Công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm giúp huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Giai đoạn 2021 – 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn huyện Cẩm Xuyên duy trì mức giảm từ 0,5% đến 1,0%/năm (giảm từ 5,13% năm 2021 còn 2,8% cuối năm 2023). Huyện đang đặt mục tiêu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm còn 2,1%.
Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng này, thời gian qua, UBND huyện Cẩm Xuyên chú trọng phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn.
Theo báo cáo từ Phòng LĐTB&XH huyện, hầu hết người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề phù hợp, tuy nhiên, tỷ lệ qua đào tạo mới đạt trên 65%
Chị Nguyễn Thị Sâm (hộ nghèo thuộc xã Cẩm Bình) được "cầm tay chỉ việc" nghề làm chổi.
Chị Nguyễn Thị Sâm (SN 1975, thôn Yên Bình, xã Cẩm Bình) là một trong những hộ nghèo được tiếp cận lớp đào tạo nghề mây tre đan do UBND xã phối hợp với Sở LĐTB&XH tổ chức. Sau hơn 2 tháng tham gia lớp học, đến nay, chị đã có thể tự sản xuất các đồ dùng mây tre đan ngay tại nhà, tạo thu nhập ổn định cho gia đình.
“Vừa là hộ nghèo, vừa thuộc đối tượng tàn tật, tôi thường xuyên nhận được sự quan tâm của chính quyền địa phương. Trong năm 2023, gia đình được trao sinh kế 110 con gà để chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Từ tháng 4/2024, tôi tiếp tục được đào tạo nghề mây tre đan. Bằng sự hướng dẫn của các giáo viên, tôi đã có thể tự làm chổi để bán tại nhà. Với mức giá 35.000 đồng/sản phẩm, tôi đã bán được 20 sản phẩm sau hơn 1 tháng” – chị Sâm cho biết.
Với 24 hộ nghèo và 47 hộ cận nghèo, xã Cẩm Bình chú trọng vào công tác đào tạo nghề với các nghề như: mây tre đan, hướng dẫn chăn nuôi bò, gà… gắn với mô hình sinh kế, từ đó, giúp bà con tích cực tăng gia sản xuất, nỗ lực vươn lên thoát nghèo.
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đối tượng yếu thế được hỗ trợ đào tạo dạy nghề miễn phí.
Ông Nguyễn Minh Duyệt – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết: “Lớp đào tạo nghề mây tre đan trên địa bàn xã hiện có 18 học viên theo học, đây đều là các đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, người yếu thế, tàn tật… Công tác đào tạo nghề luôn được địa phương chú trọng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả giảm nghèo trong 6 tháng cuối năm 2024”.
Tại xã Nam Phúc Thăng, lớp đào tạo nghề chăn nuôi gia cầm được tổ chức định kỳ 2 – 3 buổi/tuần với sự tham gia của hơn 25 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã.
Ông Ngô Trí Nam (giáo viên Trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng) cho biết: “Đối với nghề chăn nuôi gia cầm, người dân sẽ được tiếp cận chương trình bài bản, từ việc hiểu rõ tình hình chăn nuôi trên địa bàn, đặc điểm giải phẫu – sinh lý của gia cầm, đến việc chọn giống, phương pháp chăn nuôi, phòng bệnh…”.
Cũng theo ông Nam, song song với việc học lý thuyết, các học viên sẽ được thực hành ngay tại nhà, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của gia cầm, từ đó, đúc kết kinh nghiệm và áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả nhất.
Các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Nam Phúc Thăng được hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi gia cầm.
Sau hơn 2 tháng được tiếp cận lớp đào tạo nghề nuôi gia cầm trên địa bàn, bà Chu Thị Phương (thôn Đông Cao, xã Nam Phúc Thăng) chia sẻ: “Trước đây, tôi và nhiều hộ dân khác chăn thả gia cầm tại vườn, cho ăn theo “kinh nghiệm”, vì vậy, không ít lần gia cầm bị chết không rõ nguyên nhân. Sau khi tham gia lớp học, tôi hiểu rõ hơn về việc tăng cường sức đề kháng cho gia cầm, các biện pháp chăm sóc áp dụng cho từng giai đoạn tăng trưởng. Với những kiến thức đã học được, việc chăm sóc đàn gia cầm theo mô hình sinh kế sẽ hiệu quả hơn”.
Trong giai đoạn 2022 – 2024, huyện Cẩm Xuyên được cấp nguồn vốn phát triển giáo dục nghề nghiệp là 2.550,7 triệu đồng, trong đó, ngân sách Trung ương 2.260 triệu đồng, ngân sách địa phương 290,7 triệu đồng.
Thời gian qua, UBND huyện đã phối hợp với trường Trung cấp nghề Lý Tự Trọng và Trường Cao đẳng kỹ thuật Việt Đức Hà Tĩnh tổ chức khai giảng 5 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho hơn 150 lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Nam Phúc Thăng, Yên Hòa và Cẩm Quang. Đến nay, huyện đã tiến hành khai giảng 7 lớp dạy nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn tại các xã Cẩm Lạc, Cẩm Mỹ, Nam Phúc Thăng và thị trấn Thiên Cầm. Dự kiến đến hết tháng 10/2024, kết quả giải ngân cho mục tiêu phát triển giáo dục nghề nghiệp sẽ đạt 100% so với kế hoạch.
Bên cạnh lý thuyết chăn nuôi, các hộ dân sẽ được hướng dẫn thực hành tại chỗ.
Ông Chu Văn Bằng – Phó Trưởng phòng LĐTB&XH huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Xác định công tác đào tạo nghề là “chìa khoá” hướng đến mục tiêu giảm nghèo bền vững. Thời gian qua, phòng LĐTB&XH huyện Cẩm Xuyên đã triển khai nhiều lớp đào tạo chuyên sâu về các ngành nghề như: chăn nuôi gia cầm, nông nghiệp hữu cơ, nghiệp vụ bán hàng, điện dân dụng... cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn trên địa bàn".
Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, vừa trao mô hình sinh kế, vừa hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất…, các giải pháp được thực hiện quyết liệt, đồng bộ sẽ giúp người dân nỗ lực vươn lên thoát nghèo. "Thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai nhiều hoạt động, hỗ trợ người dân tìm hiểu thông tin thị trường, kết nối cung cầu lao động, tạo việc làm bền vững. Phấn đấu đến cuối năm 2024, toàn huyện Cẩm Xuyên có khoảng 180 hộ thoát nghèo” - ông Bằng cho hay.
LTH - Phòng BTXH. Nguồn: Báo Hà Tĩnh