Tại hội thảo về “Thực trạng và giải pháp xuất khẩu lao động sang thị trường các nước châu Phi, Trung Đông” tổ chức sáng 12/7, số lao động được xác định đang làm việc tại các thị trường này tính đến tháng 6/2018 là 7.495 người.
Hội thảo do Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh phối hợp Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam tổ chức
Trong số 7.495 người lao động đang làm việc tại các nước châu Phi - Trung Đông, có 1.428 người làm việc tại Trung Đông, 6.067 người làm việc tại các nước châu Phi.
Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nguyễn Trí Lạc: Lực lượng lao động của Hà Tĩnh làm việc tại Trung Đông chủ yếu tập trung vào ngành, nghề chính như xây dựng (chiếm 90%); giúp việc gia đình. Còn tại các nước châu Phi chủ yếu là xây dựng, kinh doanh, buôn bán, nhà hàng, khách sạn.
Thảo luận tại hội thảo, các đại biểu cho rằng, các nước châu Phi - Trung Đông là thị trường dễ tính, chủ yếu là lao động phổ thông, độ tuổi thường không bị giới hạn. Thu nhập từ ngành xây dựng tuy thu nhập không cao (từ 12-18 triệu đồng/tháng) nhưng lợi thế là lao động gần như được chủ thầu bao tiền ăn ở; hạn chế được chi phí chi tiêu, sinh hoạt nhiều do những quy định gắt gao của các nước đạo hồi. Đối với lao động giúp việc gia đình thu nhập bình quân từ 12-15 triệu/tháng.
PGS.TS Lê Phước Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Phi - Trung Đông thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam: Thời gian tới, Hà Tĩnh nói riêng, Việt Nam nói chung cần có sự chuẩn bị về đội ngũ lao động đã qua đào tạo, có tay nghề để sang làm việc tại các nước châu Phi - Trung Đông.
Tuy có những lợi thế nhưng người lao động đến với thị trường này phải đối mặt với nhiều khó khăn như bất đồng ngôn ngữ, thông tin liên lạc, các quy định về phong tục tập quán của các nước đạo hồi. Bên cạnh đó, do bất ổn chính trị, đồng tiền mất giá ở Ăngola đẩy người lao động vào thế khó khăn.
TS. Kiều Thanh Nga - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu châu Phi - Trung Đông: Thông tin thị trường lao động châu Phi - Trung Đông thực sự đang hạn chế, tuy nhiên, Viện Nghiên cứu Châu Phi - Trung Đông sẽ hợp tác, cung cấp những thông tin về lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội và phong tục tập quán của các nước cho Hà Tĩnh khi cần.
Về giải pháp cho thị trường xuất khẩu lao động sang các nước châu Phi - Trung Đông, các đại biểu khẳng định, tuyển dụng lao động kỹ thuật, thợ bậc cao là một trong những định hướng mà các cơ quan quản lý xuất khẩu lao động cần hướng tới.