Việc Chính phủ Nhật Bản đồng ý tiếp nhận 10.000 điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc từ nay đến năm 2020 đang là tín hiệu vui với sinh viên, người lao động thuộc ngành điều dưỡng, hộ lý tại Hà Tĩnh
Chính phủ Nhật Bản đã đồng ý tiếp nhận 10.000 điều dưỡng viên Việt Nam sang làm việc từ nay đến năm 2020
Ngày 29/9/2017, Nhật Bản công bố chính thức quyết định bổ sung ngành nghề hộ lý vào danh mục các ngành nghề được thực tập kỹ năng 3 năm tại Nhật Bản. Để được sang Nhật, thực tập sinh phải tốt nghiệp khóa học điều dưỡng hoặc đã có chứng chỉ điều dưỡng tại Việt Nam, có kinh nghiệm làm việc ngành nghề hộ lý bao gồm cả việc chăm sóc, phục hồi chức năng tại các Trung tâm dưỡng lão hoặc tại nhà của người cao tuổi.
Ngoài ra, thực tập sinh phải đạt chứng chỉ tối thiểu N4 (kỳ thi năng lực tiếng Nhật JPLT) hoặc trên 350 điểm (kỳ thi cấp E-F của J.TEST) hoặc hơn 400 điểm (kỳ thi cấp A-D của J.TEST) hoặc cấp 4 (kỳ thi NAT-TEST) trở lên. Sau khi nhập cảnh, thực tập sinh phải tham gia khóa huấn luyện thêm các nội dung cơ bản của ngành hộ lý và ngoại ngữ chuyên ngành hộ lý.
Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTB&XH cho biết: “Đón đầu chủ trương này, Hà Tĩnh đã chuẩn bị về nguồn nhân lực. Sở LĐTB&XH, Sở Ngoại vụ và các địa phương đã tuyên truyền về chủ trương với các nội dung như: tổ chức đào tạo, hình thức, chi phí đào tạo, tiền lương… để học sinh, sinh viên, những người đã tốt nghiệp các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp Y ngành điều dưỡng chưa có việc làm được tiếp cận.
Ngoài ra, chúng tôi phối hợp với các trường THPT trong việc định hướng học sinh lựa chọn ngành nghề; gửi thông báo tới các bệnh viên, trung tâm Y tế trên địa bàn để những người có nhu cầu tham gia. Đây vừa là cơ hội nâng cao tay nghề, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao sau khi họ trở về nước”.
Năm học 2018 - 2019, trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh sẽ mở rộng quy mô đào tạo ngành điều dưỡng
Để cung ứng nguồn nhân lực chất lượng đi Nhật Bản, Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh đã xây dựng lộ trình, kế hoạch đào tạo.
Thầy Trần Xuân Hoan - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh cho biết: “Hoạt động hợp tác quốc tế để giải quyết việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp được nhà trường đặc biệt quan tâm. Từ năm 2016, nhà trường đã liên kết với Trung tâm Đào tạo và cung ứng nhân lực quốc tế đào tạo tiếng Nhật miễn phí cho sinh viên ngành điều dưỡng đã tốt nghiệp và đang học tại trường trên cơ sở tài trợ học bổng (1 triệu/sinh viên/năm). Nhà trường hiện đang đào tạo trên 2.500 sinh viên, trong đó có 700 sinh viên ngành điều dưỡng. Để chuẩn bị nguồn nhân lực cho chủ trương tuyển 10.000 sinh viên sang làm việc tại Nhật, năm học 2018 – 2019, nhà trường sẽ mở rộng quy mô đào tạo ngành điều dưỡng”.
Hiện mới chỉ có 6 doanh nghiệp/308 doanh nghiệp xuất khẩu lao động được Bộ LĐTB&XH cấp phép đưa lao động sang Nhật Bản theo diện này. Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xuất hiện tình trạng cá nhân, tổ chức của Nhật Bản sang phối hợp với các tổ chức không có chức năng đưa thực tập sinh điều dưỡng sang Nhật để tuyển chọn, đào tạo điều dưỡng, hộ lý với mục đích đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trái quy định. Do vậy, người lao động cần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin để tránh thiệt thòi và các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát, xử lý đối với những hành vi vi phạm nêu trên Ông Đặng Văn Dũng – Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐTB&XH Hà TĩnhĐược biết, Hà Tĩnh đã đưa khoảng 60 diều dưỡng, hộ lý sang làm việc tại Nhật theo chương trình thí điểm thông qua Trung tâm Lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTB&XH. Thời gian tới, Hà Tĩnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực theo chương trình này và cơ hội để thực tập sinh ngành điều dưỡng sang Nhật rất lớn.
Tuy nhiên, đây là lĩnh vực liên quan đến con người nên yêu cầu về ngoại ngữ, chuyên môn, tính kỷ luật của Nhật Bản rất khắt khe. Sau khi kết thúc năm thứ nhất, thực tập sinh không đạt trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu sẽ phải trở về nước. Do vậy, người lao động cần trau dồi về mọi mặt để đảm nhận tốt công việc, được hưởng mức đãi ngộ xứng đáng và có cơ hội làm việc lâu dài tại Nhật.
Bộ LĐTB&XH đã cho phép 6 doanh nghiệp (Công ty CP Phát triển nguồn nhân lực LOD, Công ty CP Phát triển dịch vụ C.E.O, Công ty CP Đầu tư xây dựng và cung ứng nhân lực Hoàng Long, Công ty CP XKLĐ thương mại và du lịch TTLC, Công ty CP Đầu tư thương mại Thịnh Long, Công ty CP Tập đoàn JVS) thí điểm triển khai đào tạo miễn phí và phải cử thực tập sinh ngành điều dưỡng, hộ lý đi Nhật Bản. Các doanh nghiệp này đáp ứng tiêu chí về kinh nghiệm, có cơ sở đào tạo tốt và đã có thỏa thuận với đối tác Nhật về chi phí đào tạo, được đối tác hỗ trợ toàn bộ học phí đào tạo trình độ tiếng Nhật N4 và đảm bảo phí quản lý trả cho đối tác Việt Nam. |