Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em là nhiệm vụ có tính chiến lược, góp phần quan trọng vào nhiệm vụ chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: Luật Trẻ em đã được Quốc hội ban hành, sửa đổi, bổ sung (năm 1991, năm 2004 và năm 2016); Hiến pháp năm 2013 quy định: Trẻ em được Nhà nước, gia đình và xã hội bảo vệ, chăm sóc và giáo dục; được tham gia vào các vấn đề về trẻ em; nghiêm cấm xâm hại, hành hạ, ngược đãi, bỏ mặc, lạm dụng, bóc lột sức lao động và những hành vi khác vi phạm quyền trẻ em; Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TW ngày 05-11-2012 của về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; các chương trình, kế hoạch, đề án về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em đã được Trung ương ban hành đồng bộ, đầy đủ nhằm góp phần bảo đảm trẻ em được phát triển toàn diện, xây dựng những “chủ nhân tương tai của đất nước”.
Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - TUV - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tặng quà cho trẻ em huyện Vũ Quang
Những năm qua, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của tỉnh nhà luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể và toàn xã hội đặc biệt quan tâm bằng việc ban hành đồng bộ nhiều chủ trương, đường lối, chính sách: Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 27/5/2013 về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới; Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành các Chương trình, Kế hoạch, Chỉ thị về tăng cường công tác trẻ em trên địa bàn tỉnh; hệ thống chính sách, pháp luật, quản lý nhà nước về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em được triển khai đầy đủ, kịp thời. Nhờ đó, việc thực hiện các quyền của trẻ em, các mục tiêu vì trẻ em đã đạt nhiều kết quả quan trọng: Công tác chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được quan tâm thực hiện kịp thời, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ BHYT đúng quy định, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể chiều cao theo tuổi giảm còn 14,7%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể cân nặng theo tuổi giảm còn 8,5%. Công tác giáo dục và đào tạo có bước phát triển vượt bậc, chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng lên, tỷ lệ huy động trẻ em 5 tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%, tỷ lệ trẻ em hoàn thành cấp tiểu học, THCS đạt gần 100%, Hà Tĩnh luôn là tỉnh trong tốt đầu của cả nước về tỷ lệ học sinh giỏi quốc gia, trúng tuyển Đại học, đặc biệt có nhiều em đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc tế. Các chính sách trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật được quan tâm, thực hiện đầy đủ, kịp thời. Việc huy động và sử dụng các nguồn lực để thực hiện các mục tiêu vì trẻ em ngày càng hiệu quả, phúc lợi xã hội dành cho trẻ em được bảo đảm. Đặc biệt là hệ thống cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em mồ côi, trẻ bị bỏ rơi, trẻ em khuyết tật…được đầu tư khang trang, hiện đại đảm bảo tốt chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng. Phong trào “toàn dân chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em” được cấp ủy, chính quyền, các tổ chức đoàn thể triển khai sâu rộng. Các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em, Quốc tế Thiếu nhi, Tết Trung thu, các chương trình văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao dành cho trẻ em được chính quyền các cấp, các tổ chức đoàn thể triển khai thường xuyên và mang lại hiệu quả thiết thực.
Tuy nhiên, trước xu thế phát triển của xã hội và của nền công nghiệp hiện đại, bên cạnh những thành tựu mang lại, trẻ em cũng đang phải chịu nhiều tác động mặt trái làm ảnh hưởng đến sự phát triển toàn diện của trẻ em. Môi trường sống tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, tình trạng trẻ em bị xâm hại, bạo lực, bị ngược đãi vẫn còn diễn ra, tai nạn thương tích, nhất là tai nạn đuối nước trẻ em đang là vấn đề đáng báo động, đặc biệt là trong dịp hè (05 tháng đầu năm 2021, toàn tỉnh đã có 12 em bị tử vong do đuối nước). Nhận thức, kỹ năng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em của nhiều gia đình, nhiều bậc phụ huynh và của chính trẻ em còn hạn chế. Một số cấp ủy, chính quyền chưa thực sự quyết liệt trong công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Các nguồn lực dành cho trẻ em tại một số đơn vị, địa phương chưa được quan tâm bố trí. Môi trường sống, các khu vui chơi, giải trí dành cho trẻ em, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn đang còn thiếu, chưa đáp ứng nhu cầu của trẻ em. Vẫn còn nhiều trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt chưa được quan tâm đầy đủ, kịp thời.
Hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2021 với chủ đề “Chung tay bảo đảm thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em trong thiên tai, dịch bệnh”. Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp, các đơn vị, địa phương căn cứ tình hình dịch bệnh và điều kiện thực tế của địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động Tháng hành động vì trẻ em đảm bảo an toàn, phù hợp, hiệu quả. Thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, nhà trường, gia đình và toàn xã hội cần quan tâm thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, tăng cường quản lý nhà nước về công tác trẻ em. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác này. Xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả Kế hoạch số 72/KH-UBND ngày 13/3/2020 về hành động phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em giai đoạn 2020-2025, Kế hoạch số 441/KH-UBND ngày 30/11/2020 về thực hiện Nghị quyết số 121/2020/QH14 ngày 19/6/2020 của Quốc hội về tiếp tục tăng cường hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 159/KH-UBND ngày 11/5/2020 của UBND tỉnh về thực hiện Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh và các Chương trình, Kế hoạch có liên quan khác.
Thứ hai, thực hiện nghiêm, đầy đủ 25 quyền trẻ em theo quy định của pháp luật, các chính sách về bảo vệ trẻ em. Đề cao trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em. Tăng cường các biện pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích, đuối nước trẻ em.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức, hành động về thực hiện quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em cho gia đình, nhà trường và cho chính trẻ em. Trước mắt, tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các kỹ năng, các biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ trẻ em trong tình hình dịch COVID-19.
Thứ tư, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình, nhà trường thay đổi phương pháp giáo dục trẻ em; hướng dẫn các thành viên trong gia đình, giáo viên, học sinh kiến thức, kỹ năng về bảo vệ trẻ em, phòng, chống bạo lực, xâm hại, phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Thực hiện trách nhiệm phát hiện, thông báo, tố giác các hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp về bảo vệ trẻ em. Xử lý nghiêm, kịp thời các cơ quan, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, vi phạm quyền trẻ em.
Thứ sáu, bố trí, vận động các nguồn lực quan tâm, chăm sóc, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo, trẻ em khuyết tật, trẻ em vùng dân tộc thiểu số, trẻ em sống tại các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện khó khăn. Quan tâm đầu tư, xây dựng, bố trí thêm các không gian vui chơi dành cho trẻ em (công viên, bể bơi, sân chơi và các thiết chế văn hóa phù hợp) để trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh, thân thiện, tạo mọi điều kiện để trẻ em được phát triển toàn diện.
“ Trẻ em hôm nay, thế giới ngày mai”. Chăm lo cho thế hệ tương tai là trách nhiệm của cả cộng đồng, do vậy, cần sự vào cuộc tích cực hơn nữa của các cấp, các ngành và toàn xã hội để trẻ em phát triển toàn diện, khỏe mạnh, an toàn/.
Quyền sống; quyền được khai sinh và có quốc tịch; quyền được chăm sóc sức khỏe; quyền được chăm sóc, nuôi dưỡng; quyền được giáo dục, học tập và phát triển năng khiếu; quyền vui chơi, giải trí; quyền giữ gìn, phát huy bản sắc; quyền tự do, tín ngưỡng, tôn giáo; quyền về tài sản; quyền bí mật đời sống riêng tư; quyền được sống chung với cha, mẹ; quyền được đoàn tụ, liên hệ và tiếp xúc với cha, mẹ; quyền được chăm sóc thay thế và nhận làm con nuôi; quyền được bảo vệ để không bị xâm hại tình dục; quyền được bảo vệ để không bi bóc lột sức lao động; quyền được bảo vệ để không bị bạo lực, bỏ rơi, bỏ mặc; quyền được bảo vệ để không bị mua bán, bắt cóc, đánh tráo, chiếm đoạt; quyền được bảo vệ khỏi chất ma túy; quyền được bảo vệ trong tố tụng và xử lý vi phạm hành chính; quyền được bảo vệ khi gặp thiên tai, thảm họa, ô nhiễm môi trường, xung đột vũ trang; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền được tiếp cận thông tin và tham gia hoạt động xã hội; quyền được bày tỏ ý kiến và hội họp; quyền của trẻ em khuyết tật; quyền của trẻ em không quốc tịch, trẻ em lánh nạn, tị nạn.