Đào tạo nghề và tạo việc làm luôn là những nội dung quan trọng, không thể thiếu trong quá trình phát triển Kinh tế - Xã hội của mỗi quốc gia để hướng tới phát triển bền vững. Nhận thức được vai trò quan trọng của công tác đào tạo nghề, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương, chính sách động viên, khuyến khích việc học nghề cho người lao động nhất là lao động vùng nông thôn, miền núi như Quyết định 81/2005/QĐTTg ngày 18/4/2005 về hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho người lao động; Quyết định 1956/2009/QĐTTg về việc phê duyệt đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến 2020 (gọi tắt là Đề án 1956), Chỉ thị số 19-CT/TW, "về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn". Chỉ thị số 51-CT/TU ngày 18/6/2010 Tỉnh ủy Về việc tăng cường lãnh đạo, đẩy mạnh công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2015 và những năm tiếp theo. Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020 xác định “Triển khai đồng bộ các cơ chế, chính sách về giải quyết việc làm, gắn với đào tạo nghề (Đến năm 2020 tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 70%), chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động”.
Sau 10 năm tổ chức thực hiện công tác Đào tạo nghề ở tỉnh Hà Tĩnh có những chuyển biến tích cực với nhiều mô hình Đào tạo nghề và hình thức dạy nghề linh hoạt, phong phú, hiệu quả, các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp của tỉnh đã góp phần nâng cao nhận thức và trình độ tay nghề cho người lao động, đáp ứng yêu cầu việc làm tại địa phương và gia nhập thị trường lao động quốc tế, tăng thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đến nay đã đào tạo được 53.292 người (Trong đó giai đoạn 2010-2014 là 31.822 người, giai đoạn 2015-2018: 21.470 người). Ngoài ra hàng năm thực hiện chương trình xuất khẩu lao động đào tạo, giáo dục định hướng 5000-6000 người/năm (riêng năm 2018 gần 9000 người) và thực hiện đào tạo nghề theo các dự án ODA, chương trình mục tiêu quốc gia khác (phối hợp lồng ghép, có hiệu quả từ các chương trình dự án như: Chương trình giảm nghèo bền vững, Chương trình 135; Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án tái cấu trúc ngành nông nghiệp, Dự án SRDP, IMPP, Ifat. SIDA nông nghiệp, dự CEBETREE, Cibirip…), các chương trình dự án dạy nghề chuyển giao kỷ thuật cho nông dân phụ nữ… Nâng tỷ lệ lao động có việc làm được đào tạo nghề năm 2018 đạt 68,3%;
Phải khẳng định rằng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo nghề ngắn hạn trình độ sơ cấp nghề và dưới 3 tháng thực sự đã phát huy hiệu quả tích cực. Một là, nhận thức của người dân về học nghề giải quyết việc làm thực sự chuyển biến, việc học nghề không dừng lại ở chỗ chỉ dựa và hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, về tiền học, tiền ăn, ở đi lại mà một số nhóm nghề người dân còn tham gia đóng góp thêm, hoăc một số người dân không thuộc đối tượng hỗ trợ của nhà nước tự đóng góp để học nghề thông qua các cơ sở dạy nghề hoặc các doanh nghiệp tuyển dụng, doanh nghiệp xuất khẩu lao động; hai là chất lượng đào tạo nghề ngày càng đước nâng cao, bám sát thị trường lao động và doanh nghiệp.
Công tác quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từng bước được thống nhất từ trung đến địa phương, cơ sở; việc phân cấp, quản lý ngày càng rõ nét và hoạt động sát với tình hình thực tế tại các địa phương. Hệ thống mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngày càng được đầu tư củng cố, sắp xếp nâng cao hiệu lực hiệu quả hoạt động ( Đến nay trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh có 24 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 4 trường cao đẳng, 1 phân hiệu trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 10 trung tâm GDNN-GDTX các huyện, 4 trung tâm GDNN). Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề được đầu tư, từng bước đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hàng năm được đào tạo bỗi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ (819 người trong đó có 714 nhà giáo dạy chuyên nghề, 105 nhà giáo dạy các môn học chung và môn văn hóa THPT); chương trình, giáo trình, giáo án được soạn thảo, ban hành theo hướng mở, theo chương trình đào tạo nghề ngắn hạn của các bộ, ngành trung ương, đào tạo theo nhu cầu thị trường lao động; từng bước đổi mới và đa dạng hóa các phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với thị trường lao động, nhu cầu doanh nghiệp và phát triển kinh tế tại địa phương.
Thực hiện Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh; Quyết định số 2707/QĐ-UBND ngày 22/9/2017 của UBND tỉnh về ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh về đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo nghề dưới 3 tháng giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh đã cụ thể hóa toàn bộ chính sách về đào tạo nghề sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng của trung ương, cụ thể hóa định mức, chi phí đào tạo cho từng nghề cụ thể; tạo điều kiện thuận lợi cho các địa phương và cơ sở đào tạo trong quá trình thực hiện, đã lồng ghép hiệu quả nhiều đối tượng và chương trình trong chính sách đào tạo sơ cấp và dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh, tạo thuận lợi thực hiện xã hội hóa trong đào tạo nghề. Giai đoạn từ năm 2015 - 2018, toàn tỉnh đã tổ chức đào tạo nghề cho 21.470 người lao động nông thôn, trong đó, nhóm nghề nông nghiệp có 11.574 người tham gia (chiếm 58%), nhóm nghề phi nông nghiệp có 9.055 người tham gia (chiếm 42%); giai đoạn 2017-2018 có 12.670 người tham gia, nhóm nghề nông nghiệp có 5.055 người (chiếm 41%), nhóm nghề phi nông nghiệp có 7.615 người tham gia (chiếm 59%). Sau khi học nghề, có khoảng 75% số lao động có việc làm sau đào tạo, một bộ phận lao động nông thôn đã chuyển đổi nghề nghiệp, có việc làm mới tại các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ tại địa phương. Một số học viên đã thành lập doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác xã tổ chức sản xuất, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần đáng kể trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn, góp phần xây dựng nông thôn mới, tăng năng suất, hiệu quả lao động. Cơ cấu ngành nghề ở khu vực nông thôn có sự thay đổi theo hướng tích cực: Giảm số lượng và tỷ trọng nhóm hộ nông, lâm nghiệp, thủy sản; tăng số lượng và tỷ trọng nhóm hộ công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ.
Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế hiện nay công tác đào tạo nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng) vẫn còn một số vấn đề cần quan tâm:
Thứ nhất, công tác ĐTN và TVL cho NLĐ vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Cơ cấu ngành đào tạo chưa thật sự phù hợp với thị trường lao động, chương trình đào tạo, chất lượng đào tạo, kỷ cương kỷ luật, kỷ năng, thái độ lao động chưa đáp ứng được yêu cầu, một số lao động được ĐTN nhưng vẫn chưa có được việc làm; nhiều lao động được đào tạo nghề (chỉ được đào tạo một lần) nhưng do thị trường ngành nghề lao động chuyển biến nhanh không còn phù với ngành nghề đã được đào tạo, tỉ lệ thiếu việc làm và thất nghiệp còn cao;
Hai là, đối tượng được đào tạo nghề theo đề án hiện nay chủ yếu là những đối tượng thuộc diện chính sách được hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước. Số người lao động tự chủ động học nghề không dựa vào chính sách còn chưa nhiều (trừ số những người được đào tạo nghề giáo dục định hướng để đi xuất khẩu lao động không bao gồm các đối tượng được hưởng chính sách).
Thứ 3 là cơ chế chính sách về hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn được trung ương qui định tại nhiều văn bản qui phạm pháp luật khác nhau với 6 nhóm đối tượng chính sách khác nhau, cách thức, mức hỗ trợ cũng khác nhau nhưng không được hướng dẫn triển khai cụ thể thống nhất gồm (1) Người khuyết tật; người lao động thuộc các hộ gia đình có cá nhân có tên trong danh sách bị thiệt hại do sự cố môi trường biển được Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt (2) Người thuộc hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; người thuộc hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ. (3) Người dân tộc thiểu số; người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh; lao động nữ bị mất việc làm; ngư dân.(4) Người thuộc hộ cận nghèo; (5) Người học là phụ nữ; người chấp hành xong án phạt tù; lao động nông thôn không thuộc các đối tượng nêu trên (6)Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ. Mặc dù đã được chính quyền đị phương thể chế hóa thông qua Nghị quyết của hội đồng nhân dân, quyết định của UBND tỉnh nhưng việc bố trí nguồn lực từ ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ cho công tác GDNN hàng năm còn hạn chế, thiếu kịp thời, không nhất quán, cụ thể là:
- Về chính sách hỗ trợ dạy nghề giải quyết việc làm cho người bị thu hồi đất thực hiện các chương trình dự án trên địa bàn tỉnh: Hiện nay, nhu cầu dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất thực hiện các chương trình, dự án trên địa bàn tỉnh rất lớn (Tính từ năm 2006 đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh triển khai 1.113 công trình, dự án, với tổng diện tích đã thu hồi, giải phóng mặt bằng 16.002,94 ha, trong đó: Đất ở 276,94 ha, đất phi nông nghiệp 107,87 ha, đất sản xuất nông nghiệp 9.722,45 ha, đất khác 793,45 ha và thực hiện thu hồi giải phóng mặt bằng 5.102,22 ha đất tại địa bàn thị xã Kỳ Anh để thực hiện Dự án Formosa và các dự án tại KKT Vũng Áng.Tổng số đối tượng bị thu hồi đất 85.200 lượt đối tượng, trong đó số tổ chức 619, hộ gia đình, cá nhân 84.581; số hộ gia đình, cá nhân được bố trí tái định cư 5.551 hộ.v.v..).Nhưng theo quy định tại Quyết định số
52/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012 và Quyết định số
63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 09/2016/TT-BLĐTBXH-BTC của Liên bộ thì Ngân sách Nhà nước không bố trí kinh phí để thực hiện mà nguồn kinh phí này do các chủ đầu tư bố trí trong nguồn kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng của các dự án, hầu như nội dung chính sách này không được triển khai theo đúng qui định của chính phủ, chỉ bố trí một phần nhỏ trong kinh phí đề án dạy nghề nông thôn theo các nhóm đối tượng nêu trên.
- Về chính sách dạy nghề theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xác định thiệt hại, thực hiện bồi thường, hỗ trợ; khôi phục sản xuất và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế” mặc dù đề án và kinh phí đã phê duyệt nhưng thực hiện bố trí cấp phát và thanh toán nguồn kinh phí không đảm bảo và hết sức khó khăn;
Để thực hiện tốt hơn công tác dạy nghề ngắn hạn, trình độ sơ cấp nghề trong thời gian tới, trước hết tập trung quán triệt chỉ đạo chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác dạy nghề cho lao động nông thôn; nhân rộng những điển hình trong tổ chức đào tạo nghề và phát huy hiệu quả việc áp dụng những kiến thức sau khi được học nghề; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở các địa phương, đơn vị, đảm bảo công tác đào tạo nghề phải sát với yêu cầu thực tiễn, đáp ứng được nhu cầu học nghề của người lao động và giải quyết việc làm sau đào tạo;
Tập trung mọi nguồn lực xã hội hóa trong công tác đào tạo nghề, tăng nhanh số lượng người lao động học nghề không hưởng chính sách hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tuyệt đối không để bất kỳ một người lao động nào có việc làm mà chưa qua đào tạo nghề.
Cần đảm bảo nguồn lực hỗ trợ đào tạo nghề ngắn hạn từ ngân sách nhà nước các cấp, đảm bảo thực hiện hoàn thành chỉ tiêu giai đoạn 2017-2020 tổ chức đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng cho 53.570 người, sau đào tạo tỷ lệ lao động có việc làm mới và tiếp tục làm việc cũ nhưng có thu nhập cao hơn đạt 75 – 80% như mục tiêu của Nghị quyết 56/2017/NQ-HĐND ngày 15/7/2017 của HĐND tỉnh đã đề ra.
Trong đó đề nghị trung ương: (1) bố trí đủ nguồn kinh phí hỗ trợ đào tạo nghề đối với sự cố môi trường biển theo Quyết định số 12/QĐ-TTg ngày 06/01/2017 của Thủ tướng Chính phủ; (2) làm rõ cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo nghề GQVL đối với người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số
52/2012/QĐ-TTg ngày 16/11/2012; Quyết định số 64/2014/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ (Chính sách đặc thù về di dân, tái định cư các dự án thủy lợi, thủy điện) và Quyết định số
63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính phủ; Thông tư liên tịch số 09/2016/TT-BLĐTBXH-BTC của Liên bộ.
Đối với chính quyền địa phương các cấp: Việc dạy nghề GQVL đảm bảo ASXH cho người lao động bị thu hồi đất là chính sách đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết hài hòa mối quan hệ lợi ích kinh tế- xã hội giữa Người dân (Người được cấp quyền sử dụng đất)- Nhà nước (chủ sở hữu đất)-Doanh nghiệp (chủ đầu tư), phân phối lại “Địa tô chênh lệch” một cách hợp lý, việc thu hồi đất của người dân để thực hiện các chương trình dự án không chỉ dừng lại việc đền bù GPMB theo qui định của Chính phủ mà cái đặc biệt hơn là người bị thu hồi đất cần được quan tâm hỗ trợ dạy nghề GQVL và đảm bảo ASXH (như: được hỗ trợ đóng nộp BHXH, mua thẻ bảo hiểm y tế, hỗ trợ vốn vay GQVL...) vì vậy trên cơ sở qui định của trung ương, chính quyền địa phương cần phải quan tâm thể chế hóa các chính sách cụ thể của địa phương xem như đây là một giải pháp phân phối lại lợi ích của các bên liên quan đến “tư liệu sản xuất đặc biệt” đây là một chính sách vừa có ý nghĩa quan trọng về chính trị, kinh tế- xã hội và tính nhân văn sâu sắc./.