Ngày 20.7 tại Thái Nguyên, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội thảo Đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) lần thứ tư.
Hội thảo nhằm làm rõ những vấn đề mới và thách thức của dạy nghề cho lao động nông thôn hiện nay; đề xuất phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp nhằm đẩy mạnh nhiệm vụ dạy nghề cho lao động nông thôn trong bối cảnh mới, giai đoạn từ nay đến năm 2030. Kết quả Hội thảo góp phần tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW, ngày 5.11.2012 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dạy nghề cho lao động nông thôn”.
Hội thảo có sự tham gia của Phó Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, Bí Thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải cùng đại diện từ các Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Ủy ban Dân tộc, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, lãnh đạo các địa phương trên cả nươc…
Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng chia sẻ, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã có nhiều thành tựu giúp cho kinh tế nông thôn ngày một đi lên và là yếu tố quan trọng giúp các địa phương hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia; Tạo việc làm và nâng cao chất lượng việc làm cho người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Nghị quyết số 26-NQ/TW và Nghị quyết số 24/NQ-CP ra đời với loạt mục tiêu nhằm phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn một cách bền vững, tạo một bước chuyển biến mạnh mẽ trong đời sống vật chất, tinh thần của dân cư nông thôn.
Trong đó, một trong những mục tiêu quan trọng là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nông thôn, nông dân được đào tạo có trình độ sản xuất ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực, có đủ bản lĩnh chính trị và đóng vai trò làm chủ nông thôn mới, đồng thời giải quyết việc làm, chuyển một bộ phận lao động nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.
Để đạt được mục tiêu đề ra, các nghị quyết đã chỉ rõ “phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn” là nhiệm vụ quan trọng.
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đang gặp nhiều thách thức trước sự thay đổi của cách mạng công nghiệp lần thứ 4, biến đổi khí hậu cũng như sự thay đổi về nhu cầu việc làm, tuyển dụng sau đại dịch Covid-19. Trước khó khăn đó, Hội thảo hôm nay rất có ý nghĩa về lý luận và thực tiễn để góp phần quan trọng gắn kết công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn với cuộc CMCN lần thứ 4, một cuộc cách mạng diễn ra với tốc độ rất nhanh, với hình thể và sự giao thoa của nhiều công nghệ mang tính đột phá, tác động sâu sắc toàn diện tới đời sống xã hội và con người.
Toàn cảnh hội thảo
Tiếp nối ý kiến của Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bí thư tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải đã chia sẻ một số kinh nghiệm của địa phương trong công tác này. Theo đó, Thái Nguyên luôn chú trọng trang bị kiến thức về công nghệ thông tin cho người lao động, đặc biệt phổ biến và chỉ đạo tới các doanh nghiệp chú ý tới phổ cập công nghệ tới người lao động để có sự tương tác trong tiếp cận cơ hội việc làm và tuyển dụng việc làm.
Bí thư tỉnh ủy tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải phát biểu tại hội thảo
Thứ hai, lao động trong nông thôn của Thái Nguyên chiếm tới 70%, Thái Nguyên luôn cố gắng trang bị kiến thức chuyển đổi số để giúp những lao động, hộ kinh doanh này tiếp cận các trang thương mại điện tử, để người dân có thể buôn bán, tìm kiếm khách hàng. Sản phẩm chè, hoa quả của Thái Nguyên đã ứng dụng chuyển đổi số rất mạnh để phát triển thị trường, những sản phẩm này đã có được chỗ đứng trên thị trường cả ở trong nước và quốc tế.
Thứ 3, Thái Nguyên đã tận dụng thế mạnh là trung tâm vùng về giáo dục đào tạo, các doanh nghiệp tuyển dụng ưu tiên các lao động được đào tạo và là người Thái Nguyên. Chính vì cách làm đó, Thái Nguyên đã thu hút được rất nhiều học sinh sau khi tốt nghiệp THPT tham gia học nghề, tạo được nền tảng vững chắc cho thị trường lao động của tỉnh cả về chất và lượng.
Thái Nguyên cam kết sẽ thúc đẩy và đồng hành cùng công tác này bởi việc phát triển kỹ năng nghề cho lao động nông thôn được xem là yếu tố sống còn của địa phương khi có tới hơn 70% dân số của tỉnh là ở nông Thôn, việc nâng cao năng lực chính là nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, góp phần vào mục tiêu giảm nghèo bền vững, chuyển đổi cơ cấu việc làm từ nông nghiệp sang công nghiệp, thương mại, dịch vụ đáp ứng tối đa yêu cầu của nền kinh tế hội nhập, đa dạng và linh hoạt.
Hội thảo cũng được lắng nghe nhiều tham luận của nhiều chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực lao động và các địa phương về chiến lược và các kiến nghị để phát triển đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ phát biểu kết luận hội thảo
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Phùng Xuân Nhạ đánh giá cao những đóng góp của các chuyên gia, lãnh đạo đầu ngành trong các đóng góp đầy tâm huyết. Hội thảo đã đề xuất được nhiều giải pháp sáng tạo, khả thi đổi mới công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn trước tác động của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trong đó, hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn, trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn là những giải pháp quan trọng, khả thi trong thời gian tới.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, tiếp tục phối hợp với Bộ Lao động, Thương Bình và Xã hội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, các ban, bộ, ngành có liên quan, các địa phương phát huy các kết quả của Hội thảo này trong triển khai Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 19-CT/TW của Ban Bí thư với mục tiêu ban hành được Chỉ thị (Kết luận) mới trong thời gian tới.