Hội LHPN Hà Tĩnh là một tổ chức chính trị - xã hội, thực hiện chức năng đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng cho các tầng lớp phụ nữ, 10 năm qua, Hội không ngừng phát huy vai trò nòng cốt, cùng các cấp, ngành thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới, từng bước tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên, khẳng định mình.
Là thành viên của Ban VSTBCPN tỉnh, Hội đã tích cực cùng Ban VSTBCPN tỉnh tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch về bình đẳng giới, chủ trì và phối hợp tổ chức tuyên truyền, thực hiện Luật bình đẳng giới; Chương trình hành động thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới Hà Tĩnh giai đoạn 2011- 2020 và các chủ trưởng, chính sách, luật pháp liên quan đến cán bộ các cấp, các ngành, địa phương, phụ nữ và nhân dân trong toàn tỉnh. Nhận thức rõ tuyên truyền là một trong những yếu tố quan trọng để đưa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đi vào cuộc sống, thời gian qua, Hội đã chủ trì và tích cực phối hợp với các ban, ngành liên quan đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục về bình đẳng giới với nhiều hình thức phong phú, thiết thực và đã đạt được một số kết quả như sau: Thứ nhất: Tổ chức hội nghị quán triệt cho đội ngũ cán bộ Hội chủ chốt. Ngay sau khi Luật Bình đẳng giới và các chính sách liên quan đến bình đẳng giới được ban hành, Hội LHPN tỉnh tổ chức hội nghị quán triệt trong toàn thể đội ngũ ban chấp hành, tuyên truyền đến 100% cán bộ Hội cốt cán trong toàn tỉnh; thực hiện lồng ghép các mục tiêu bình đẳng giới trong việc xây dựng nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp, trong các chương trình, đề án, dự án của các cấp Hội; trong phát động phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm. Bên cạnh đó là đổi mới công tác tuyên truyền về nội dung và hình thức, phù hợp với từng vùng miền và đối tượng như: hội thảo, tập huấn, hội thi, chia sẻ kinh nghiệm, thành lập các loại hình câu lạc bộ bình đẳng giới, tổ chức nói chuyện chuyên đề cho cán bộ và hội viên nhân các ngày lễ, tổ chức hội thi, hái hoa dân chủ, lồng ghép vào các sinh hoạt câu lạc bộ... Nhiều diễn đàn hoạt động văn hóa, giao lưu như: “Nghệ thuật giữ gìn hạnh phúc gia đình”; “Sinh con một bề là gái”, “Vai trò của người phụ nữ và gia đình trong việc quản lý con em phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội” được tổ chức tại các cấp Hội thu hút đông đảo hội viên phụ nữ và người dân tham gia.
Hội LHPN huyện ĐỨc Thọ nói chuyện chuyên đề xây dựng gia đình hạnh phúc tại xã Đức Lạc
Thứ hai: Bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên các cấp. Để làm tốt công tác tuyên truyền, Hội xác định phải có đội ngũ cán bộ có đủ trình độ, kiến thức, năng lực để truyền tải các nội dung về Luật Bình đẳng giới và các vấn đề liên quan đến công tác bình đẳng giới. Hội đã tích cực phối hợp với Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, các ban, ngành, đoàn thể liên quan từ trung ương đến địa phương và tranh thủ các chương trình, dự án của các tổ chức phi chính phủ để tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giảng viên nguồn (TOT) cho đội ngũ cốt cán Hội LHPN tỉnh, huyện và các ngành. Bên cạnh đó, Hội đã tích cực phối hợp với các cơ quan chuyên môn như: Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát, Hội Luật gia, Công an tỉnh kí kết chương trình phối hợp, thành lập đội tuyên truyền liên ngành, xây dựng tủ sách pháp luật, pa nô, tờ rơi liên quan đến công tác bình đẳng giới, tổ chức các hoạt động tuyên truyền. Kết quả: trong 10 năm, Hội đã phối hợp tổ chức được 945 đợt tập huấn hỗ trợ và 640 cuộc hội thảo nâng cao nhận thức về giới cho hơn 20.000 lượt cán bộ lãnh đạo là thành viên Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh, huyện, thị, thành phố và cơ sở trong toàn tỉnh và đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên của Hội LHPN tỉnh; tổ chức gần 4.250 đợt tuyên truyền đến toàn thể hội viên, phụ nữ và nhân dân trong toàn tỉnh. Thứ ba: Tăng cường phối hợp với các cơ quan truyền thông và thông qua website của Hội xây dựng chuyên trang, chuyên mục, đăng tải tin, bài, nêu các gương tiêu biểu, điển hình trong thực hiện công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nhằm động viên và tạo sức lan tỏa trong cộng đồng xã hội. Hàng năm, có trên 100 tin, bài, phóng sự liên quan đến bình đẳng giới được đăng tải. Riêng Báo Hà Tĩnh, ngoài các tin bài về hoạt động của các cấp Hội phụ nữ trong toàn tỉnh được đăng tải hằng ngày, còn có chuyên trang “Phụ nữ và Phát triển” phát hành 2 lần/tháng; Đài PT-TH tỉnh có chuyên trang “Phụ nữ và Cuộc sống” phát sóng 4 lần/tháng. Đặc biệt, các hoạt động tuyên truyền về Luật Bình đẳng giới, chính sách liên quan được đẩy mạnh thực hiện qua các kỳ bầu cử Quốc hội, HĐND các cấp, các kỳ đại hội Đảng…
Hội LHPN Nghi Xuân phối hợp với Ban VSTBPN huyện tổ chức nói chuyện chuyên đề
Thứ tư: Xây dựng và nhân rộng các mô hình về bình đẳng giới. Để các chủ trương, chính sách về bình đẳng giới được tuyền truyền rộng rãi, hiệu quả, Hội LHPN Hà Tĩnh đặt ra yêu cầu phải có sự tham gia của 2 giới. Từ đó, các cấp Hội đã thành lập các mô hình, câu lạc bộ như: “Bình đẳng giới”, “Không sinh con thứ 3”,“Gia đình hạnh phúc”...thu hút các cặp vợ chồng cùng tham gia. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 700 CLB hoạt động trong lĩnh vực bình đẳng giới thu hút hơn 18.000 cặp vợ chồng tham gia. Các CLB hoạt động rất đều đặn, tích cực và hiệu quả. Thông qua các cuộc sinh hoạt với những nội dung, hình thức phong phú, phù hợp đã giúp người dân, cộng đồng nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và thức chấp hành pháp luật về bình đẳng giới. Từ đó, vợ chồng, con cái yêu thương, chia sẻ với nhau, cùng nhau xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, 10 năm qua, việc thực hiện về Luật Bình đẳng giới đã có những chuyển biến tích cực. Điều đó được thể hiện qua việc, bạo lực gia đình ngày càng giảm, việc phân biệt giới tính không còn nhiều khắt khe; những quan niệm về định kiến giới ngày càng được cải thiện; các cấp, ngành khi ban hành chủ trương, kế hoạch, chính sách đã tính đến yếu tố giới; cấp ủy, chính quyền các cấp đã quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, luân chuyển, đề bạt cán bộ nữ. Từ đó, tạo điều kiện cho phụ nữ vươn lên, khẳng định vai trò, vị trí của mình trong gia đình, cộng đồng và ngoài xã hội, đóng góp sức mình vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, của tỉnh. Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác tuyên truyền, giáo dục bình đẳng giới thời gian qua vẫ̃n còn những khó khăn, hạn chế như: chưa được triển khai thường xuyên; quá trình tổ chức thời gian đầu làm khá tốt nhưng sau đó chủ yếu tuyên truyền lồng ghép; một số Hội cơ sở chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm của tổ chức trong việc chủ động tham mưu, tuyên truyền, phổ biến Luật Bình đẳng giới, do vậy hiệu quả chưa bền vững… Để góp phần thực hiện tốt hơn các chính sách về bình đẳng giới, thời gian tới, Hội LHPN Hà Tĩnh tiếp tục đổi mới hình thức tuyên truyền, giáo dục; nâng cao chất lượng đội ngũ báo cáo viên các cấp; xây dựng, nhân rộng các mô hình về bình đẳng giới; tích cực, chủ động tham mưu cho cấp ủy Đảng chính quyền lồng ghép yếu tố giới trong xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo tinh thần Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị và Nghị định 56 của Chính phủ về tạo điều kiện cho hội LHPN các cấp tham gia quản lý nhà nước