Để đáp ứng nguồn nhân lực cho phát triển KT-XH, Hà Tĩnh đặt mục tiêu sẽ đào tạo nghề cho trên 87.900 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% năm 2025.
Lao động làm việc tại Nhà máy Sản xuất Pin VinES (KKT Vũng Áng)
Hà Tĩnh hiện có gần 691.000 lao động đang tham gia hoạt động kinh tế trên địa bàn tỉnh, khoảng 200.000 lao động đang sinh sống, làm việc ở ngoài tỉnh và nước ngoài. Chất lượng lao động Hà Tĩnh được cải thiện và nâng cao qua các năm.
Năm 2022, lao động qua đào tạo đạt 74%; cơ cấu lao động có sự chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ lệ lao động lĩnh vực nông, lâm nghiệp, tăng tỷ lệ lao động lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ - du lịch.
Những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và các văn bản chỉ đạo, điều hành về phát triển nguồn nhân lực, sử dụng, thu hút, đãi ngộ nhân lực trên địa bàn.
Đặc biệt, đã cụ thể hóa thực hiện đồng bộ việc hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động. Người học được quan tâm hỗ trợ các điều kiện học tập, đội ngũ giáo viên dạy nghề được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và hỗ trợ kinh phí, cơ sở đào tạo nghề được đầu tư nâng cấp hạ tầng phục vụ tốt hơn cho công tác dạy nghề.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Hồng Lĩnh trao chứng nhận của Sở LĐ-TB&XH cho 42 nhà giáo giáo dục nghề nghiệp xuất sắc, tiêu biểu năm 2022.
Tỉnh cũng đã rà soát, sắp xếp, kiện toàn mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) trên địa bàn theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Hiện toàn tỉnh có 21 cơ sở GDNN; trong đó có 4 trường cao đẳng, 3 trường trung cấp, 2 trung tâm GDNN, 10 trung tâm GDNN-GDTX cấp huyện, 1 cơ sở có tham gia hoạt động GDNN, 1 phân hiệu Trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại (trực thuộc Bộ Công thương).
Giai đoạn 2017 - 2022, các cơ sở GDNN trên địa bàn tỉnh đã tuyển sinh, đào tạo hơn 88.000 học viên, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có bằng, chứng chỉ nghề phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và đào tạo nguồn nhân lực cho các công trình, dự án đầu tư trên địa bàn.
Giờ thực hành của sinh viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt - Đức Hà Tĩnh
Tiến sỹ Cao Thành Lê – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Việt – Đức Hà Tĩnh cho biết: “Trường hiện đang đào tạo 43 ngành nghề ở các trình độ: cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và thực hiện 4 chương trình đào tạo hợp tác quốc tế. Ngoài việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhà trường đã chú trọng đổi mới phương pháp đào tạo, như: xây dựng chương trình giáo án tại giảng đường phù hợp với thực tiễn; lấy người học làm trung tâm - sau khi học xong sinh viên có thể trình bày, hiểu được lợi ích của quy trình 5S (sàng lọc, sắp xếp, sạch sẽ, săn sóc, sẵn sàng) với hoạt động của doanh nghiệp và nhà trường, vận dụng được vào môi trường học tập và làm việc thực tế.
Đặc biệt, chúng tôi cũng đã liên kết với doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để đào tạo cho sinh viên những nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu. Với hình thức này, trong quá trình học, người học được thực tập, cọ xát nhằm nâng cao tay nghề”.
Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm để kết nối doanh nghiệp với người lao động
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương – Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Tĩnh cho biết: “Với vai trò là cầu nối giữa doanh nghiệp với người lao động, hằng năm, trung tâm tổ chức gần 90 phiên giao dịch việc làm thu hút trên 20.000 lượt lao động, với hàng trăm lượt doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tham gia tuyển dụng.
Qua các phiên giao dịch, theo đánh giá của doanh nghiệp tuyển dụng, chất lượng lao động Hà Tĩnh đáp ứng phần lớn nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp; lao động đã qua đào đạo, đặc biệt các ngành nghề lĩnh vực kỹ thuật như: hàn, cơ khí, công nghệ ô tô, điện dân dụng… đều có chuyên môn, kỹ năng tốt; thái độ, tác phong làm việc trách nhiệm với công việc”.
Giai đoạn 2021-2025, Hà Tĩnh đặt mục tiêu đào tạo nghề cho trên 87.900 người trong đó cao đẳng 7.150 người, trung cấp 23.400 người, sơ cấp 57.350 người; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 80% năm 2025; tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên đang học các chương trình đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng và đại học đạt 85%.
Để đáp ứng mục tiêu trên, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 403/KH-UBND ngày 17/9/2021 về Thực hiện công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn giai đoạn 2021-2025, trong đó tập trung xây dựng mạng lưới GDNN theo hướng mở, linh hoạt, nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo gắn với giải quyết việc làm; tiếp tục quan tâm tập trung đầu tư, phát triển đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo nghề; phát triển, chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý; phân luồng hướng nghiệp; phát triển chương trình đào tạo, giáo trình học liệu; mở rộng ngành nghề đào tạo; kiểm soát chất lượng trong quá trình đào tạo và sau đào tạo.
“Sở LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, thực hiện chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với người lao động; triển khai kịp thời chính sách của Trung ương và nguồn kinh phí ngân sách đầu tư đổi mới trang thiết bị dạy nghề, đào tạo nghề theo đơn đặt hàng.
Đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở GDNN đổi mới chương trình đào tạo; xây dựng chuẩn đầu ra về kỹ năng nghề và ngoại ngữ, các ngành, nghề đào tạo tại các cơ sở GDNN; triển khai hệ thống tự kiểm định các cơ sở GDNN; chủ trì, phối hợp với Sở KH&ĐT, Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh và các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh kế hoạch đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh.
Ông Đặng Văn Dũng – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH”