Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng. Các cấp lãnh đạo phải quan tâm hơn nữa về công tác phụ nữ và chú ý hơn nữa đào tạo cán bộ, phát triển đảng viên và đoàn viên phụ nữ”, những năm qua, các cấp ngành ở Hà Tĩnh luôn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng lực lượng cán bộ nữ đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển của tỉnh. Toàn tỉnh hiện có 32.290 CBCC- VC, trong đó, có 20.976 nữ (chiếm 65%). Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC - VC nói chung, nữ nói riêng được lãnh đạo tỉnh thường xuyên quan tâm, góp phần tích cực trong việc nâng cao trình độ chuyên môn, năng lực công tác, chất lượng và hiệu quả công việc.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ nữ có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh chính trị vững vàng; năng lực, tính chuyên nghiệp cao, thời gian qua, Hà Tĩnh đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng những kiến thức, kỹ năng, thái độ thực thi công vụ cho CBCC- VC, trong đó, sự tham gia của nữ chiếm tỷ lệ khá lớn.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ, từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng theo chuẩn ngạch cho 14.496 CBCC - VC, trong đó có 10.369 nữ (chiếm 71.5%); 1.947 CBCC - VC nữ được đào tạo, bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn chức vụ, chức danh quy hoạch, trong đó, có 715 cán bộ nữ (118 công chức, 597 viên chức) đã được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, quản lý các cấp.
(Tập huấn trang bị kiến thức về xây dựng và phát triển mô hình kinh tế cho cán bộ hội phụ nữ các cấp
Kết quả đó cho thấy sự quan tâm của các cấp ngành đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, góp phần nâng cao mặt bằng chung về năng lực, trình độ của CBCC của tỉnh; từng bước khắc phục sự thiếu hụt kiến thức về quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ và lý luận chính trị. Công tác đào tạo, bồi dưỡng, chú trọng trang bị kiến thức và kỹ năng hoạt động thực thi công vụ chuyên sâu theo chức danh, vị trí việc làm. Việc cử cán bộ nữ đi đào tạo, bồi dưỡng cũng đã bám sát kế hoạch đào tạo và công tác quy hoạch cán bộ của các cấp các ngành.
Đội ngũ cán bộ nữ được đào tạo bài bản, hiệu quả đã dần thích nghi với yêu cầu công việc trong tình hình mới; tự tin đóng góp công sức, trí tuệ, tâm huyết cho cơ quan, đơn vị và ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí trong gia đình, xã hội.
Phát huy vai trò, tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ, thực hiện bình đẳng giới trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội là một trong những nhiệm vụ và mục tiêu quan trọng trong thời kỳ mới.
Để tiếp tục phát huy và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, Giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh Phan Thị Tố Hoa cho biết: “Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng CBCC - VC nữ được xây dựng dựa trên cơ sở xác định những ngành, lĩnh vực phù hợp, phát huy được thế mạnh của phụ nữ. Bên cạnh đó, phải gắn với quy hoạch và bố trí sử dụng CBCC nữ. Chương trình đào tạo phải có trọng tâm, trọng điểm; hình thức đa dạng, phù hợp với đặc điểm giới nữ; thời điểm thuận lợi cho nữ cán bộ tham gia”.
Cơ chế hỗ trợ, ưu tiên cho CBCC nữ là điều rất cần thiết để công tác đào tạo đạt chất lượng. Trong đó, cần quan tâm đến thiên chức làm mẹ, sinh con, nuôi dạy con cái và chăm sóc gia đình của chị em, từ đó có đánh giá công bằng hơn đối với CBCC nữ trong công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Công tác đào tạo, nâng cao trình độ cho phụ nữ được các cấp ngành đặc biệt quan tâm
Ngoài chính sách, cơ chế của các cấp ngành, cơ quan, đơn vị, việc tự bồi dưỡng của chính đội ngũ CBCC nữ cũng đóng vai trò quan trọng. Bản thân mỗi CBCC nữ cần chủ động hơn nữa trong nhận thức về giới, có kế hoạch học tập, trau dồi kiến thức, trình độ, năng lực công tác, bản lĩnh chính trị; sẵn sàng nhận nhiệm vụ khi được phân công, khẳng định được năng lực, vị trí và vai trò của mình trong công việc.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp là điều kiện quan trọng nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng CBCC nữ. Phụ nữ được tạo điều kiện, khích lệ tinh thần học tập sẽ tự tin, năng động vươn lên “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, khẳng định vị thế trong xã hội và gia đình.