Đại sứ Kỹ năng nghề 2021 Trương Thế Diệu từng giành Huy chương Bạc nghề Phay CNC tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2019, chàng trai 24 tuổi được nhận lương từ năm thứ 2 học nghề.
Vừa tốt nghiệp đã trở thành người đào tạo
Đại sứ nghề Trương Thế Diệu quê ở huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm ngoái, chàng trai sinh năm 1997 tốt nghiệp chuyên ngành Cắt gọt cơ khí, trường Cao đẳng nghề Bách Khoa Hà Nội, cầm tấm bằng loại xuất sắc.
Dù mới tốt nghiệp, nhưng hiện tại Diệu đã làm việc cho công ty TNHH Denso (chuyên sản xuất linh kiện ô tô). Diệu làm công tác đào tạo môn Nghề phay CNC cho thí sinh sẽ đại diện cho Việt Nam tham dự kỳ thi Kỹ năng nghề (KNN) thế giới năm 2022, tại Trung Quốc.
Trương Thế Diệu được bổ nhiệm làm Đại sứ Kỹ năng nghề Việt Nam 2021 (Ảnh: NVCC).
Trước đó Diệu đã gắn bó với công ty này từ năm thứ 2 học nghề. Diệu được công ty đào tạo, trả lương như nhân viên trong công ty để tham dự kỳ thi KNN thế giới năm 2019 và giành Huy chương Bạc môn Nghề phay CNC.
Khoảnh khắc Diệu cùng bạn bè quốc tế ăn mừng chiến thắng tại cuộc thi (Ảnh: NVCC).
8 tiếng mỗi ngày, Diệu đến công ty lập đề bài, sửa lỗi, góp ý cho bài thực hành của thí sinh, cải thiện những kiến thức, kỹ năng mà thí sinh còn thiếu. Diệu nhận được mức lương xứng đáng với công sức bỏ ra, đủ chi tiêu và có thể giúp đỡ bố mẹ ở quê.
Nhớ lại những ngày đầu bước chân vào trường nghề, Diệu không dám nghĩ mình có được ngày hôm nay. Khi ấy, Diệu chỉ xác định học xong 3 năm thì ra kiếm việc làm, lương khoảng 7-8 triệu.
Nhưng trong buổi khai giảng đầu tiên, nhà trường mời một cựu sinh viên từng được công ty Denso đào tạo, từng thi kỹ năng nghề ở Brazil về chia sẻ con đường học nghề. Diệu nghĩ biết đâu sau này có cơ hội được tham gia các cuộc thi quốc tế như anh ấy. Một ý nghĩ thoáng qua.
Cơ hội đến khi Diệu bước sang năm học thứ 2. Đọc thông tin công ty Denso liên kết với nhà trường, tìm ứng viên cho cuộc thi tay nghề thế giới 2019 tại môn Nghề phay CNC, Diệu mạnh dạn đăng ký, từ đó từng bước chinh phục những ước mơ, trở thành động lực cho học sinh chọn học nghề, các phụ huynh tự tin ủng hộ con học nghề.
Diệu được nhận huân chương Lao động hạng Nhì khi mới 22 tuổi (Ảnh: NVCC).
"Việc tôi đạt được những thành tích trên vừa là niềm vui vừa là trách nhiệm góp phần nâng tầm giáo dục nghề nghiệp.
Khi tôi còn thực tập ở công ty, người ở quê đã truyền tai nhau về những thành tích của tôi. Từ đó tôi trở thành một phần lý do để nhiều học sinh tốt nghiệp cấp 3 theo học nghề, phụ huynh thoáng hơn khi cho con học nghề.
Ở trường tôi được nhiều người biết đến. Tôi thường nói chuyện với các em sinh viên để truyền cảm hứng học tập. Nhiều em nhắn tin hỏi chuyên ngành này học ra làm việc gì? Mức lương thế nào? Phương pháp học tập ra sao?
Nhiều khi đang ngồi chơi ở sảnh cũng có người đến bắt chuyện, hỏi kinh nghiệm học tập và làm việc. Nhớ lại năm học thứ nhất tôi từng gặp nhiều khó khăn khi không có ai để hỏi, nên tôi luôn quan tâm giúp đỡ các bạn ấy.
Trong những lời khuyên, tôi luôn nhấn mạnh với các em về đam mê và tố chất với nghề. Đây là hai yếu tố then chốt để người học nghề thành công", Diệu nói.
Học nghề là lựa chọn không hề tồi
Diệu lớn lên cùng với ruộng đồng, bố mẹ làm nghề nông. Từ nhỏ đã thích tò mò tìm hiểu sửa điện, sửa đài trong nhà, chơi những vật dụng liên quan đến điện đóm, máy móc.
Diệu yêu thích những bài tập môn Công nghệ lớp 11, dạng bài vẽ vật thể hình chiếu, điểm Công nghệ luôn đạt 9 - 10 điểm. Thấy mình có năng khiếu trong lĩnh vực này, Diệu lên mạng tìm hiểu các ngành nghề liên quan, hỏi các anh chị đi trước nên theo ngành nào? Anh chị khuyên Diệu nên theo cơ khí hoặc cắt gọt kim loại.
Đầu năm lớp 12, nhận thấy lực học của mình không thể vào những trường đại học top đầu, Diệu xác định học nghề để phù hợp với năng lực và sở thích, quyết chí thoát cảnh "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Diệu chăm chỉ luyện tập (Ảnh: NVCC).
Ngày các bạn bè cùng lớp đỗ đại học, nhà nào cũng tổ chức ăn mừng, bạn bè chúc tụng nhau. Còn Diệu đỗ trường nghề thì không được ăn mừng, không một lời chúc.
"Lúc đó tôi hơi tủi thân một chút, vì tâm lý mọi người vẫn coi trọng đại học hơn. Nhưng tôi tự nhủ là sau này cố gắng để không thua kém bạn bè. Học hành tích cực, lấy cái nghề học được để bươn chải bằng nghề", Diệu nói.
Diệu cho rằng nghề cắt gọt kim loại hấp dẫn ở chỗ lập trình, gia công, tất cả mọi việc đều do mình tự làm. Ví dụ khi được phát một bản vẽ và cục phôi, yêu cầu mình làm thế nào để ra sản phẩm y như bản vẽ. Người làm phải chạy đua với thời gian, phải có kỹ năng xử lý tình huống nếu có trục trặc. Thời gian sẽ cho thấy ai là người có kỹ năng cao hơn.
Phương pháp học và thực hành của Diệu là "trăm hay không bằng tay quen". Phải thực hành đều đặn, không được ngắt quãng. Nếu hôm nay làm xong trong vòng 10 giây mà ngắt quãng đến một tháng sau thì phải mất 15 giây mới xong.
Ngoài ra người làm nghề phải tập trung và cẩn thận, Diệu kể về một lần làm hỏng máy móc do không tập trung:
"Dù mình giành giải Bạc của quốc tế thì cũng không tránh khỏi những sai lầm cơ bản.
Một lần mình đang làm việc tại công ty thì có một đoàn thăm quan đến quan sát mình làm. Mình đã quen làm việc một mình nên khi họ chỉ trỏ và nói điều gì đó khiến mình mất tập trung. Mỗi lần mất tập trung mình lại làm nhanh hơn, dẫn đến quay bị nhầm một thao tác và bị gãy một cái kim đầu đo. Cũng may có anh hướng dẫn ở đó nhắc mình làm chậm thôi, lúc đó mình đã rất ngại".
"Trăm hay không bằng tay quen" là phương pháp học và hành nghề của Diệu (Ảnh: NVCC).
Diệu đánh giá, trường nghề là môi trường tốt cho các bạn trẻ yêu thích cách tự mình làm ra một sản phẩm.
Sinh viên trường nghề nên tận dụng cơ sở vật chất và kiến thức các thầy cô truyền đạt. Cố gắng thực hành càng nhiều càng tốt, sau này sử dụng kinh nghiệm thực hành để ra làm việc cho các doanh nghiệp, làm tốt thì doanh nghiệp tự tăng lương cho mình.
"Với một học sinh đang đứng trước lựa chọn học nghề hay học đại học. Mình sẽ đưa ra các câu chuyện của mình để cho thấy rằng học nghề là lựa chọn không hề tồi. Nhưng cần phải có mong muốn và tố chất với nghề mình sẽ chọn", Diệu nói.
Ngay từ năm 22 tuổi, Diệu đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao huân chương Lao động hạng Nhì sau khi vượt qua 31 quốc gia và vùng lãnh thổ, giành giải Bạc môn Nghề phay CNC tại kỳ thi KNN thế giới 2019.