Các rủi ro phi truyền thống, tình trạng già hóa dân số, hội nhập kinh tế… khiến thế giới việc làm thay đổi nhanh, khó đoán định. Để phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao - một trong ba đột phá chiến lược như Đại hội XIII của Đảng khẳng định, cần chuyển hướng đào tạo từ diện nghề hẹp, chuyên sâu sang đào tạo diện nghề rộng, tích hợp liên ngành/nghề, giúp người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp trên thị trường lao động không biên giới và đa văn hóa.
Đào tạo diện nghề rộng,tích hợp liên ngành/nghề là xu hướng chung của thế giới hiện nay
Thách thức từ nhiều phía
Giai đoạn 2011 - 2020, tuyển sinh của GDNN đạt 19,67 triệu người, trong đó trình độ cao đẳng đạt 1,945 triệu người (chiếm 9,8%), trình độ trung cấp đạt 2,3 triệu người (chiếm 11,86%); số người thuộc nhóm dân tộc thiểu số chiếm khoảng 7,5% và nữ chiếm 25,5%. Quy mô đào tạo tăng góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ của cả nước năm 2020 đạt 24,6%. Riêng năm 2021, cả nước tuyển sinh được 1.915.548 người, đạt 85,14% kế hoạch (trình độ cao đẳng, trung cấp: 375.108 người, đạt 65,81%; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác: 1.540.440 người, đạt 91,69%).
Bên cạnh những thách thức to lớn của xu thế toàn cầu hóa về kinh tế, sự phát triển của kinh tế tri thức, những rủi ro phi truyền thống như thiên tai, dịch bệnh… thì nội tại giáo dục nghề nghiệp (GDNN) cũng đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, bất cập.
Trên thực tế, dù quy mô đào tạo nghề tăng nhưng chưa tương xứng với lực lượng lao động và dân số trong độ tuổi lao động của Việt Nam. Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đến hết năm 2020, còn khoảng 75,4% trong tổng số hơn 54 triệu lao động chưa có văn bằng, chứng chỉ, phải làm những công việc giản đơn, năng suất lao động thấp. Tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS, THPT vào GDNN chưa cao, không đạt được mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị và Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Tỷ lệ qua đào tạo của lao động khu vực thành thị đạt 40,8%, khu vực nông thôn đạt 16,6%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ ở khu vực thành thị đạt 39,9%, trong khi ở khu vực nông thôn chỉ đạt 16,3%. Cơ cấu ngành, nghề đào tạo chưa phù hợp với nhu cầu thị trường lao động và nhu cầu người học theo từng vùng, miền, địa phương.
Ở một số ngành nghề, kỹ năng của người học chưa phù hợp hoặc chưa đáp ứng với nhu cầu kỹ năng của người sử dụng lao động. Một số kỹ năng cần thiết như kỹ năng xã hội, kỹ năng sống, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng số, kỹ năng cảm xúc..., khả năng tự học của người tốt nghiệp chưa thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động, cơ hội phát triển nghề nghiệp của người tốt nghiệp còn hạn chế; quy mô đào tạo chất lượng cao còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu của các ngành kinh tế mũi nhọn và yêu cầu nâng cao chất lượng cạnh tranh của nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh cao.
Đào tạo nghề nghiệp cho các đối tượng yếu thế chưa được quan tâm đúng mức. Trong đó, tỷ lệ người dân tộc thiểu số tham gia học nghề rất thấp, chủ yếu các khóa học nghề dưới 3 tháng. Người khuyết tật, người dân tộc thiểu số ít người, người sau cai nghiện, người mãn hạn tù… mặc dù đã có những chính sách hỗ trợ nhưng cơ hội tiếp cận dịch vụ GDNN còn hạn chế.
Sự hợp tác giữa cơ sở GDNN của Việt Nam với cơ sở đào tạo của một số quốc gia còn hạn chế do chương trình, phương pháp đào tạo và tổ chức hoạt động đào tạo chưa tương thích, khó chuyển đổi; sự dịch chuyển lao động giữa Việt Nam và các nước còn chậm.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân của những bất cập trên chủ yếu liên quan đến năng lực thể chế; lượng và chất của đội ngũ nhà giáo GDNN chưa đáp ứng yêu cầu. Nền kinh tế phát triển chưa bền vững; tình trạng trọng bằng cấp khá phổ biến; tỷ lệ doanh nghiệp hợp tác với cơ sở GDNN thấp, chỉ khoảng 9,15%, trong đó doanh nghiệp vừa và nhỏ sử dụng ít lao động chiếm tỷ lệ lớn... Đặc biệt, nguồn lực cho GDNN chưa bảo đảm cho tiến trình tăng quy mô và chất lượng đào tạo.
Đào tạo theo diện rộng và tích hợp
Diễn đàn Kinh tế thế giới - WEF 2019 đánh giá, chất lượng đào tạo nghề của Việt Nam đã tăng 13 bậc trong trụ cột kỹ năng. Việt Nam đã, đang tham gia và đạt thứ hạng cao trong các cuộc thi tay nghề khu vực và thế giới. Cùng với đó, khoảng 80% người tốt nghiệp các trường nghề có việc làm phù hợp với ngành nghề và trình độ đào tạo hoặc tự tạo việc làm, tham gia vào hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế (tỷ lệ lao động nông thôn có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%).
Tuy nhiên, để có nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và là nước phát triển vào năm 2045, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xác định cần chuyển hướng đào tạo từ diện nghề hẹp, chuyên sâu sang đào tạo diện nghề rộng, tích hợp liên ngành/nghề dựa trên nền tảng tăng hàm lượng chất xám và kỹ năng thích ứng linh hoạt, để người học dễ dàng dịch chuyển nghề nghiệp. Có cơ chế, chính sách đủ mạnh, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp, người sử dụng lao động tích cực tham gia hoạt động GDNN. Sắp xếp, tổ chức mạng lưới cơ sở GDNN theo hướng mở, linh hoạt, hiện đại, dễ tiếp cận, đa dạng về loại hình, phân bổ hợp lý về cơ cấu ngành nghề, trình độ, vùng miền. Đẩy nhanh chuyển đổi số; đổi mới chương trình, phương thức đào tạo. Phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN.
Đẩy mạnh đào tạo nhân lực trẻ có kỹ năng nghề cao đáp ứng yêu cầu nhân lực cho công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung các nguồn lực phát triển mạng lưới cơ sở GDNN chất lượng cao, ngành, nghề trọng điểm; hình thành các trường chất lượng cao, các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao có tính chất hạt nhân, dẫn dắt, lan tỏa và thực hiện liên kết vùng hiệu quả. Đặc biệt, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho thanh niên học nghề và hỗ trợ thanh niên học nghề khởi nghiệp; xây dựng không gian khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở GDNN và hệ sinh thái khởi nghiệp GDNN tại các vùng.