Hiện nay, trên địa bàn Hà Tĩnh có 339 đối tượng đang được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội công lập, trong đó: 132 đối tượng đang được nuôi dưỡng chăm sóc tại Trung tâm điều dưỡng Người có công - BTXH; 84 đối tượng đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Làng trẻ mồ côi; 123 đối tượng đang được chăm sóc nuôi dưỡng tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - Lao động xã hội.
Khám sức khỏe định kỳ tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - Lao động xã hội
Theo quy định chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội gồm:
Thứ nhất: Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng thấp nhất cho mỗi đối tượng bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội nhân với hệ số tương ứng theo quy định sau đây: Hệ số 5,0 đối với trẻ em dưới 04 tuổi (2,5 triệu đồng/người/tháng); hệ số 4,0 đối với các đối tượng từ đủ 4 tuổi trở lên (2 triệu đồng/người/tháng).
Thứ hai: Cấp thẻ bảo hiểm y tế theo quy định pháp luật về bảo hiểm y tế.
Thứ ba: Hỗ trợ chi phí mai táng khi chết với mức tối thiểu bằng 50 lần mức chuẩn trợ giúp xã hội quy định (25 triệu đồng).
Thứ tư: Cấp vật dụng phục vụ cho sinh hoạt thường ngày, chăn, màn, chiếu, quần áo mùa hè, quần áo mùa đông, quần áo lót, khăn mặt, giày, dép, bàn chải đánh răng, thuốc chữa bệnh thông thường, vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ, sách, vở, đồ dùng học tập đối với đối tượng đang đi học và các chi phí khác theo quy định.
Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo và tạo việc làm cũng được thực hiện đảm bảo quy định như:
- Đối tượng được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội được hưởng chính sách hỗ trợ học mầm non, giáo dục phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất theo quy định của pháp luật.
- Đối tượng trẻ em quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP từ 16 tuổi trở lên đang học các cấp học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng không quá 22 tuổi.
- Trẻ em từ 13 tuổi trở lên được chăm sóc, nuôi dưỡng tại cơ sở trợ giúp xã hội không còn học phổ thông thì được giới thiệu học nghề.
- Đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học được đưa trở về nơi ở trước khi vào cơ sở trợ giúp xã hội. Ủy ban nhân dân cấp xã nơi ở trước đây của đối tượng có trách nhiệm tiếp nhận, tạo điều kiện để có việc làm, ổn định cuộc sống.
- Đối tượng quy định tại khoản 1 và 3 Điều 24 Nghị định 20/2021/NĐ-CP từ 16 tuổi trở lên không tiếp tục học phổ thông, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học thì cơ sở trợ giúp xã hội và địa phương xem xét hỗ trợ để có nơi ở, tạo việc làm và cơ sở trợ giúp xã hội tiếp tục giải quyết trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.
Học viên tại Trung tâm chữa bệnh, giáo dục - Lao động xã hội
Công tác tiếp nhận, trợ giúp xã hội; công tác chăm sóc, nuôi dưỡng; công tác chăm sóc y tế; công tác phục hồi chức năng cho các đối tượng tại các cơ sở trợ giúp xã hội công lập trong thời gian qua được thực hiện tốt. Qua đó, góp phần to lớn trong việc giúp đối tượng xóa bỏ tâm lý tự ty, mặc cảm, được chăm sóc sức khỏe, vui chơi, giải trí, ổn định cuộc sống.
Các cụ cao tuổi tập thể dục dưỡng sinh tại Trung tâm Điều dưỡng NCC và BTXH
Mặc dù vậy, công tác tiếp nhận, chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội hiện nay đang gặp một số khó khăn nhất định như đội ngũ viên chức, hợp đồng lao động làm việc tại các cơ sở trợ giúp xã hội đang thiếu; hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất chưa được trang bị đầy đủ hoặc đã xuống cấp nhưng chưa được cải tạo, sửa chữa kịp thời; quy mô đối tượng ngày càng lớn...là một trong những vấn đề cần quan tâm nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng ngày càng cao.
Kỷ niệm 33 năm ngày Quốc tế người cao tuổi tại Trung tâm Điều dưỡng NCC và BTXH
Việc củng cố, phát triển hệ thống mạng lưới các cơ sở trợ giúp xã hội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh; mở rộng quy mô tiếp nhận, nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội và đa dạng hóa các dịch vụ trợ giúp xã hội, đáp ứng nhu cầu của người dân, hướng đến mục tiêu tiến bộ và công bằng xã hội là rất cần thiết hiện nay./.
LĐH - Phòng BTXH