(Baohatinh.vn) - Những năm qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động nông thôn luôn được huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) quan tâm với những giải pháp đồng bộ, quyết liệt.
Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Hương Sơn học may ngay tại Công ty May BGG (xã Sơn Lễ), khi ra trường có cơ hội vào làm việc tại đây.
Từ năm 2022 đến nay các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Hương Sơn mở được 18 lớp đào tạo nghề sơ cấp và 15 lớp học nghề ngắn hạn cho 591 học viên, chủ yếu là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Trong đó có 10 lớp với 315 học viên đã tốt nghiệp và 8 lớp với 276 học viên đang trong quá trình đào tạo.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện tăng cao, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, năm 2022, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 72,95% kế hoạch. Năm 2023, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%. Năm 2024 tỷ lệ lao động qua đào tạo dự kiến đạt 77,5%.
Quá trình đào tạo không chỉ giúp lao động nghèo vùng nông thôn nắm bắt kiến thức, kỹ năng ngành nghề được học mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, tăng thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững. Nhờ được tham gia các lớp đào tạo nghề, đời sống của không ít hộ dân thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại các xã được cải thiện và nâng lên đáng kể.
Các học viên thôn Cây Tắt, xã Sơn Tây được giáo viên dạy nghề "nắm tay chỉ việc" làm đệm lót sinh học chăn nuôi gà.
Chị Nguyễn Thị Hồng (thôn Phúc Bằng, xã Sơn Bằng) là một trong số đó. “Là hộ nghèo cũng cảm thấy tủi thân nhưng vì ngoài chăm chút 3 sào ruộng, gia đình chẳng biết làm gì để tăng thêm thu nhập. Năm 2022, tôi tham gia các lớp học nghề trồng trọt, kỹ thuật chăn nuôi, sau đó được hỗ trợ hơn 50 giống cây ăn quả các loại và 1 con bò nên cuộc sống ngày càng được cải thiện, từng bước vươn lên thoát nghèo” - chị Hồng chia sẻ.
Với người nghèo “trao cần câu, thay xâu cá” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì vậy, ngoài tăng cường công tác tuyên truyền để người lao động nhận thức vai trò, tầm quan trọng của việc đào tạo nghề nhằm áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động tăng thêm thu nhập, huyện Hương Sơn còn chỉ đạo UBND các xã, thị trấn lập kế hoạch điều tra, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động để từ đó tổ chức các lớp đào tạo nghề phù hợp.
Quá trình điều tra, khảo sát được tiến hành thông qua ban mặt trận, các chi hội, chi đoàn tại các thôn từ nhu cầu, nguyện vọng của người dân nên được bà con nhân dân đồng tình hưởng ứng. Tuy nhiên, học nghề với đối tượng nghèo, cận nghèo cũng khác so với các đối tượng khác, vì vậy, đào tạo nghề như thế nào phù hợp cũng là vấn đề được cơ sở đào tạo quan tâm.
Giáo viên dạy nghề giúp bà con thôn Đức Vừ, xã Sơn Lễ sản xuất phân bón hữu cơ từ rác thải
Theo ông Nguyễn Thế Toàn - Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên Hương Sơn, đối tượng tham gia học nghề chủ yếu là nông dân, để đáp ứng yêu cầu không phải ngày một ngày hai nên phương án đào tạo tại chỗ lại là khả thi nhất. Học, thực hành, kiểm tra, thi tại chỗ kết hợp với việc lựa chọn thời điểm mở lớp. Cùng đó, các phòng, ban chuyên môn ở huyện còn chủ động phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh, các cơ sở GDNN, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tổ chức các sàn giao dịch việc làm để người lao động sau đào tạo có cơ hội tìm kiếm việc làm.
Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả cao nhất, huyện còn yêu cầu các cơ sở đào tạo đầu tư mua sắm trang thiết bị, cơ sở vật chất kỹ thuật; tăng cường các thao tác thực hành để học viên dễ tiếp thu hơn.
Sau khi học nghề xong, những hộ gia đình ở xã Sơn Trung được hỗ trợ mô hình gà để cải thiện cuộc sống
Những năm gần đây, huyện Hương Sơn còn đề ra các chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn để tạo nhiều việc làm cho người lao động, đặc biệt là với những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ vậy, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Hương Sơn giảm mạnh. Năm 2021, toàn huyện Hương Sơn có 1.896 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 5,4%), hộ cận nghèo là 2.494 (chiếm tỷ lệ 7,1%), cao hơn so với mặt bằng chung của tỉnh. Đến đầu năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo ở huyện Hương Sơn giảm xuống còn 1.178 hộ (chiếm 3,36%), hộ cận nghèo là 1.359 (chiếm 3,88%).
Huyện Hương Sơn phối hợp với Trung tâm Giao dịch việc làm Hà Tĩnh tổ chức tư vấn tuyển dụng tại xã An Hòa Thịnh năm 2024
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực nhưng theo Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Hương Sơn Lê Đình Phước, công tác đào tạo nghề GQVL vẫn còn một số tồn tại hạn chế như: công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện ở một số đơn vị, địa phương chưa đồng đều, việc tìm kiếm đơn vị (trường nghề) phối hợp đào tạo gặp không ít trở ngại. Trong khi đó, đối tượng đào tạo trong chương trình giảm nghèo bền vững phạm vi hẹp (nghèo, cận nghèo, thoát nghèo trong vòng 36 tháng) nên khó khăn trong việc tuyển sinh. Đặc biệt, trên địa bàn huyện chưa có nhiều doanh nghiệp lớn, phát triển hiệu quả nên việc giải quyết việc làm cho người lao động khó khăn. Thời gian tới, ngoài làm tốt công tác tuyên truyền về vai trò của đào tạo nghề, các xã, thị trấn cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Đồng thời, mở rộng thị trường lao động để người dân được tiếp cận, lựa chọn ngành nghề và tham gia học nghề phù hợp.
LĐH, Phòng BTXH, nguồn: https://baohatinh.vn/