Hiện nay, các cấp ủy Đảng đang triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW, ngày 16/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ban Biên tập Trang Thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh xin trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) về chủ đề này.
Phong cách làm việc là cách thức làm việc ổn định, mang sắc thái của mỗi người. Phong cách làm việc phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như: Phẩm chất chính trị, đạo đức, trình độ, năng lực, khí chất của cá nhân; vị trí, chức năng, nhiệm vụ, điều kiện làm việc, sinh hoạt; sự giáo dục, rèn luyện… Đối với người lãnh đạo, phong cách làm việc không đơn giản là việc riêng của người cán bộ mà là yếu tố có ảnh hưởng lớn đến chất lượng lãnh đạo và uy tín của tổ chức, của Đảng. Phong cách làm việc của người lãnh đạo là yếu tố đặc biệt trọng yếu trong bảo đảm tính chính xác của việc ra quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định đó, đồng thời tác động trực tiếp đến việc xây dựng, củng cố khối đoàn kết nội bộ và mối liên hệ giữa Đảng với nhân dân. Cán bộ lãnh đạo càng giữ cương vị cao, ảnh hưởng của các quyết định lãnh đạo, quản lý của họ càng rộng lớn thì phong cách làm việc càng có ý nghĩa quan trọng. Bởi vậy, xây dựng phong cách làm việc khoa học là một vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng đảng.
Năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết cuốn “Sửa đổi lối làm việc” để hướng dẫn cán bộ sửa chữa các “bệnh” trong lối làm việc và rèn luyện phong cách làm việc mới. Trong quá trình hoạt động, Đảng ta luôn quan tâm đến việc xây dựng phong cách làm việc cho đội ngũ cán bộ. Đã có nhiều văn kiện của Đảng đề cập đến việc xây dựng, đổi mới phong cách làm việc. Trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, đổi mới phong cách làm việc của đội ngũ cán bộ theo hướng năng động, khoa học và dân chủ là yêu cầu rất bức thiết. Nhiều cán bộ lãnh đạo đã có ý thức xây dựng, đổi mới phong cách làm việc để nâng cao chất lượng, hiệu quả làm việc. Những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới vừa qua không tách rời cố gắng của đội ngũ cán bộ vươn lên đổi mới phong cách làm việc theo hướng năng động, sáng tạo, khoa học.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy một số cán bộ đã coi thường tính đảng, tính nguyên tắc trong công việc, lấy yêu cầu năng động, sáng tạo làm chiêu bài che đậy những việc làm sai trái; một số cán bộ đã biến lối làm việc tập thể, cá nhân phụ trách thành kiểu làm việc “cá nhân phụ trách, tập thể chịu trách nhiệm” khi có sai phạm xảy ra. Một số cán bộ lãnh đạo, quản lý còn làm việc theo kinh nghiệm, cảm tính, thói quen, tuỳ tiện, chưa chú ý xây dựng phong cách làm việc khoa học. Có những cán bộ lãnh đạo chủ chốt mắc bệnh quan liêu, độc đoán, gia trưởng, mất dân chủ, dẫn đến các quyết định lãnh đạo chủ quan, gây lãng phí tiền của, mất đoàn kết nội bộ. Nhiều cán bộ nói không đi đôi với làm, không giữ lời hứa, làm giảm lòng tin của cán bộ, quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng.
Để đổi mới phong cách làm việc, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội X của Đảng, mỗi cán bộ lãnh đạo cần nắm vững những yêu cầu chủ yếu trong phong cách làm việc khoa học của người lãnh đạo hiện nay.
1. Phong cách làm việc có tính đảng, tính nguyên tắc cao, đồng thời năng động, sáng tạo, nhạy cảm với cái mới.
Đây là hai mặt của một yêu cầu thống nhất, không thể tách rời trong phong cách làm việc của người lãnh đạo. Tính đảng, tính nguyên tắc cao trong phong cách làm việc thể hiện tập trung ở chỗ luôn giữ vững lập trường, quan điểm, đường lối của Đảng; tôn trọng pháp luật; chấp hành nghiêm túc, tự giác các nguyên tắc, chế độ, kỷ luật công tác, nghiêm khắc với bản thân; bảo vệ cái đúng, đấu tranh phê phán cái sai. Tính năng động, sáng tạo biểu hiện trước hết ở tính chủ động, sáng tạo trong cụ thể hoá quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng cho phù hợp với địa phương, đơn vị, đổi mới nội dung, phương pháp công tác theo hướng hiện đại hoá, nâng cao hiệu quả công tác, nhạy bén với cái mới.
Người cán bộ lãnh đạo phải có tính đảng, tính nguyên tắc cao. Tuy nhiên, tính đảng, tính nguyên tắc cao không đồng nghĩa với bảo thủ, giáo điều cứng nhắc, khuôn sáo mà trái lại, luôn đòi hỏi tính năng động, sáng tạo đổi mới trong thực tiễn. V.I.Lênin đã nhấn mạnh: “Tinh thần tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản chủ nghĩa phải được kết hợp với nghệ thuật biết thực hành tất cả những thoả hiệp thực tiễn cần thiết”(1). Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng ai không có sáng kiến thì không phải người lãnh đạo. Mặt khác, sự năng động, sáng tạo chỉ thành công khi nó được thực hiện trên cơ sở những định hướng đúng đắn, những nguyên tắc nhất định. Nhân danh năng động, sáng tạo để vứt bỏ nguyên tắc sẽ dẫn đến sai lầm, thất bại. Những câu chuyện về sự “năng động” vô nguyên tắc của Lã Thị Kim Oanh làm thiệt hại hàng chục tỉ đồng ngân sách nhà nước là một ví dụ.
Trong tình hình hiện nay, trước đòi hỏi phải đổi mới, người lãnh đạo phải xử lý tốt giữa yêu cầu phải năng động, sáng tạo với giữ vững những nguyên tắc chính trị, công tác và cuộc sống; phải rèn luyện bản lĩnh chính trị và sự cảnh giác cao độ trước những “mũi tên bọc đường”, những thủ đoạn tinh vi tấn công vào đội ngũ cán bộ của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội và của chính kẻ địch trong bản thân mình.
2. Phong cách làm việc nhiệt tình nhưng khách quan, khoa học.
Có nhiệt tình cách mạng thì người cán bộ lãnh đạo mới đủ sức gánh vác trách nhiệm vẻ vang ngày càng nặng nề trước dân, trước Đảng trong sự nghiệp cách mạng hiện nay. Tuy nhiên, nhiệt tình cách mạng phải được kết hợp với tính khách quan, khoa học thì người cán bộ lãnh đạo mới hoàn thành nhiệm vụ, tránh được những sai lầm, hành động chủ quan, tuỳ tiện. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây đã thẳng thắn chỉ rõ nhiệt tình cộng với dốt nát thì sẽ thành đại phá hoại. Trong quá khứ, chúng ta đã có quá nhiều bài học về những quyết định quan trọng mang đầy tâm huyết, nhiệt thành nhưng thiếu tính khoa học nên đã phải trả giá rất đắt. Trong thế giới đang biến đổi nhanh chóng, phức tạp do tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ và tình hình chính trị, kinh tế đa dạng, phức tạp hiện nay, vấn đề xây dựng phong cách làm việc có tính khoa học cao càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Để xây dựng, rèn luyện phong cách làm việc khách quan, khoa học, đòi hỏi người cán bộ lãnh đạo:
Mọi việc phải có điều tra, nghiên cứu, phân tích toàn diện; phải tôn trọng qui trình ra quyết định, xây dựng nhiều phương án, tranh thủ ý kiến chuyên gia. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn:
“Gặp mỗi vấn đề, ta phải đặt câu hỏi:
Vì sao có vấn đề này?
Xử trí như thế này, kết quả sẽ ra sao?
Phải suy tính kỹ lưỡng. Chớ hấp tấp, chớ làm bừa, chớ làm liều. Chớ gặp sao làm vậy”(2); “việc gì cũng phải điều tra rõ ràng cẩn thận và phải làm đến nơi đến chốn”(3). Đối với những vấn đề mới, phức tạp, đặc biệt quan trọng, có ảnh hưởng lớn tới đời sống xã hội cần được làm thử trước khi quyết định. Không ra quyết định khi chưa có thông tin đầy đủ, chưa có phương án tính toán hiệu quả. Tránh chủ quan, duy ý chí.
Phải xây dựng thói quen tôn trọng thực tế khách quan, kiên quyết không bóp méo sự thực để chạy theo thành tích. Thói “báo cáo láo”, “làm được ít, suýt ra nhiều” là có tội với Đảng, với dân.
Xây dựng lối làm việc có tầm nhìn xa, có thói quen dự báo tình hình. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phê phán gay gắt những cán bộ mắc bệnh “cận thị”, không biết lo tính những kế hoạch hành động then chốt, lâu dài mà chỉ biết chạy theo công việc sự vụ trước mắt.
Tôn trọng và làm việc theo chức trách, chế độ công tác, chương trình, kế hoạch đã đề ra, tránh lối làm việc ngẫu hứng, tuỳ tiện.
3. Phong cách làm việc dân chủ, tập thể nhưng quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân.
Đặc trưng này xuất phát từ nguyên tắc tập trung dân chủ. Trong hoạt động lãnh đạo của Đảng, lối làm việc dân chủ, tập thể là cách làm việc tốt nhất của người lãnh đạo, vừa cho phép phát huy trí tuệ tập thể, hạn chế sai lầm, vừa giúp tăng cường sự đoàn kết thống nhất trong Đảng. Tuy nhiên, lối làm việc dân chủ, tập thể phải đi liền với sự quyết đoán và tinh thần dám chịu trách nhiệm cá nhân cao. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Lãnh đạo không tập thể, thì sẽ đi đến cái tệ bao biện, độc đoán, chủ quan. Kết quả là hỏng việc. Phụ trách không do cá nhân, thì sẽ đi đến cái tệ bừa bãi, lộn xộn, vô chính phủ”(4). Từ những kinh nghiệm lịch sử và trong bối cảnh thực hiện cơ chế thị trường hiện nay, việc xây dựng phong cách làm việc kết hợp nhuần nhuyễn giữa cách làm việc dân chủ, tập thể, tính quyết đoán, dám chịu trách nhiệm cá nhân càng là một đòi hỏi bức thiết.
Mỗi người lãnh đạo cần nắm vững và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ trong công tác, xây dựng thói quen lắng nghe ý kiến của tập thể, nhất là tập nghe cho được những ý kiến khác, trái với mình. Muốn vậy cần rèn luyện đức tính khiêm tốn, cầu thị, trung thực, thẳng thắn, khoan dung, nhân ái, luôn đặt lợi ích của dân, của nước lên trên hết, trước hết. Mặt khác, người cán bộ lãnh đạo phải rèn luyện tính quyết đoán và tinh thần trách nhiệm cá nhân cao trong công việc. Sau khi đã nghe, đã thảo luận dân chủ, đã rõ vấn đề thì phải quyết đoán, có quyết tâm cao, dám chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Tính quyết đoán khác hẳn sự độc đoán, gia trưởng ở chỗ người độc đoán, gia trưởng thường quyết định bằng chủ quan là chính, quyền uy là chính, còn người lãnh đạo quyết đoán là trên cơ sở phát huy dân chủ.
4. Phong cách làm việc thiết thực, nói đi đôi với làm.
Trong điều kiện Đảng cầm quyền, hoạt động lãnh đạo thường được thông qua nhiều khâu, nhiều tổ chức với những cơ chế làm việc đa dạng, phức tạp nên dễ sinh ra bệnh “hình thức”, bệnh “hữu danh vô thực”, bệnh hứa suông, gây mất uy tín của Đảng, Nhà nước, làm giảm sút lòng tin của nhân dân và tạo sơ hở cho các phần tử xấu lợi dụng. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng phê phán: “Trong Đảng ta có một số người chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày này qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”(5). Để chữa bệnh hình thức, xây dựng phong cách làm việc thiết thực, người cán bộ lãnh đạo khi ra các quyết định, kế hoạch cần căn cứ vào tình hình thực tế, năng lực của tổ chức, của đội ngũ cán bộ, trình độ, thói quen, tâm lý, nguyện vọng của quần chúng nhân dân, luôn tính đến hiệu quả công việc, chỉ nói những điều cần thiết, chỉ hứa những điều có thể làm, điều nhất định làm. Đã ra nghị quyết là phải chỉ đạo làm đến nơi đến chốn, kiểm tra ráo riết.
5. Phong cách làm việc sâu sát cơ sở, gắn bó chặt chẽ với quần chúng.
Cơ sở là nơi hàng triệu quần chúng, đảng viên sống, làm việc, là nơi đường lối, chủ trương lãnh đạo được thực tế kiểm nghiệm. Bởi vậy, có sâu sát cơ sở, gắn bó với quần chúng, dựa vào quần chúng thì người cán bộ lãnh đạo mới kịp thời chỉ đạo thực hiện các quyết định lãnh đạo của mình, biết được chỗ đúng chỗ sai, chủ trương phù hợp hay chưa phù hợp, từ đó mà điều chỉnh hoạt động lãnh đạo của mình. Đồng thời, sâu sát cơ sở mới giúp người cán bộ lãnh đạo thu nhận, học hỏi được những kinh nghiệm thực tiễn phong phú, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của quần chúng nhân dân để nâng cao năng lực lãnh đạo, ra được những quyết định lãnh đạo sát hợp, kịp thời, tránh được những sai lầm chủ quan. Chủ tịch Hồ Chí Minh dạy rằng: “Có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì cũng không xong. Dân chúng biết giải quyết nhiều vấn đề một cách đơn giản, mau chóng, đầy đủ, mà những người tài giỏi, những đoàn thể to lớn, nghĩ mãi không ra”(6). Người căn dặn cán bộ phải luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến quần chúng, biết dựa vào quần chúng để làm việc; phải biết tìm ra những hình thức tổ chức, cách làm việc phù hợp với trình độ, tâm lý, tập quán của quần chúng; cách tổ chức và làm việc nào không hợp với quần chúng thì phải thay đổi.
Ngoài chế độ phân công phụ trách cơ sở của cấp ủy, mỗi người cán bộ lãnh đạo phải tự xây dựng cho mình kế hoạch làm việc đảm bảo nắm thật vững tình hình cơ sở, gắn bó với quần chúng, với cấp dưới. Khi giải quyết vấn đề phải đi đến tận nơi, xem tận chỗ, tránh chỉ nghe qua báo cáo; cần mạnh dạn áp dụng các hình thức đi cơ sở kiểu “vi hành” và hạn chế tối đa kiểu đi cơ sở có “cờ rong, trống mở”.
TS. Nguyễn Văn Giang (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh)