Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp ở Hà Tĩnh nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo nghề.
Sáng 21/9, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh phối hợp với Tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) hội nghị khảo sát hiệu quả hoạt động chuyển đổi số và tư vấn mô hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông minh.
Dự hội nghị có Giáo sư Hồ Tú Bảo - Giám đốc Phòng thí nghiệm Khoa học dữ liệu của Viện Nghiên cứu Cao cấp Về Toán (VIASM) (Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh), đại diện Văn phòng GIZ, đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo báo cáo thực trạng chuyển đổi số tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh, hiện nội dung các bộ chương trình đào tạo của trường đã chuyển sang đào tạo theo hình thức tích lũy mô đun/tín chỉ với tỷ lệ lý thuyết 30% và thực hành chiếm 70%.
Một số ngành như: Công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại đã triển khai mô hình đào tạo song hành nhà trường - doanh nghiệp. Một số ngành còn lại trường đã có kế hoạch phối hợp rõ ràng với các doanh nghiệp chuẩn bị triển khai hình thức đào tạo song hành nhà trường - doanh nghiệp.
Tiến sỹ Cao Thành Lê, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh phát biểu khai mạc hội nghị.
Từ năm 2019 đến nay, nhà trường đã tổ chức tập huấn cho 100% giảng viên tham gia khóa đào tạo sử dụng phần mềm đào tạo trực tuyến.
Hiện nay, nhà trường đã số hóa toàn bộ học liệu giáo trình và xây dựng thư viện điện tử để giảng viên và học sinh, sinh viên khai thác sử dụng. Số hóa một số ngân hàng câu hỏi, đề thi, câu hỏi trắc nghiệm đa tương tác cho một số cho một số môn học, mô đun đưa lên cổng thông tin đào tạo trực tuyến LMS (Learning Management System - là hệ thống quản lý học tập, đào tạo trực tuyến) giúp các tài liệu eLearning được phân phối nhanh chóng và hiệu quả đến số lượng lớn các học viên).
Trưởng phòng Quản lý đào tạo và Đảm bảo chất lượng (Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh) Nguyễn Hải Diên báo cáo thực trạng chuyển đổi số tại Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh
Nhằm nâng cao công tác quản lý, quản trị nhà trường trên môi trường số, Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh đã sử dụng một số ứng dụng phần mềm phục vụ nhiệm vụ đào tạo nghề nghiệp.
Đại biểu dự hội nghị.
Tại hội nghị, Giáo sư Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh) đã thảo luận, trao đổi về chuyên đề “Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, mô hình trường nghề thông minh”.
Theo Giáo sư Hồ Tú Bảo, chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, xây dựng mô hình trường nghề thông minh cần chuyển đổi số người học nghề và người dạy nghề.
Trong đó, người học đóng vai trò trung tâm, học tập chủ động, tự định hướng, tăng khả năng tự học, học mọi nơi mọi lúc. Việc học gắn với vấn đề, kỹ năng, theo mô đun, tình huống và tham gia vào sáng tạo, tìm tri thức. Người dạy áp dụng phương pháp mới và đóng vai trò của “huấn luyện viên”.
Giáo sư Hồ Tú Bảo - Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán (Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh) đã thảo luận, trao đổi về chuyên đề “Chuyển đổi số giáo dục nghề nghiệp, mô hình trường nghề thông minh”.
Giáo sư cũng cho rằng, chuyển đổi số trong dạy nghề cần tạo hành lang pháp lý, tiêu chuẩn, định chế nội bộ. Cụ thể như: thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học trên môi trường học; dạy và học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng, công nhận kết quả; quy định về bản quyền, sở hữu trí tuệ, an toàn thông tin cá nhân, chia sẻ, khai thác cơ sở dữ liệu, kho học liệu số; xây dựng và hoàn thiện các định chế nội bộ.
Đại diện lãnh đạo Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng công nghệ thông tin trong việc thu thập dữ liệu nhu cầu người học nghề và chất lượng đào tạo tại Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh
Hội nghị cũng được nghe đại diện một số trường dạy nghề trên địa bàn tỉnh trao đổi, thảo luận về một số nội dung liên quan đến tác động của cách mạng 4.0; chuyển đổi số và tiếp cận chiến lược trong giáo dục nghề nghiệp; hệ sinh thái số của giáo dục và đào tạo; thay đổi nội dung, phương pháp dạy và học trên môi trường số; dạy và học, kiểm tra, đánh giá trực tuyến, kiểm định chất lượng, công nhận kết quả.
Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Hà Tĩnh Nguyễn Đình Đại: "Đề nghị Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đầu tư kinh phí để nhà trường được trang bị, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật với mạng và máy tính; hạ tầng dữ liệu về dạy và học, hệ thống thông tin về quản lý giáo dục nghề nghiệp".
Các đại biểu cho rằng chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá chất lượng đào tạo nghề. Đồng thời, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động…
Hội nghị đã giúp cho tổ tư vấn về chuyển đổi số và tư vấn mô hình cơ sở giáo dục nghề nghiệp thông minh của GIZ tổng hợp, tư vấn, tham mưu cho Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) xây dựng chiến lược, lộ trình và kế hoạch chuyển đối số cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nói chung và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nói riêng.