Phát triển hạ tầng số, cơ sở dữ liệu số, tạo nền tảng phát triển chính quyền số, kinh tế số, hướng đến xã hội số là một trong những giải pháp được đề cập để thực hiện quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thực hiện đề án chuyển đổi số, thời gian qua Hà Tĩnh đã triển khai một cách quyết liệt, đạt được nhiều kết quả tích cực. Đây sẽ là nền tảng để góp phần giúp Hà Tĩnh sớm hoàn thành những mục tiêu lớn đề ra theo quy hoạch tỉnh.
Sau hơn 2 năm triển khai, với nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng của người dân, Hà Tĩnh trở thành địa phương thứ 2 của cả nước hoàn thành việc thu nhận hồ sơ cấp căn cước công dân gắn chip cho 100% công dân đủ điều kiện trên địa bàn. Đây chính là nền tảng vững chắc trong vận hành Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ việc chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Cấp căn cương công dân gắn chip điện tử góp phần thực hiện mục tiêu xã hội số
Song song Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, Đề án “Chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2025” cũng được triển khai rộng rãi. Chỉ trong một thời gian ngắn, hơn 130 tổ chuyển đổi số cấp xã, phường và hơn 500 tổ ở các thôn, tổ dân phố đã ra đời để đưa chuyển đổi số đến với mọi người dân, thúc đẩy thương mại điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin trong đời sống Nhân dân.
Kinh tế số cũng đã được thực hiện trên nhiều lĩnh vực
Việc thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng, tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từng bước hình thành hệ sinh thái công dân số đã tạo điều kiện thuận lợi để dịch vụ công trực tuyến triển khai ngày càng sâu rộng, hiệu quả. Cùng với đó, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành cũng được đẩy mạnh triển khai xây dựng, kết nối, chia sẻ; tạo tiện ích trong việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân, doanh nghiệp.
Hà Tĩnh đã và đang đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực
Tính đến thời điểm này, 98% vùng dân cư trên địa bàn đã được phủ sóng di động 4G, cáp quang đến 100% xã; Tỷ lệ thuê bao di động đạt 94,3 thuê bao/100 dân. Năm 2022, đã phát triển mới thêm 87 trạm thu phát sóng BTS. 100% văn bản gửi nhận giữa các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, 95% giữa cơ quan cấp xã với các cơ quan cấp tỉnh và huyện được thực hiện qua môi trường mạng. 100% cơ quan cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, ứng dụng đồng bộ chữ ký số. Kinh tế số, xã hội số cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhất là nộp thuế điện tử, hóa đơn điện tử, thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt.
Chuyển đổi số sẽ là động lực thực hiện quy hoạch tỉnh nhanh chóng thành công
Chuyển đổi số có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Cùng với việc đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu của tỉnh, Hà Tĩnh cũng đang tích cực triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình đô thị thông minh tại thành phố Hà Tĩnh và thị xã Kỳ Anh, từng bước phát triển các nền tảng, dịch vụ đô thị thông minh và trung tâm giám sát, điều hành thông minh cấp huyện. Đây cũng là những mục tiêu, định hướng lớn về phát triển đô thị được thể hiện trong quy hoạch tỉnh Hà Tĩnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050./.