Thứ trưởng Lê Quân
Hoạt động gắn kết với doanh nghiệp đã tạo đột phá về chất lượng đào tạo gắn tuyển sinh với tuyển dụng, gắn với việc làm bền vững. Công tác hoàn thiện thể chế về GDNN tiếp tục được hoàn thiện trong đó có việc xây dựng và ban hành các chuẩn theo Luật giáo dục nghề nghiệp. Hoạt động Tuyển sinh GDNN có nhiều khởi sắc. Nhiều giải pháp như tuyển sinh gắn với tuyển dụng; cam kết có việc làm, thu nhập sau khi ra trường; nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện chính sách cho người học. Công tác truyền thông về GDNN được đổi mới đã tác động tích cực tới nhận thức xã hội...
Đổi mới GDNN là cả quá trình. Kết quả đạt được năm 2018 là bước đầu, thể hiện chúng ta đã đi đúng hướng. Năm 2019 quá trình đổi mới cần được tăng tốc mạnh hơn. Các giải pháp triển khai đồng bộ, bám sát Đề án đổi mới GDNN, cũng như bám sát tinh thần Nghị quyết của Ban cán sự Đảng Bộ LĐ-TB&XH về phát triển GDNN. Một số nhiệm vụ quan trọng cần ưu tiên bao gồm:
Tiếp tục hoàn thiện về thể chế. Trong đó đặc biệt chú trọng góp ý tham gia xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi để khơi thông liên thông giữa các trình độ đào tạo, đổi mới chương trình đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng, gắn đào tạo văn hóa với đào tạo kỹ năng nghề, và đổi mới các chương trình đào tạo dành cho học sinh tốt nghiệp THCS (mô hình 9+). Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu vào quá trình đào tạo, đồng thời từng bước giảm sự can thiệp hành chính của cơ quan chủ quản đối với cơ sở GDNN.
Thực hành nghề Cơ điện tử
Hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN. Theo đó cần sáp nhập và giải thể các cơ sở GDNN công lập yếu kém (hiện đang chiếm khoảng 20%), hình thành các cơ sở GDNN được ưu tiên đầu tư trọng điểm (88 trường cao đẳng), tạo cơ chế phát triển mạng lưới các cơ sở GDNN tư thục có chất lượng, phát triển mạnh mẽ các trung tâm và mô hình đào tạo nghề nghiệp trong/tại doanh nghiệp...
Đẩy mạnh tự chủ các cơ sở GDNN. Sớm ban hành Nghị định tự chủ cơ sở GDNN trong quý I/2019. Theo đó, đến 12/2019, 100% cơ sở GDNN được phân loại mức độ tự chủ và chuyển đổi cơ chế cấp chi kinh phí thường xuyên sang đặt hàng. Nhà nước tiếp tục ưu tiên đầu tư các trường trọng điểm, các trường đặc thù và ưu tiên hỗ trợ người học thuộc các đối tượng ưu tiên.
Tiếp tục đẩy mạnh vai trò của doanh nghiệp. Theo đó, tham gia sâu vào GDNN là trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp. Doanh nghiệp muốn có nhân lực kỹ năng nghề có chất lượng thì cần tham gia đặt hàng, phối hợp và tham gia đào tạo. Nhà nước sẽ thành lập các Hội đồng kỹ năng nghề với sự chủ trì của doanh nghiệp để định hướng công tác dạy nghề và ban hành các chuẩn nghề nghiệp. Phát triển hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ Kỹ năng nghề quốc gia cho người lao động nhằm nâng cao chuyên nghiệp trong nghề nghiệp và tham gia quá trình hội nhập quốc tế.
Tiếp tục chuẩn hóa trong GDNN. Trong đó, bên cạnh đẩy mạnh công tác đảm bảo chất lượng, Bộ tiếp tục chỉ đạo đầu tư vun cao khuyến khích các trường tham gia kiểm định quốc tế. Ngoài ra, ban hành và triển khai các chuẩn trong GDNN sẽ được ưu tiên (chuẩn đầu ra, chuẩn điều kiện ĐBCL, chuẩn giảng viên, giáo viên, chuẩn cán bộ quản lý...).
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong GDNN. Năm 2019 sẽ hoàn thành cơ sở dữ liệu trực tuyến GDNN, tổ chức quản lý văn bằng online và cấp chứng chỉ văn bằng số, đẩy mạnh đào tạo online gắn với phát triển hệ thống giáo dục mở và học tập suốt đời..
Cuối cùng, truyền thông tiếp tục được ưu tiên đặc biệt để làm thay đổi nhận thức của người dân, của doanh nghiệp và của quản lý nhà nước về GDNN. Qua đó đẩy mạnh phân luồng và ưu tiên các nguồn lực xã hội cho GDNN.
Tác giả bài viết: Theo http://gdnn.gov.vn Nguồn tin: gdnn.gov.vn
. . . . .