Diễn văn phát động "Tháng hành động Vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới" của ông Nguyễn Trí Lạc, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban VSTBCPN tỉnh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Tĩnh.
Kính thưa: Quý vị đại biểu, Quí vị khách quý; Toàn thể Cán bộ công chức, viên chức và các em học sinh, sinh viên.
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và được sự nhất trí của UBND tỉnh, hôm nay Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh phối hợp với UBND thành phố Hà Tĩnh tổ chức Lễ phát động tháng cao điểm về thực hiện công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, đây là hoạt động khởi đầu trong chuổi các hoạt động nhằm đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động các cấp, ngành, các cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân và toàn xã hội chung tay xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; góp phần thực hiện thành công các mục tiêu, chỉ tiêu của Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 của tỉnh Hà Tĩnh, Luật bình đẳng giới, Luật phòng, chống bạo lực gia đình và các mục tiêu thiên niên niên kỹ. Kính thưa quý vị đại biểu! Thấm nhuần tư tưởng về bình đẳng giới, trong suốt quá trình cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm lãnh đạo công tác phụ nữ và thực hiện mục tiêu bình đẳng giới. Trong hệ thống pháp luật Việt Nam, quan điểm về bình đẳng giới đã được thể hiện ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước ta và được quán triệt nhất quán trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền, dân chủ nhân dân. Quan điểm đó tiếp tục được kế thừa phù hợp với xu thế phát triển của đất nước và thời đại qua các lần sửa đổi Hiến pháp năm 1959, 1980 và đặc biệt, trong Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, quan điểm này lại được khẳng định tại điều 63: “Công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”. Trên phương diện pháp lý quốc tế, vấn đề bảo vệ phụ nữ đã trở thành nội dung của nhiều công ước quốc tế từ đầu thế kỷ XX đến nay, Công ước của Liên Hợp Quốc về xóa bỏ tất cả các hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ, thúc đẩy quyền bình đẳng của phụ nữ trên các lĩnh vực chính trị - kinh tế - văn hóa-xã hội, được Chính phủ Việt Nam cam kết thực hiện đầy đủ, khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong việc cụ thể hoá và thực hiện các điều ước quốc tế bằng hệ thống văn bản pháp luật, Luật Bình đẳng, Luật phòng, chống bạo lực gia đình; Chiến lược Quốc gia và các chương trình, đề án về thực hiện bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ. Việt Nam thuộc vào nhóm quốc gia sớm tham gia công ước của Liên hiệp quốc và dược đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua và đạt được một số thành tựu về quyền năng của phụ nữ, hiện nay Việt Nam đã có 1 nữ Chủ tịch Quốc hội, 1 nữ Phó Chủ tịch nước, 3 nữ ủy viên Bộ Chính trị, 50% các bộ, ban ngành, cơ quan TW có nữ lãnh đạo chủ chốt. Đối với Hà Tỉnh công tác bình đẳng giới đã được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo; cấp ủy, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở tập trung cao và đã đạt được những thành tựu quan trọng, được trung ương đánh giá một trong những tỉnh thuộc tốp đầu của cả nước về thực hiện các chỉ tiêu, mục tiêu về bình đẳng giới. Giai đoạn 2001-2010, Hà Tĩnh đã có 25/27 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu của TW; giai đoạn 2011-2015 đã có 14/22 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của trung ương. Trong đó có nhiều nhóm chỉ tiêu về giáo dục, đào tạo, văn hóa thông tin, phụ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể, Hà Tĩnh luôn đạt cao hơn so với bình quân chung cả nước. Điều này được khẳng định qua các con số như: Tỷ lệ tham gia cấp ủy ở cấp cơ sở đạt 20,35%, cấp huyện 15,65% (cả nước tỷ lệ tham gia cấp ủy là 13,3%, tham gia ban thường vụ là 10,55%). Tỷ lệ nữ tham gia HĐND nhiệm kỳ 2016-2021, cấp xã: 27,84%; cấp huyện: 27,80%, cấp tỉnh: 25,45%. Hiện nay, chúng ta có 02 đồng chí nữ Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; 19 nữ Ủy viên Ban Thường vụ cấp huyện; 98 nữ Ủy viên Ban Thường vụ cấp xã; Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc sở, ngành cấp tỉnh chiếm 14,5%, cấp huyện chiếm 13,8%; trưởng các đoàn thể chiếm 33%, phó đoàn thể chiếm 41%. Quy mô, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ ngày càng được tăng cường, đến nay nữ đã chiếm 53%, một số ngành như Giáo dục và Đào tạo nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động chiếm 78%, Y tế chiếm 67%. Trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo của đội ngũ nữ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao, đến nay có 6/29 nữ tiến sỹ (20,68%); 464/1.333 nữ thạc sỹ (35%); 24.205/43.975 nữ đại học (55%). Vai trò của Phụ nữ ngày nay không chỉ là trụ cột trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, mà còn giữ vai trò nòng cốt trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế, quản trị sản xuất kinh doanh. Đến nay, chúng ta đã có 787 nữ giám đốc doanh nghiệp, 46.500 nữ chủ hộ kinh doanh (tỷ lệ 85% tổng số hộ kinh doanh toàn tỉnh) và hơn 6.000 mô hình kinh tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới do phụ nữ làm chủ, trong đó có 2.520 mô hình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm. Cùng với việc dồn sức triển khai thực hiện quyết liệt các chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Chiến lược quốc gia bình đẳng giới; công tác đấu tranh, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới được các cấp, các ngành quan tâm; nhận thức của toàn xã hội về đầu tranh, phòng ngừa bạo lực gia đình, bạo lực giới từng bước nâng cao. Luật bình đẳng giới, Luật phòng chống bạo lực gia đình và Chương trình quốc gia về phòng chống bạo lực gia đình được triển khai sâu rộng; việc lồng ghép Luật hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, cuộc vận động xây dựng gia đình văn hóa, làng xã văn hóa, thôn văn hóa với công tác bình đẳng giới và các hoạt động phòng, chống bạo lực gia đình phát huy hiệu quả rõ nét.. Số vụ bạo lực trên cơ sở giới đã giảm từ 1.244 vụ năm 2011 xuống còn 308 vụ năm 2015, giảm 936 vụ (giảm 75% số vụ); 85% nạn nhân bị báo lực và người gây bạo lực được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ phòng ngừa, giáo dục chuyển đổi hành vi. Số gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa 293.960/369.108 gia đình (đạt 80%), thôn, xóm, khối phố văn hóa: 1.388/2140 (đạt 64,86%) Việc triển khai xây dựng các điểm tư vấn, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình, xây dựng địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ về phòng chống bạo lực gia đình đạt kết quả bước đầu khá quan trọng. Đến nay, chúng ta đã xây dựng được 850 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng; 430 Câu lạc bộ bình đẳng giới; 213 mô hình truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc; hình thành được đội ngũ cộng tác viên nghề công tác xã hội với 1.400 thành viên; Bình quân mỗi năm tổ chức trên 950 buổi sinh hoạt; hỗ trợ, giúp đỡ hàng trăm đối tượng là phụ nữ, trẻ em gái bị bạo lực; hàng năm các cấp hội phụ nữ, các tổ công đoàn cơ sở tổ chức hòa giải thành công cho trên 1.000 cặp vợ chồng có mâu thuẫn, xung đột, bạo lực. Tỷ lệ nạn nhân bạo lực gia đình được tư vấn về pháp lý và sức khỏe đạt trên 45%; 100% nạn nhân bị buôn bán ra nước ngoài trở về địa phương được Sở Lao động - TBXH, Hội LHPN tỉnh, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND các cấp tổ chức tiếp nhận, hỗ trợ ổn định cuộc sống, tái hoà nhập cộng đồng; hoạt động đấu tranh, phòng chống việc buôn bán, đưa phụ nữ và trẻ em trái phép ra nước ngoài được các ngành chức năng phối hợp xử lý kịp thời. Kính thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí! Mặc dù công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình trên cơ sở giới của cả nước nói chung và tỉnh ta nói riêng đã đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Tuy vậy, công tác bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ đang đặt ra nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết trong thời gian tới đó là: Mặc dù chúng ta đã có 14/22 chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu kế hoạch của trung ương, nhưng vẫn còn 08 chỉ tiêu chưa hoàn thành và thật sự nếu không có sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội thì sẽ khó có thể hoàn thành, nhất là chỉ tiêu về phụ nữ tham gia trong lĩnh vực chính trị, lãnh đạo quản lý, tham gia cấp ủy và vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang trở thành vấn đề đáng báo động. Vấn đề đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nữ khu vực nông thôn, vùng bị thu đất sản xuất, vùng tái định cư và học sinh, sinh viên nữ sau khi tốt nghiệp ra trường gặp nhiều khó khăn. Vấn đề bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình vẫn có nhiều nguy cơ tiềm ẩn, nhiều vụ bạo lực gia đình vi phạm đến quyền con người, danh dự, nhân phẩm và tính mạng của mỗi cá nhân, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái. Theo số liệu thống kê, năm 2010 cả nước đã xẩy 58.864 vụ bạo lực, bạo hành, đến năm 2015 số vụ bạo lực tuy có giảm, nhưng vẫn chiếm 40.000 vụ và con số thực tế sẽ cao hơn nhiều lần. Và ngay trên địa bàn địa bàn tỉnh ta, mỗi năm cũng có hàng trăm vụ bạo lực, bạo hành đối với phụ nữ, trẻ em gái. Trong đó nhiều vụ bạo lực, bạo hành, nhiều vụ hiếp dâm đã xẩy ra các án mạng đau lòng. Trong số vụ bạo lực liên quan đến phụ nữ và trẻ em gái chiếm từ 55-58% và hơn 58% phụ nữ đã từng là nạn nhân của bạo hành; số vụ bạo lực, bạo hành làm tổn hại về sức khỏe chiếm 76% số vụ; số vụ bạo hành về tinh thân chiếm 15%; nhiều vụ bạo hành, bạo lực đã để lại những vết thương suốt đời cho phụ nữ và trẻ em gái. Các vụ bạo lực, bạo hành không chỉ diễn ra ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, mà còn diễn ra trong đội ngũ cán bộ, công chức và kể cả đội ngũ trí thức Tác động của bạo lực giới, bao lực gia đình không chỉ giới hạn cấp độ cá nhân mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển kinh tế của đất nước. Tổng thiệt hại về kinh tế do bạo lực giới gây ra chiếm 1,41% GDP của cả nước; và làm suy giảm năng suất lao động hơn 1,8% GDP. Với tập quán văn hóa truyền thống " Đèn nhà ai nấy rạng, vợ chồng đóng cửa dạy nhau" vẫn chưa được xóa bỏ ở các làng quê, vùng quê. Vì vậy, nhiều người còn cho rằng việc tố cáo các hành vi ngược đãi, bạo hành trong gia đình là chuyện "vạch áo cho người xem lung". Không chỉ người dân mà ngay cả cán bộ chính quyền, đoàn thể cũng coi là “bạo lực gia đình là chuyện riêng của mỗi gia đình”. Vì vậy khi phát hiện bạo lực gia đình, cán bộ chính quyền, đoàn thể thường có xu hướng khuyên nạn nhân nhẫn nhịn và “tự giải quyết nội bộ” để cho yên cửa ấm nhà, giữ gìn hạnh phúc gia đình. Thưa quý vị đại biểu, thưa các đồng chí! Công tác bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới tuy đã đạt được nhiều kết quả phấn khởi nhưng vẫn còn nhiều vấn đề bức xúc cần được giải quyết đến năm 2020, về cơ bản, bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội, góp phần vào sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Để đạt được mục tiêu đó chúng ta cần thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo thực hiện thành công Chiến lược Quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2011 – 2020 của tỉnh Hà Tĩnh đã đề ra. Với chủ đề “Chung tay xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”, Ban VSTBCPN tỉnh đề nghị các cấp, các ngành và các tổ chức chính trị - xã hội sau Lễ phát động này, căn tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện "Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới lần thứ nhất – năm 2016" với tinh thần thiết thực, tiết kiệm và hiệu quả nhằm huy động sự tham gia mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và mọi người dân, đặc biệt là nam giới cho mục tiêu bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái trước những mối đe dọa của thực trạng bạo lực trên cơ sở giới; góp phần vào sự nghiệp chung của nhân loại xóa bỏ bất bình đẳng giới và chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; Chung tay xây dựng một xã hội không còn bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; ’’Bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái là vi phạm pháp luật”. Xin kính chúc quý vị đại biểu, các vị khách quý, toàn thể các em học sinh, sinh viên sức khoẻ, hạnh phúc và thành công. Xin trân trọng cảm ơn!