Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 20/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội (LĐTBXH) Đào Ngọc Dung giải trình, làm rõ 4 nội dung được đại biểu Quốc hội nêu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành nội dung phiên họp
Tham gia thảo luận, đại biểu Đỗ Thị Lan (đoàn Quảng Ninh) quan tâm đến công tác hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giảm thiểu thiếu hụt về chiều nghèo về nhà ở đạt rất thấp, còn phải thực hiện hỗ trợ nhà ở cho người nghèo. Từ đó, đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ LĐTBXH, Bộ Xây dựng, Bộ KH&ĐT và các bộ có liên quan cũng cần có những giải pháp cụ thể, để giải quyết các kiến nghị của cử tri, thực hiện tốt chương trình giảm nghèo bền vững.
Làm rõ thêm vấn đề nhà ở cho người nghèo, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong chương trình giảm nghèo đa chiều nhiệm kỳ này, bố trí 4.000 tỷ để tập trung giải quyết trên 100.000 căn nhà người nghèo ở 74 huyện nghèo.
Lý giải vì sao lại “chậm”, Bộ trưởng cho biết: “Đến đầu năm 2023, Bộ Tài chính cùng với chúng tôi mới thống nhất được các phương án, do đó thực chất là bắt đầu đến năm 2023 mới phân bổ được vốn này”. Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ LĐTBXH đang bàn với Bộ Tài chính cùng thống nhất để trình Quốc hội, “phấn đấu làm sao trên 100.000 căn nhà này sẽ giải quyết trong nhiệm kỳ này cho trọn vẹn”.
Bộ trưởng nêu rõ thêm, tâm lý người Việt, khi làm nhà còn rất nhiều vấn đề, như người dân hay chọn vào cuối năm và chọn tuổi, v.v. do đó cũng phải kiên trì, nhưng tinh thần sẽ hỗ trợ làm sao để kịp vấn đề này. Tuy nhiên, vốn này hỗ trợ trực tiếp, do đó theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đạt được mục tiêu trên là có thể khả thi.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng thông tin, toàn quốc hiện nay còn khoảng trên 400.000 căn nhà của người có khó khăn ở các địa bàn khác, Thủ tướng Chính phủ trong Hội đồng thi đua khen thưởng đã đồng ý và thống nhất giao cho Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng với Chính phủ phát động phong trào thi đua "Cả nước chung tay cùng người nghèo" để xóa nhà tạm.
Cùng với đó, tại Hội nghị Trung ương 8 vừa rồi, Trung ương cũng thống nhất là trong nhiệm kỳ này, từ nay đến năm 2030 chúng ta triển khai xây dựng 1 triệu căn hộ cho công nhân, người lao động, ký túc xá, v.v. đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân
Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung
Quan tâm đến vấn đề trợ cấp xã hội, tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Thông (đoàn Bình Thuận) kiến nghị xem xét giảm tuổi hưởng trợ cấp xã hội cho người cao tuổi thuộc đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi trên địa bàn của cả nước.
Giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, độ tuổi hưởng bảo trợ xã hội đã được quy định tại Luật Người cao tuổi…
“Theo đó, trong Luật này quy định 80 tuổi mới được hưởng bảo trợ xã hội. Vừa qua đại biểu cũng nêu, chúng tôi đều có trả lời một câu là "ghi nhận". Bởi vì luật quy định như thế, nên Bộ cũng không có quyền, nhưng với tinh thần đó, trong lúc chưa sửa được Luật Người cao tuổi, chúng tôi đã chủ động báo cáo với Thường vụ, báo cáo với Chính phủ và chuyển nội dung này sang Luật Bảo hiểm xã hội”, Lãnh đạo Bộ LĐTBXH nhấn mạnh.
Bộ trưởng nêu rõ thêm, trước mắt là hạ từ 80 tuổi xuống 75 tuổi và đưa vào tầng bảo hiểm hưu trí xã hội. “Hiện nay Quốc hội đang xem xét, như vậy chúng tôi đã hoàn thành được lời hứa của mình, còn việc quyết định cuối cùng là do Quốc hội”, Bộ trưởng trả lời quan tâm của đại biểu.
Rà soát hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng
Liên quan đến việc thực hiện chế độ chính sách người có công, tham gia thảo luận tại hội trường, đại biểu Lý Tiết Hạnh (đoàn Bình Định) đánh giá cao sự nỗ lực rất lớn của Bộ LĐTBXH. Theo đại biểu, trong cả nước, ngành LĐTBXH cũng đã thực hiện việc tổng điều tra, rà soát trong lĩnh vực chính sách đối với người có công nhiều lần. Tuy nhiên, qua tiếp xúc cử tri, đại biểu trăn trở, cái khó hiện nay là những vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ cũng rất lớn, và rất khó, do nhiều trường hợp không giữ được hồ sơ gốc, các giấy tờ liên quan đau ốm, bệnh tật...
Về vấn đề tồn đọng hồ sơ người có công, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nêu, từ năm 2018, Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết về vấn đề này và Chính phủ có 3 Nghị quyết chuyên đề, giao cho Bộ trưởng Bộ LĐTBXH ban hành quyết định cá biệt để tập trung giải quyết hồ sơ người có công tồn đọng.
Trải qua 7 năm, Bộ đã rà soát hơn 7.000 hồ sơ tồn đọng qua tất cả các thời kì ở các địa phương, Bộ, ngành.
Từ số lượng hồ sơ tồn đọng trên, đã xác nhận hơn 2.600 trường hợp liệt sĩ, chủ yếu trong kháng chiến chống Pháp. Người hi sinh lâu năm nhất là 93 năm đã được xác nhận liệt sĩ, được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao bằng Tổ quốc ghi công năm 2022. Bên cạnh đó, cũng xác định hơn 2.500 hồ sơ là thương binh và người hưởng chính sách thương binh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận vẫn còn tồn đọng một số hồ sơ người có công chưa được giải quyết, nhưng đó là những trường hợp có tính chất cá biệt như hồ sơ, người làm chứng không còn. Bộ đã cùng các ngành thành lập hội đồng để xem xét từng trường hợp.
Bộ trưởng nêu ví dụ, trường hợp liệt sĩ Đặng Thành Tuấn (Bình Định) không còn hồ sơ, Bộ LĐTBXH đã cùng với các cơ quan của tỉnh Bình Định tiến hành rà soát lại gần 1 năm mới có thể xác nhận là liệt sĩ. "Những trường hợp này, Bộ sẽ phối hợp với địa phương, công an, quân đội và các ngành với phương châm còn một manh mối nào thì vẫn xác nhận. Tuy nhiên, việc xác nhận này vô cùng khó khăn bởi hồ sơ, người làm chứng không còn", Bộ trưởng trăn trở.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) quan tâm các kiến nghị của cử tri về lĩnh vực người có công
Cũng liên quan đến người có công, đại biểu Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị cần khẩn trương ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng. Đặc biệt trước những diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu, tình hình mưa, bão, lũ diễn biến phức tạp.
Giải trình, làm rõ vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, về chính sách nhà ở người có công, giai đoạn trước chúng ta đã triển khai chính sách hỗ trợ nhà ở người có công, ban đầu là 80.000 căn nhà, sau đó phát sinh lên 419.000, gần 500.000 căn nhà.
Quốc hội, Thường vụ Quốc hội và Chính phủ đã thực hiện đầy đủ giai đoạn 1. Hiện nay, giai đoạn hai theo chủ trương của Chính phủ và Quốc hội cho phép, Chính phủ đã giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì cùng với Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… Còn về phía trách nhiệm của Bộ LĐTBXH là thẩm định hồ sơ chứ không chủ trì trong đề án này
Thứ tư, về vấn đề bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng, Bộ trưởng cho biết, Chính phủ đã giao trực tiếp cho Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ LĐTBXH triển khai các phương án khác nhau.
Tuy nhiên, các vấn đề liên quan đến trẻ em trên môi trường mạng vẫn còn diễn biến phức tạp. Thời gian tới, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, các ngành với chức năng và nhiệm vụ được giao cụ thể ở "Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em" sẽ tiếp tục đẩy mạnh, tăng cường công tác thanh, kiểm tra, xử lý nếu có vi phạm.