Đây là quy định tại Thông tư số 02/2021/TT-BLĐTBXH ngày 24/6/2021 của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội (sau đây gọi là Nghị định số 20/2021/NĐ-CP).
Đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP
Theo Thông tư, các đối tượng thôi hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm:
Đối tượng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật.
Đối tượng tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Đối tượng chấp hành án phạt tù ở trại giam hoặc có quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về thôi hưởng trợ cấp xã hội.
Đối tượng từ chối nhận chế độ, chính sách.
Sau 03 tháng kể từ khi có quyết định tạm dừng chi trả trợ cấp xã hội quy định tại điểm b khoản 3 Điều này mà đối tượng vẫn không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.
Thôi hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng đối với người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng
Thôi hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng các trường hợp sau đây:
Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng hoặc người nhận chăm sóc nuôi dưỡng chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật.
Đối tượng được nhận chăm sóc, nuôi dưỡng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP không còn đủ điều kiện nhận nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định.
Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng không còn đủ điều kiện theo quy định tại Điều 22 và Điều 23 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng bị xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em hoặc bị kết án bằng bản án có hiệu lực pháp luật.
Tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng
Tạm dừng hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng sau đây:
Đối tượng không nhận chế độ, chính sách liên tục từ 03 tháng trở lên.
Đối tượng không chấp hành yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc xác định lại mức độ khuyết tật, xác định lại điều kiện hưởng trợ giúp xã hội hoặc thông tin khác phục vụ công tác quản lý đối tượng.
Đối tượng bị tạm giam từ 01 tháng trở lên đối với trường hợp đối tượng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng.
Trách nhiệm của các cơ quan
Ủy ban nhân dân cấp xã
Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn bằng hồ sơ, sổ, phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu điện tử.
Rà soát và có văn bản gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định cho đối tượng quy định tại khoản 3 Điều 2 Thông tư này thôi hưởng, tiếp tục hưởng trợ cấp xã hội, hỗ trợ kinh phí chăm sóc, nuôi dưỡng hàng tháng, truy lĩnh (nếu có).
Tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn và gửi kèm theo bảng tổng hợp số liệu kết quả thực hiện chính sách theo các mẫu 10a, 10b, 10c và 10d ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp huyện trước ngày 15 tháng 6 và 15 tháng 12 hằng năm.
Quản lý hoạt động cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội do cấp xã thành lập và phối hợp hoạt động với các cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội trên địa bàn theo quy định của pháp luật về quản lý của cơ sở trợ giúp xã hội.
Ủy ban nhân dân cấp huyện
Quản lý đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn bằng hồ sơ, sổ, phần mềm hoặc cơ sở dữ liệu điện tử.
Hướng dẫn, tổ chức thực hiện, kiểm tra và giám sát cấp xã trong việc xác định và quản lý đối tượng; tổ chức thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn.
Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát tổ chức dịch vụ chi trả trong việc triển khai công tác chi trả cho đối tượng.
Tổng hợp, báo cáo định kỳ kết quả thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn và gửi kèm theo bảng tổng hợp số liệu kết quả thực hiện chính sách theo các mẫu 10a, 10b, 10c và 10d ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trước ngày 30 tháng 6 và ngày 31 tháng 12 hằng năm.
Quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội do cấp huyện thành lập theo quy định của pháp luật về quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
Có trách nhiệm tổ chức thực hiện chế độ chính sách; bố trí kinh phí; quyết định phương thức chi trả; kiểm tra, thanh tra và các nhiệm vụ khác có liên quan đến thực hiện chính sách trợ giúp xã hội trên địa bàn theo quy định tại Điều 36 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Căn cứ vào điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức chuẩn trợ giúp xã hội, mức trợ giúp xã hội áp dụng trên địa bàn cao hơn mức chuẩn trợ giúp xã hội và mức trợ giúp xã hội quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP; quyết định đối tượng khó khăn khác chưa quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP được hưởng chính sách trợ giúp xã hội, trong đó có đối tượng người khuyết tật là thế hệ thứ ba của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.
Triển khai việc ứng dụng công nghệ thông tin trong đăng ký điện tử, xét duyệt điện tử và kết nối dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết, chi trả chính sách, quản lý đối tượng; xây dựng cơ sở dữ liệu đối tượng bảo trợ xã hội; tổng hợp và gửi thông tin của đối tượng về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (Cổng thông tin điện tử của Bộ) định kỳ, đột xuất theo quy định.
Tổng hợp, báo cáo định kỳ về kết quả thực hiện chính sách trên địa bàn và gửi kèm theo bảng tổng hợp số liệu kết quả thực hiện chính sách theo các mẫu 10a, 10b, 10c và 10d ban hành kèm theo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP về Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước ngày 15 tháng 01 và 15 tháng 7 hằng năm.
Quản lý cơ sở trợ giúp xã hội, nhà xã hội do cấp tỉnh thành lập theo quy định của pháp luật về quản lý các cơ sở trợ giúp xã hội.
Thông tư này có hiệu lực sau 45 ngày kể từ ngày ký. Các chế độ, chính sách quy định tại Thông tư này được áp dụng từ ngày 01 tháng 7 năm 2021.
Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 12 tháng 5 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung khoản 2 và 4 Điều 11 Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BLĐTBXH-BTC hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực thi hành.