Tháng 11/2023, chị Vũ Thị Hạnh, hộ cận nghèo ở thôn Đông Tân (xã Tân Lâm Hương) được tham gia lớp đào tạo nghề nuôi gà do UBND xã với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện tổ chức. Lớp học có 35 học viên là các đối tượng thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn.
Tham gia khóa học, chị Hạnh biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi gà.Trong thời gian hơn 2 tháng đào tạo, chị Hạnh và các học viên của lớp được trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chăn nuôi gà ở quy mô vừa và nhỏ tại hộ gia đình như: cách lựa chọn con giống, thức ăn, kỹ thuật chăm sóc gà theo từng giai đoạn sinh trưởng và phát triển; cách nhận biết và phương pháp lựa chọn các loại thuốc thường dùng để phòng và điều trị một số loại bệnh, dịch thường gặp trong quá trình nuôi...
Chị Hạnh chia sẻ: “Trước đến nay, gia đình tôi cũng chăn nuôi gà nhưng chủ yếu dựa theo kinh nghiệm, không được học tập bài bản. Từ khi tham gia khoá học, tôi biết cách áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc chăn nuôi gà thịt, gà đẻ trứng, biết cách phòng, tránh dịch bệnh cho gà… Nhờ đó, việc chăm sóc đúng quy trình, gà phát triển đảm bảo trọng lượng, chất lượng, góp phần tăng thêm thu nhập. Từ đầu năm 2024 đến nay, gia đình tôi đã xuất chuồng được 2 lứa gà thịt, ngoài ra bán gà giống hơn 100 con”.
Ngoài xuất bán gà thịt, chị Hạnh còn bán gà giống cho thu nhập ổn định.
Gia đình hộ nghèo, ngoài mấy sào ruộng, chị Lê Thị Hường, thôn Đông Châu (xã Thạch Ngọc) thường nhận thêm một số công việc bán thời gian để kiếm thêm thu nhập như phụ hồ, dọn nhà… Giữa năm 2023, UBND xã Thạch Ngọc phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Thạch Hà tổ chức lớp học nghề “Kỹ thuật chế biến món ăn và dịch vụ nhà hàng” cho các học viên là hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn tham gia.
Chị Hường là một trong những học viên lớp học. Trong thời gian 3 tháng, chị Hường được học kỹ năng cơ bản trong chế biến, trình bày món ăn và được cấp chứng chỉ “Kỹ thuật chế biến món ăn và dịch vụ nhà hàng”.
Chị Hường (người mặc áo hồng) được học kỹ năng cơ bản trong chế biến, trình bày món ăn khi tham gia lớp đào tạo nghề.
Chị Hường chia sẻ: “Sau khi hoàn thành lớp học có chứng chỉ, tôi có nhiều việc làm hơn từ việc đi nấu cỗ phục vụ các đám cưới hỏi, ma chay; ngoài ra, còn làm thời vụ ở các nhà hàng để tăng thêm thu nhập. Hiện nay, để chủ động hơn, tôi bàn bạc cùng các chị em trong thôn thành lập tổ dịch vụ nấu ăn. Tổ hiện có 6 người, đơn hàng thường xuyên nên ai cũng có thêm thu nhập”.
Theo thông tin từ cán bộ chính sách xã Thạch Ngọc, trong năm 2023, xã đã mở 2 lớp dạy nghề “Kỹ thuật chế biến món ăn và dịch vụ nhà hàng” cho 70 người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn tham gia. Sau khi học, hơn 70% học viên đều có việc làm ổn định như làm ở bếp ăn trường mầm non, thành lập tổ hội nấu ăn, làm ở các nhà hàng…
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà và Trung tâm GDNN – GDTX huyện Thạch Hà trao chứng chỉ nghề kỹ thuật chế biến món ăn và dịch vụ nhà hàng cho các học viên.
Không chỉ ở Thạch Ngọc, Tân Lâm Hương, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Thạch Hà, người dân đều hưởng ứng và tích cực tham gia các lớp học nghề ngắn hạn. Được biết, trong năm 2023, toàn huyện Thạch Hà đã mở 13 lớp đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí cho hơn 455 đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo và lao động nông thôn tham gia.
Từ đầu năm 2024 đến nay, huyện Thạch Hà đã mở được 6 lớp đào tạo nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn, trong đó có 2 lớp học nghề ngắn hạn (chăn nuôi lợn tại xã Thạch Thắng, chăn nuôi gà tại xã Thạch Sơn) cho người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và thoát nghèo.
Khai giảng lớp học nghề chăn nuôi lợn ở xã Thạch Thắng tháng 8/2024.
Ông Nguyễn Trọng Thành - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Thạch Hà cho biết: “Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, thời gian qua, Phòng LĐ-TBXH huyện Thạch Hà đã phối hợp với Trung tâm GDNN - GDTX huyện và các địa phương tổ chức nhiều lớp dạy nghề, tạo việc làm cho các hộ nghèo, cận nghèo rất hiệu quả. Theo khảo sát, sau khi tham gia các lớp đào tạo nghề, tỷ lệ học viên có việc làm sau đào tạo đạt trên 70%. Trong đó, nghề nấu ăn, chăn nuôi gà được nhiều người dân tham gia”.
"Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khảo sát nhu cầu của người dân, nhất là hộ nghèo, hộ cận nghèo về đào tạo nghề để triển khai hiệu quả công tác dạy nghề. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả các chương trình, nguồn vốn, dự án hỗ trợ để người lao động có cơ hội phát triển kinh tế, tạo việc làm tại chỗ, từng bước giảm nghèo bền vững. Trước mắt, trong năm 2024, sẽ phấn đấu hoàn thành kế hoạch mở 9 lớp đào tạo nghề ngắn hạn miễn phí cho gần 315 lao động nông thôn trên địa bàn" - ông Thành chia sẻ.
LĐH-Phòng BTXH - Nguồn: https://baohatinh.vn.