Ngày 25/6/2020, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp phối hợp với Viện nghiên cứu Giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc (KRIVET), Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng Hàn Quốc (KEXIMBANK) tổ chức Hội thảo trực tuyến về báo cáo sơ kết giữa kỳ Dự án Giáo dục nghề nghiệp: Thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tham dự và Chủ trì Hội thảo có ông Trương Anh Dũng, Tổng Cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp; bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ Kỹ năng nghề, Vụ Đào tạo chính quy, Viện khoa học giáo dục nghề nghiệp thuộc Tổng cục; đại diện Cục Việc làm, Viện khoa học lao động xã hội thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội; đại diện KRIVET, WB, KEXIMBANK và Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội; đại diện phóng viên một số cơ quan thông tấn báo chí.
Tổng cục trưởng Trương Anh Dũng phát biểu khai mạc Hội thảo
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Anh Dũng, Tổng cục trưởng, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết dự án đã đi được nửa giai đoạn và đây là lúc chúng ta nhìn nhận lại kết quả cũng như chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của dự án. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tạo ra thị trường lao động 4.0, cùng với đó là hệ thống giáo dục đào tạo, giáo dục nghề nghiệp 4.0. Điều này đòi hỏi những kỹ năng mới trong lao động mà chúng ta cần phải truyền tải và thực hiện trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, hệ thống giáo dục nghề nghiệp cũng phải chú trọng đến kỹ năng số, kỹ năng ngoại ngữ, năng lực sáng tạo, kỹ năng khởi nghiệp. Đặc biệt nhấn mạnh kỹ năng số trong bối cảnh COVID -19 vừa qua trên toàn cầu cũng như ở hai quốc gia Việt Nam, Hàn Quốc chúng ta thấy rõ điều này, mọi mặt trong đời sống kinh tế xã hội đặc biệt trong giáo dục nghề nghiệp đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy nhiên do chúng ta đã đẩy mạnh đào tạo trực tuyến dựa trên nền tảng công nghệ thông tin nên phần nào đó khắc phục được sự đình trệ các hoạt động trong đào tạo giáo dục nghề nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Việt Hương phát biểu bế mạc Hội thảo
Việt Nam đã có sự chuẩn bị khá sớm cho cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 04/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các Bộ ngành tới hệ thống giáo dục nghề nghiệp ngày càng tốt hơn. Ngày 28 /5/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 24/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Chỉ thị đã đặt ra những định hướng, giải pháp lớn để khắc phục 3 hạn chế đang được đặt ra như vấn đề tăng quy mô tuyển sinh, đào tạo và đánh giá cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là một trong những yêu cầu của hệ thống giáo dục nghề nghiệp hiện nay. Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng đào tạo với những kỹ năng thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đưa những kỹ năng mới đó vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vẫn là những khó khăn. Hội nhập quốc tế giáo dục nghề nghiệp Việt Nam còn hạn chế. Hiện nay, hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp cho giai đoạn 2021-2030 với nhiều nội dung quan trọng để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp hội nhập quốc tế và thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tại Hội thảo, tiến sỹ Ju, thuộc Viện nghiên cứu giáo dục nghề nghiệp Hàn Quốc đã trình bày thực trạng triển khai dự án giáo dục nghề nghiệp: Ứng phó với cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Dự án có mục đích phát triển chính sách về giáo dục nghề nghiệp và hệ thống văn bằng giáo dục nghề nghiệp trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 với những nhiệm vụ như: Phân tích thị trường lao động Việt Nam, chính sách của chính phủ về giáo dục nghề nghiệp, phát triển và ứng dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, ngành nghề, chương trình đào tạo, hệ thống văn bằng, mối liên kết giữa hệ thống văn bằng, giáo dục nghề nghiệp và ngành công nghiệp,…Đến nay, dự án đã tiến hành được gần 4 tháng và đang trong giai đoạn báo cáo giữa kỳ dự án. Với sự hỗ trợ của WB, KEXIMBANK hy vọng dự án được triển khai đảm bảo tiến độ và đạt chất lượng. Cũng tại hội thảo, các chuyên gia hai nước đã trình bày các chuyên đề, bao gồm: Thị trường lao động Việt Nam; chính sách của chính phủ Việt Nam về giáo dục nghề nghiệp; thực trạng về triển khai và ứng dụng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia; thực trạng của giáo dục nghề nghiệp, các ngành nghề và chương trình đào tạo; hệ thống văn bằng đào tạo nghề; hệ thống pháp luật về giáo dục nghề nghiệp,..
Ông Ha Sang Jin, Trưởng Văn phòng đại diện HRD Hàn Quốc trình bày báo cáo tại Hội thảo
Theo các chuyên gia Hàn Quốc, thị trường lao động Hàn Quốc đã chịu sự tác động mạnh mẽ từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Năm 2015, một nghiên cứu của Chính phủ Hàn Quốc về thị trường lao động đã dự báo trong tương lai có tới trên 52% việc làm được thay thế bởi máy móc và ứng dụng công nghệ, kinh doanh và bán lẻ là hai lĩnh vực được cho là có sự thay đổi nhiều nhất về việc làm, trong khi đó lĩnh vực chuyên gia ít có sự thay đổi. Điều này bắt nguồn từ sự tự động hóa trong sản xuất, kinh doanh với ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin và sử dụng mạng máy tính. Phương thức tiến hành công việc, hình thức tuyển dụng lao động cũng có sự thay đổi theo hướng rất linh hoạt. Về căn bản, trong cách mạng công nghiệp 4.0, người sử dụng lao động đòi hỏi ở người lao động các nhóm năng lực thiết yếu cho công việc, bao gồm: năng lực giải quyết vấn đề, kỹ năng mềm, kiến thức về STEM và năng lực về máy tính và công nghệ thông tin. Giáo dục nghề nghiệp trong tương lai cần tập trung xây dựng, hình thành nguồn nhân lực với tính thông minh xã hội cao nhằm giải quyết những vấn đề phức tạp thông qua sự hợp tác, đồng thời có kỹ năng số để thu thập và phân tích số lượng lớn thông tin. Bên cạnh đó, cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ làm thay đổi cấu trúc nghề nghiệp và việc làm tại Hàn Quốc. Chính phủ Hàn Quốc đã xây dựng kịch bản ứng phó với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để tăng trưởng kinh tế. Điều này làm thay đổi cấu trúc nghề nghiệp và việc làm. Theo dự báo, nhóm việc làm đòi hỏi kỹ năng cao sẽ tăng mạnh. Mặt khác, nhóm việc làm đòi hỏi kỹ năng thấp sẽ sụt giảm mạnh. Trong khi tỷ lệ nhóm lao động chuyên gia được dự đoán tăng, thì nhóm lao động trong lĩnh vực kinh doanh, vận hành máy, trang thiết bị, dây truyền sản xuất, nhóm lao động kỹ năng giản đơn vốn chịu nhiều rủi ro từ tác động của tự động hóa sẽ giảm mạnh.
Toàn cảnh Hội thảo
Phát biểu bế mạc Hội thảo, bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đánh giá cao công tác chuẩn bị của phía Hàn Quốc, sự hỗ trợ tích cực của WB, KEXIMBANK để tổ chức Hội thảo thành công ngày hôm nay. Những nội dung, thông tin, dữ liệu được các chuyên gia hai nước trình bày tại Hội thảo sẽ có ý nghĩa quý báo đối với công tác xây dựng Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn tiếp theo. Phó Tổng cục trưởng cảm ơn Chính phủ Hàn Quốc trong nhiều năm qua đã có những hỗ trợ tích cực đối với sự phát triển của hệ thống giáo dục nghề nghiệp Việt Nam và mong rằng mối quan hệ hợp tác về giáo dục nghề nghiệp tiếp tục được tăng cường và đẩy mạnh trong thời gian sắp tới.