồng bộ trong quá trình triển khai thực hiện, Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ (VSTBCPN) đã tham mưu UBND huyện ban hành Quyết định số 5300/QĐ-UBND về kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ sung quy chế phân công trách nhiệm cụ thể cho các thành viên trong Ban; tham mưu ban hành Chương trình hoạt động, Kế hoạch kiểm tra công tác VSTBCPN tại các đơn vị; đồng thời triển khai kịp thời các văn bản chỉ đạo của tỉnh, huyện về lĩnh vực hoạt động VSTBCPN và công tác bình đẳng giới. Bên cạnh đó, Ban đã tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các phòng, ban, ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm VSTBCPN và bình đẳng giới, như: xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ, đặc biệt chú ý lao động nữ thuộc hộ nghèo, hộ đơn thân; lồng ghép cơ chế, chính sách cụ thể về cơ cấu, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm đối với cán bộ nữ, hướng dẫn thi hành Luật Cán bộ, Công chức; thực hiện chính sách hỗ trợ để tăng nhanh tỷ lệ nữ được đào tạo sau đại học và triển khai thực hiện các chỉ số đánh giá bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo; tiếp tục nâng cao chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ cho bà mẹ mang thai và trẻ em dưới 6 tuổi nói riêng, khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế cho phụ nữ và trẻ em nói chung; tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, các quy định pháp luật về bình đẳng giới.... Xác định được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, ngay từ đầu năm Ban đã xây dựng kế hoạch phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền dưới nhiều hình thức. Cụ thể, Ban đã phối hợp với Sở LĐ-TBXH tỉnh tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị cho các thành viên Ban VSTBCPN huyện, xã/thị trấn, Chủ tịch UBMTTQ, Phó Bí thư Đảng ủy; phối hợp với Đài TTTH huyện xây dựng chuyên đề và tổ chức phát sóng chuyên đề về bình đẳng giới nhằm nâng cao nhận thức cho mọi người dân; phối hợp với Hội LHPN huyện phát động phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, thực hiện tốt các nội dung của cuộc vận động “5 không, 3 sạch” gắn với các nội dung của chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, vận động chị em và gia đình tham gia các câu lạc bộ như: “Bình đẳng giới”, “Gia đình hạnh phúc”, “Phòng chống bạo lực gia đình”... Công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền được tăng cường cả về chất lượng, số lượng và hình thức đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, các tầng lớp nhân dân trong cộng đồng, các gia đình và toàn xã hội đối với công tác bình đẳng giới; quan tâm, chăm lo cho hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện luật pháp, chính sách đối với phụ nữ cũng được chú trọng đúng mức. Ban đã xây dựng Kế hoạch kiểm tra ngay từ đầu năm và chỉ đạo Ban VSTBCPN các xã, thị trấn tự kiểm tra tình tình triển khai thực hiện nhiệm vụ của mình trên tất cả các lĩnh vực. Qua nắm tình hình ở cơ sở và tổng hợp báo cáo công tác kiểm tra và tự kiểm tra cho thấy tổ chức bộ máy VSTBPN ở huyện và cơ sở được củng cố, kiện toàn, đạt 100% chỉ tiêu, kế hoạch. Các đơn vị đã kịp thời tham mưu UBND các cấp điều chỉnh, bổ sung quy chế phù hợp với tình hình hiện nay. Bên cạnh những kết quả đạt được, qua kiểm tra cũng đã phát hiện một số hạn chế như: một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ và BĐG nên việc triển khai chương trình, kế hoạch công tác của ban VSTBCPN còn gặp khó khăn như việc triển khai xây dựng mô hình câu lạc bộ BĐG, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình hoặc việc thực hiện các chính sách việc làm, y tế, giáo dục.... đối với chị em phụ nữ chưa được kịp thời, đầy đủ. Từ đó, Ban đã có sự nhắc nhở và tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo các đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế. Với sự nỗ lực không ngừng và những việc làm cụ thể, năm 2014, Ban đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện các mực tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hành động VSTBCPN và bình đẳng giới. Đến nay, toàn huyện đã có 2 cán bộ nữ được giữ chức uỷ viên Ban thường vụ Huyện uỷ, một cán bộ nữ giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện, 9 cán bộ nữ cơ sở giữ chức Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBMTTQ, Phó Chủ tịch HĐND, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND cấp xã, trong năm 2014 đã có một đồng chí được bầu giữ chức Chủ tịch UBND xã. Riêng ngành giáo dục huyện đã có 126 đồng chí nữ cán bộ quản lý/180 người, chiếm tỷ lệ 70%. Trong tổng số 9.998 đảng viên của huyện hiện nay, có 3.258 đồng chí là nữ (32,59%); riêng năm 2014 đã kết nạp 349 đảng viên, trong đó nữ 192 người (chiếm 55,20%). Đối với mục tiêu giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm..., trong năm, toàn huyện đã tư vấn và tạo việc làm mới cho 4.862 lao động, trong đó có 2.275 lao động nữ (46,43%). Tổng số lao động được đào tạo nghề và tập huấn về kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi và các ngành nghề khác là 2.197 lượt người (trong đó, lao động nữ chiếm trên 65%)... Đến thời điểm này toàn huyện có 10 HTX, 19 THT do phụ nữ quản lý (riêng năm 2014 thành lập được 2 HTX và 16 THT). Tại các xã, thị trấn đều xuất hiện nhiều phụ nữ làm chủ các doanh nghiệp SXKD có hiệu quả. Trong năm 2014, trên địa bàn huyện có 2.340 lượt hộ được vay vốn giảm nghèo giải quyết việc làm từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội với doanh số cho vay 71.362 triệu đồng, trong đó có 1.524 nữ chủ hộ (chiếm 65%). Riêng vốn vay giảm nghèo, giải quyết việc làm do các cấp Hội phụ nữ quản lý đến nay tổng nguồn vốn đã lên tới 104 tỷ đồng, với 9.251 hộ vay. Đặc biệt gắn với chương trình MTQG xây dựng NTM Hội Phụ nữ đã tập trung chỉ đạo xây dựng được 372 mô hình phát triển kinh tế, trong đó có 50 mô hình cho thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Một số mô hình chăn nuôi lợn, chăn nuôi gà, chế biến hải sản và trồng rau sạch do chị em phụ nữ quản lý đạt hiệu quả cao ở một số địa phương như Cẩm Thành, Cẩm Bình, Cẩm Vịnh, Cẩm Quang, Cẩm Hòa, Cẩm Hưng, Cẩm Nhượng, Cẩm Lac, Cẩm Minh... Trong năm, Ban cũng đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ chỉ đạo, vận động chị em đóng góp xây mới và sữa chữa 11 nhà ở cho những phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về nhà ở với tổng giá trị trên 900 triệu đồng. Nâng cao vị thế người phụ nữ Chị Phan Thị Sơn, cán bộ Hội LHPN Cẩm Dương tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng mô hình kinh tế hộ kiểu mẫu, mang lại thu nhập cao. Ảnh: Baohatinh.vn
Thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các phòng, ban, ngành và địa phương đã quan tâm đến việc cử cán bộ, công chức nói chung và cán bộ công chức nữ nói riêng đi học tập, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nhiều chị đã có cố gắng để đạt được thành tích cao trong học tập. Việc bảo đảm bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; trên lĩnh vực văn hóa thông tin - truyền thông; trong đời sống gia đình và thực hiện lồng ghép giới vào quá trình hoạch định chính sách... cũng được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Bên cạnh những kết quả đạt được, bình đẳng giới và VSTBCPN trên địa bàn Cẩm Xuyên thời gian qua vẫn còn bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: Số lượng và tỷ lệ nữ tham gia làm lãnh đạo, quản lý còn thấp, chưa tương xứng với năng lực và sự phát triển của lực lượng phụ nữ, nhất là ở cấp xã. Số cán bộ được quy hoạch các vị trí chủ chốt của các phòng, ban, ngành, các cấp còn hạn chế. Các thành viên Ban VSTBPN cấp huyện, cấp xã hoạt động kiêm nhiệm nên kết quả không cao, việc dành thời gian cho công tác vì STBCPN còn hạn chế. Công tác thông tin, báo cáo về bình đẳng giới chưa kịp thời, còn mang tính hình thức. Một số Ban VSTBCPN các xã, thị trấn cũng như các thành viên Ban VSTBCPN huyện chưa thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ về công tác bình đẳng giới và các mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể của chiến lược và Kế hoạch hành động VSTBCPN, vì vậy chưa đánh giá được đầy đủ, toàn diện công tác VSTBPN trên tất cả các lĩnh vực, các ngành và các địa phương. Nhằm phát huy kết quả đạt được, khắc phục kịp thời những tồn tại, hạn chế nêu trên, thời gian tới, Ban VSTBCPN huyện xác định một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra của các cấp ủy Đảng, chính quyền đối với công tác bình đẳng giới. Nâng cao năng lực quản lý nhà nước và sự phối hợp liên ngành; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới. Triển khai thực hiện tốt các chính sách, chương trình, dự án, nhất là phối hơp với các phòng, ban, ngành liên quan triển khai thực hiện tốt Luật bình đẳng giới; Luật phòng chống bạo lực gia đình, thực hiện tốt các chính sách bảo đảm quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho phụ nữ, đặc biệt trong các lĩnh vực: lao động - việc làm, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, doanh nghiệp, môi trường, bảo hiểm xã hội, hôn nhân - gia đình, chăm sóc sức khoẻ, bảo vệ bà mẹ, trẻ em. Nâng cao vị thế của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống thông qua tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ; thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép cơ chế, chính sách cụ thể về độ tuổi trong quy hoạch đào tạo, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức, viên chức nữ. Bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình và trong việc tiếp cận, thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua việc phối hợp với các ngành liên quan đẩy mạnh việc xây dựng gia đình văn hóa, nhân rộng các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, bình đẳng và không có bạo lực. Tăng cường các hoạt động truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục cho phụ nữ và nam giới, người chưa thành niên... Với sự vào cuộc đồng bộ và những giải pháp cụ thể, tin chắc rằng, hoạt động VSTBCPN và bình đẳng giới trên địa bàn Cẩm Xuyên sẽ có nhiều chuyển biến tích cực hơn nữa trong thời gian tới.