Sau 10 năm thực hiện Chiến lược Quốc gia Bình đẳng giới gắn với công tác vận động nữ CNVCLĐ, tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đã song song thực hiện nhiệm vụ đẩy mạnh hoạt động nữ công, phong trào nữ CNVCLĐ gắn với tăng cường thực hiện bình đẳng giới một cách thực chất.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới được coi là một bộ phận cấu thành quan trọng của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, là cơ sở nền tảng của chiến lược phát triển con người của Đảng và Nhà nước. Công tác bình đẳng giới là một trong những yếu tố cơ bản để nâng cao chất lượng cuộc sống của từng người, từng gia đình và toàn xã hội. Thực tế, chúng ta đã hoàn thành mục tiêu đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Liên đoàn Lao động tỉnh và Hội Phụ nữ ký Chương trình phối hợp các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lao động nữ
Với lực lượng đông đảo (chiếm 52% trong tổng số đoàn viên, CNVCLĐ công đoàn toàn tỉnh), đội ngũ nữ đoàn viên, CNVCLĐ tỉnh nhà vừa thể hiện rõ bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn vừa phát huy giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Các cấp công đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã tham gia tích cực cùng với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp trong việc tham mưu, đề xuất, bổ sung các chủ trương, chính sách mới liên quan đến người lao động, nhất là lao động nữ và trẻ em; tổ chức hàng ngàn hội nghị chuyên đề lấy ý kiến của CNVCLĐ về các dự thảo: Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật Trẻ em, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Cán bộ công chức, Luật Viên chức, dự thảo Nghị định quy định chính sách đối với lao động nữ và bình đẳng giới và nhiều chủ trương, chính sách liên quan đến nữ đoàn viên, CNVCLĐ... nhằm phát huy vai trò của tổ chức công đoàn trong việc đồng hành cùng nữ đoàn viên, CNVCLĐ trong cuộc “cách mạng” vì bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh, các cấp công đoàn toàn tỉnh đã tổ chức và phối hợp tổ chức nhiều lớp tuyên truyền, quán triệt Nghị quyết và triển khai sâu rộng Chương trình hành động của Ban Chấp hành LĐLĐ tỉnh về thực hiện Nghị quyết 6b/ NQ - BCH về công tác vận động nữ CNVCLĐ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và Chỉ thị 03/CT-TLĐ về phong trào thi đua “Giỏi việc nước, đảm việc nhà” trong nữ CNVCLĐ (2010 -2020); tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, nâng cao nhận thức về giới, bình đẳng giới; tuyên truyền pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CNVCLĐ. Trong 10 năm qua, các cấp công đoàn toàn tỉnh đã chủ trì, phối hợp tổ chức 139 lớp tập huấn nâng cao năng lực và kiến thức về giới, bình đẳng giới cho cán bộ Công đoàn và cán bộ phụ trách công tác nữ công, trên 1.835 cuộc cho gần 53.150 lượt đoàn viên, CNVCLĐ tham gia các buổi tuyên truyền, tập huấn, nói chuyện chuyên đề về Bình đẳng giới, nâng cao nhận thức giới. Thông qua công tác tuyên truyền, tập huấn đã góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, đoàn viên, người lao động về vai trò của phụ nữ, trách nhiệm thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới, qua đó từng bước nâng cao vị thế, vai trò của nữ đoàn viên, CNVCLĐ trong cơ quan, đơn vị cũng như địa vị trong xã hội. Hàng năm, LĐLĐ tỉnh chỉ đạo các cấp công đoàn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về lao động, Công đoàn, Luật BHXH, Luật ATVSLĐ, đặc biệt chế độ, chính sách đối với lao động nữ tại các doanh nghiệp (Nghị định 85 của Chính phủ). Kết quả 10 năm qua, đã tổ chức gần 4.000 cuộc kiểm tra, giám sát; qua đó đã kiến nghị với người sử dụng lao động về các nội dung đảm bảo chính sách thai sản, nghỉ dưỡng sức đối với lao động nữ, ưu tiên bảo đảm việc làm cho lao động nữ, quan tâm đến điều kiện lao động và an toàn vệ sinh lao động, thực hiện khám sức khỏe định kỳ, khám phụ khoa, tạo môi trường làm việc an toàn cho lao động nữ. Đã thực hiện đảm bảo chế độ BHXH, BHYT, tiền lương, tiền thưởng, khám sức khỏe định kỳ, chế độ nuôi con nhỏ, thời gian làm việc, thời giờ nghỉ ngơi cho nữ CNVCLĐ; chính sách đào tạo, tuyển dụng, bố trí, sử dụng lao động nữ và việc thành lập các khu nhà ở tập thể, nhà giữ trẻ trong các doanh nghiệp nhằm thu hút, tạo điều kiện cho cán bộ, CNLĐ trực tiếp sản xuất yên tâm làm việc, đảm bảo quan hệ lao động hài hoà, ổn định và tiến bộ; quan tâm, hướng dẫn Công đoàn các cấp tự kiểm tra để bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ tại đơn vị mình. Qua kiểm tra, giám sát đã nâng cao nhận thức cho chủ sử dụng lao động trong việc thực hiện quyền bình đẳng giới trong doanh nghiệp, nhiều doanh nghiệp đã thực hiện tốt chính sách đối với lao động, tạo mọi điều kiện về môi trường làm việc cho lao động nữ như: Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh, Công ty TNHH Vietex, Công ty TNHH Á Đông Việt Nam, Công ty CP Đầu tư và Khai thác Phú Doanh, Công ty CP XNK Thủy sản Nam Hà Tĩnh (thuộc CĐ các Khu kinh tế tỉnh), Công ty CP Môi trường và Công trình đô thị (LĐLĐ Thành phố HT), Công ty CP May Hà Tĩnh (thuộc Công đoàn Tổng Công ty Khoáng sản và Thương mại Hà Tĩnh), (nay là Công ty CP Sản xuất đầu tư và Thương mại TAAD Hà Tĩnh, thuộc CĐ ngành Công thương)… Công tác tư vấn pháp luật, hỗ trợ pháp lý được các cấp công đoàn chú trọng, từ năm 2010 đến nay, có trên 2.100 lượt nữ cán bộ, CNVCLĐ được các cấp công đoàn tư vấn về chế độ chính sách liên quan đến lao động nữ, đặc biệt là nữ công nhân lao động. Việc đổi mới hình thức để nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý được LĐLĐ tỉnh tập trung, chú trọng: Năm 2012, Liên đoàn Lao động tỉnh thành lập Tổ truyền thông pháp luật lưu động. Đến nay đã tổ chức 19 lớp truyền thông pháp luật lưu động với gần 3.500 lượt CNLĐ tham gia nhằm đưa kiến thức pháp luật đến với đoàn viên, người lao động bằng hình thức sân khấu hóa, trong đó có nhiều nội dung liên quan đến vấn đề bình đẳng giới... thu hút sự quan tâm tìm hiểu pháp luật của người lao động. Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Báo Hà Tĩnh, Báo Lao động, Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Tĩnh và các trang web, mạng xã hội, công tác tuyên truyền nói chung, tuyên truyền về chế độ chính sách nữ, bình đẳng giới nói riêng của tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh được phát huy tối đa, có sức lan tỏa mạnh mẽ đến mọi đoàn viên, CNVCLĐ.
Lớp tập huấn cho các bộ nữ công công đoàn
Những kết quả đã đạt được cho thấy, thời gian qua tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đã rất quan tâm, ưu tiên hoạt động nữ công, tăng cường việc chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng đối với lao động nữ.Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn toàn tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về “Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”; Kết luận số 147/KL-TLĐ ngày 04/02/2016 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 6b/TLĐ ngày 29/01/2011 về công tác vận động nữ CNVCLĐ; Chỉ thị 09/CT-TU ngày 04/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác VSTBCPN và Bình đẳng giới, chỉ đạo các cấp công đoàn giới thiệu cán bộ tham gia vào cấp ủy Đảng, chính quyền, chuyên môn các cấp. Cán bộ công đoàn chuyên trách, tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý công đoàn các cấp nhiệm kỳ 2018-2023: Ủy viên Ban Thường vụ 4/13 đồng chí (tỷ lệ 30,8%); Ủy viên Ban Chấp hành 15/39 (tỷ lệ 38,5%); Phó Chủ tịch LĐLĐ tỉnh là nữ: 1/3 đồng chí, (tỷ lệ 33,3%); Trưởng các Ban LĐLĐ tỉnh là nữ 2/6 đồng chí, (tỷ lệ 33,3%); Phó Ban LĐLĐ tỉnh là nữ: 6/9 đồng chí, (tỷ lệ 66,7%). Đối với cấp huyện, ngành, Chủ tịch: 7/22 nữ, (tỷ lệ 31,82%); Phó Chủ tịch LĐLĐ các ngành cấp tỉnh 8/18 nữ, (tỷ lệ 44,4%).
Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức gặp mặt cán bộ nữ công
Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ được các cấp công đoàn triển khai có kết quả cao: Có 100% cán bộ chủ chốt công đoàn các cấp, 100% cán bộ nữ công công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở được tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, đào tạo trung hạn, dài hạn, cập nhật kiến thức… Công tác biểu dương, khen thưởng nhằm động viên phong trào thi đua trong nữ đoàn viên, CNVCLĐ được các cấp công đoàn quan tâm, làm tốt: Từ năm 2010 đến nay, toàn tỉnh có trên 90% nữ CNVCLĐ đạt danh hiệu “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” (chỉ tiêu Đại hội XVIII Công đoàn tỉnh đề ra là trên 85%), có gần 2.000 lượt nữ CNVCLĐ được khen thưởng trong phong trào “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” cấp trên trực tiếp cơ sở trở lên (trong đó, có 21 tập thể, 18 cá nhân được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng cờ, Bằng khen “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”). Thông qua phong trào thi đua “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà” với những tiêu chí cụ thể, nữ đoàn viên, CNVCLĐ được có thêm cơ hội thể hiện khả năng, bản lĩnh, vừa phấn đấu chu toàn trong gia đình, vừa giỏi dang trong công việc chuyên môn. Phong trào do các cấp công đoàn phát động cũng chính là yếu tố góp phần thu hẹp khoảng cách giới giữa nam giới và nữ giới, là động lực để nữ CNVCLĐ có được sự ghi nhận xứng đáng với những nỗ lực trong công việc, đóng góp của bản thân cho gia đình, xã hội. Nhận thức rõ những thách thức, vai trò, vị trí, trách nhiệm và yêu cầu trong giai đoạn mới; nhằm tăng cường vai trò của tổ chức công đoàn trong thúc đẩy bình đẳng giới và bảo vệ quyền lợi cho lao động nữ, tổ chức Công đoàn Hà Tĩnh đã và đang chủ động, tích cực tham gia triển khai nhiều hoạt động thiết thực để đẩy mạnh hoạt động bình đẳng giới và bảo vệ quyền cho lao động nữ; tạo sự chuyển biến trong việc giải quyết một số nhu cầu bức thiết của lao động nữ, phát huy vai trò để lao động nữ tham gia phát triển doanh nghiệp và kinh tế xã hội, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, bình đẳng, hạnh phúc, văn minh, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội phát triển toàn diện, bền vững.