Định hướng Xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030
Tham dự Hội thảo có ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghệp, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục, đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; ông Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; đại diện lãnh đạo Vụ Giáo dục – Đào tạo và Dạy nghề, Ban Tuyên giáo Trung ương; Vụ Khoa giáo văn xã, Văn phòng Chính phủ; Viện chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Văn phòng Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực; lãnh đạo Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề công tác xã hội Việt Nam; đại diện Văn phòng ILO tại Hà Nội; Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, GIZ; Dự án Aus4Skills, Đại sứ quán Úc tại Hà Nội; đại diện Tổ tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo giai đoạn 2016-2021; lãnh đạo Tiểu ban Giáo dục nghề nghiệp thuộc Hội đồng quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực; đại diện lãnh đạo một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp; đại diện phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí.
Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Lê Quân, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết thời qua, hệ thống chính sách về giáo dục nghề nghiệp được xây dựng khá đầy đủ, Ban cán sự Đảng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành Nghị quyết số 617-NQ/BCSĐ về việc tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2021 và định hướng đến năm 2030, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia trong tình hình mới. Hiện nay, Bộ đang tập trung xây dựng Kế hoạch cụ thể để triển khai Chỉ thị này. Để giải quyết bài toán xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tiếp theo, chúng ta cần bỏ qua lối tư duy cũ, tiếp bước đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Phát triển giáo dục nghề nghiệp không chỉ là nhiệm vụ của mỗi quốc gia mà còn là vấn đề của toàn cầu, phát triển giáo dục nghề nghiệp cần đi liền với di cư và lao động quốc tế, nâng cao trình độ kỹ năng của lao động, tăng năng lực canh tranh trên thị trường lao động quốc tế. Hơn nữa, bài toán dân số già cũng đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp tăng cường phát triển kỹ năng của người lao động, đào tạo và đào tạo lại cho người lao động là nhiệm vụ quan trọng. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp trong giai đoạn mới cần tập trung về đổi mới cơ chế quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là đổi mới tư duy trong quản lý. Chiến lược sẽ bao gồm những giải pháp mang tính tổng thể nhưng cũng linh hoạt, mềm dẻo trong quá trình triển khai thực hiện. Hy vọng, Hội thảo sẽ có nhiều ý kiến tham luận thẳng thắn, cởi mở đóp góp thiết thực cho công tác xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp.
PGS. TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phát biểu tại Hội thảo
Công tác xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2030 đang trong bối cảnh chịu sự tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, cuộc chiến tranh thương mại và đại dịch COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Trong nước, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có chiến lược phát triển kinh tế xã hội, chiến lược phát triển nhân lực quốc gia giai đoạn mới, đây là một khó khăn thách thức cho công tác xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn mới.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương cùng chủ trì thảo luận tại Hội thảo
Tại Hội thảo, các đại biểu được nghe các chuyên gia trong nước và quốc tế trình bày các chuyên đề: Phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021-2-30, nhận diện vấn đề và quan điểm xây dựng chiến lược; Cung cầu kỹ năng trên thị trường lao động hiện nay; những vấn đề đặt ra đối với dự báo nhu cầu nhân lực bậc giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030 từ kinh nghiệm xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển nhân lực Việt Nam thời kỳ 2011-2020; báo cáo kết quả sơ bộ từ kết quả phỏng vấn các bên liên quan. Ở các chuyên đề, bên cạnh nhiều nội dung có giá trị phát triển giáo dục nghề nghiệp, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị giúp định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp Việt Nam trong thời gian tới như: Điều phối tốt hơn đào tạo diễn ra tại doanh nghiệp và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; nền kinh tế đang tạo ra nhiều việc làm mới có kỹ năng cao hơn, chiến lược giáo dục nghề nghiệp có thể mở rộng các cách tiếp cận theo ngành để nâng cao năng lực quản trị về kỹ năng ở các ngành công nghiệp, tránh rủi ro của việc thiếu cân bằng kỹ năng; các hiệp định thương mại, công nghệ và các xu hướng khác đang tạo ra các nhu cầu kỹ năng mới, chiến lược có thể xem xét việc tăng cường dự báo nhu cầu kỹ năng là phần quan trọng của các tiếp cận cấp ngành; COVID-19 cho thấy cần phải có một hệ thống giáo dục nghề nghiệp có tính đàn hồi tốt với các biến cố khó lường, linh hoạt hơn là dựa vào hệ thống đào tạo tại lớp học mà cần có giải pháp để đào tạo trực tuyến có hiệu quả.
TS. Nguyễn Quang Việt, Viện trưởng Viện Khoa học GDNN trình bày chuyên đề tại Hội thảo
Hội thảo đã dành nhiều thời gian để các chuyên gia, cán bộ quản lý về giáo dục nghề nghiệp chia sẻ những kinh nghiệm, góp ý định hướng cho công tác xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn sắp tới. Đa phần ý kiến các chuyên gia đều cho rằng: Đào tạo nguồn nhân lực trong đó có giáo dục nghề nghiệp đóng vai trò hết sức quan trọng. Khi đặt ra vấn đề xây dựng chiến lược, trước hết cần lưu ý tới việc phát triển những giá trị cốt lõi của nhân lực. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp phải được gắn liền với Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, chiến lược thể hiện tính mềm dẻo, linh động và thích ứng tốt với thực tiễn, thể hiện đào tạo nhân lực luôn là yếu tố tiên phong trước những yêu cầu của sự thay đổi kinh tế xã hội, khoa học và công nghệ. Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong bối cảnh mới, bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chiến tranh thương mại, biến đổi khí hậu và những suy thoái phạm vi toàn cầu. Trong quá trình xây dựng chiến lược, công tác dự báo cung cầu của thị trường lao động là yếu tố căn bản, định hướng cho công tác xây dựng chiến lược.
Bà Britta van Erckelens, Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam, GIZ trình bày tại Hội thảo
Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp của nước ta là một hệ thống mang tính thống nhất, hoàn chỉnh sẽ là một lợi thế để xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tới. Điều trước hết để xây dựng một chiến lược giáo dục nghề nghiệp hiệu quả là cần đánh giá đúng thực trạng, vị trí của giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Có thể nói, lực lượng lao động hiện nay về căn bản còn yếu về kỹ năng nghề. Để tiếp cận trình độ các nước ASEAN-4 đây sẽ là một thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp giai đoạn sắp tới. Đứng trước cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, sự hội nhập quốc tế về giáo dục nghề nghiệp và lao động, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cần được định hướng phát triển theo hướng mở, linh hoạt, chuẩn hóa với sự tăng cường năng lực về ứng dụng công nghệ thông tin, sự đổi mới mạnh mẽ về thể chế, chính sách và nâng cao trình độ ngoại ngữ cho đội ngũ cán bộ quản lý. Trong giai đoạn 2021-2030, doanh nghiệp phải đóng vai trò chủ thể chính trong phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu kết luận hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Lê Quân đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của các chuyên gia, cán bộ quản lý trong và ngoài nước tại Hội thảo. Thể hiện sự thống nhất chung trong định hướng phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tới. Thứ trưởng đề nghị Tổng cục cần có những bước đi cụ thể, có kế hoạch bài bản để tiến hành xây dựng chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn sắp tới. Cần phải có tổng kết, đánh giá 10 năm quá trình thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011-2020, căn cứ tình hình thực tiễn của giáo dục nghề nghiệp để có mục tiêu, giải pháp và lộ trình kế hoạch thực hiện.
Tác giả bài viết: VP TCGDNN