Với nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, đến nay, nhiều người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển ở Hà Tĩnh đã được đào tạo nghề, ổn định đời sống.
Chính sách hỗ trợ đóng tàu vỏ thép giúp nhiều ngư dân Hà Tĩnh đổi mới phương thức đánh bắt từ lộng ra khơi
Thực hiện Quyết định 12/QĐ-TTg ngày 6/1/2017 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 160/KH-UBND, ngày 15/5/2017 về triển khai thực hiện các chính sách khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển. Theo đó, sẽ hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề cho hơn 12.442 người; trong đó, đào tạo nghề trình độ sơ cấp và dạy nghề ngắn hạn 9.387 người; trung cấp nghề 2.226 người; cao đẳng 826 người. Các ngành nghề được đào tạo bao gồm: Vận hành tàu thuyền và kỹ thuật đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản, chăn nuôi, thú y, trồng trọt, cơ khí, may mặc, sửa chữa điện và điện tử, giao thông, xây dựng, các dịch vụ nhà hàng, khách sạn...
Vừa tốt nghiệp khóa học nghề lái xe ô tô do Trường Trung cấp nghề Hà Tĩnh tổ chức, anh Phan Hữu Ánh (xã Thạch Kim, Lộc Hà) phấn khởi: “Trước đây, tôi cùng gia đình làm nghề thu mua hải sản. Do ảnh hưởng sự cố môi trường biển, cuộc sống gia đình gặp không ít khó khăn. Được hỗ trợ học nghề, tôi đã đăng ký học nghề lái xe. Sau khi tốt nghiệp, tôi vay mượn thêm tiền để mua xe tải vận chuyển hải sản đi bán. Từ ngày có nghề mới, có xe ô tô, công việc thuận lợi, thu nhập dần ổn định”.
Sau khi tham gia lớp kỹ thuật chế biến món ăn, chị Trần Thị Vân đã chế biến được thêm nhiều món ăn mới với các hình thức đa dạng hơn.
Mặc dù không tham gia các lớp học nghề nhưng ông Nguyễn Hồng Tin - chủ nhà hàng Khánh Linh (xã Thạch Kim) cũng được… hưởng lợi. Từ khi có chủ trương Trường Trung cấp nghề phối hợp với xã Thạch Kim tổ chức lớp học nghề kỹ thuật chế biến món ăn, ông Tin đã động viên tất cả nhân viên làm việc ở nhà hàng đi học để nâng cao tay nghề.
“Sau khi nhân viên nhà hàng được đào tạo nghề bài bản, năng suất và hiệu quả công việc tăng lên rõ rệt. Nhiều khách hàng rất hài lòng về cung cách phục vụ chuyên nghiệp hơn, trình bày món ăn tinh tế, đẹp và hấp dẫn” - ông Tin chia sẻ.
Hơn 10 năm làm đầu bếp ở nhà hàng của ông Tin nhưng chị Trần Thị Vân chỉ làm theo thói quen mà chưa qua trường lớp đào tạo nào về kỹ thuật chế biến món ăn. Chị Vân cho biết: “Được hỗ trợ miễn phí học nghề chế biến món ăn, tôi được trang bị kiến thức chuyên môn về kinh doanh ăn uống, chế biến các món ăn mới với các hình thức đa dạng. Điều này đã giúp tôi nâng cao tay nghề, công việc có nhiều thuận lợi”.
Thời gian qua, công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân bị ảnh hưởng do sự cố môi trường biển trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Theo ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Việc làm – An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH), tính đến nay, toàn tỉnh đã tổ chức được 85 lớp với 2.777 người tham gia. Trong đó, có khoảng 70% người được đào tạo đã nâng cao tay nghề, chuyển đổi nghề và có thu nhập ổn định.
“Trong thời gian tới, ngành tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, đảm bảo chất lượng dạy nghề; tổ chức các hội nghị tư vấn, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động tại các địa phương bị ảnh hưởng sự cố môi trường biển để người dân nâng cao nhận thức, tiếp cận tốt các chính sách của Nhà nước” - ông Dũng cho biết.