Thời gian qua, ở các vùng nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế khó khăn đầy rẫy những thông tin đăng tuyển lao động giúp việc sang Ả rập Xê út với nội dung hấp dẫn như: không mất chi phí, công việc nhẹ nhàng, lương cao... Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, nhiều lao động do thiếu tỉnh táo trước những lời mời chào hấp dẫn đã phải ngậm ngùi khi đến đất nước Trung Đông.
Tuy nhiên, qua tìm hiểu cho thấy, nhiều lao động do thiếu tỉnh táo trước những lời mời chào hấp dẫn đã phải ngậm ngùi khi đến đất nước Trung Đông.
Xuất ngoại dễ dàng
Từ nhỏ tới giờ, bám trụ sau lũy tre làng nên với chị Nguyễn Thị Vân (thôn 7, xã Cẩm Quan, Cẩm Xuyên), lời mời chào hấp dẫn của những người môi giới về một chuyến đi xuất khẩu lao động (XKLĐ) không mất phí, không mất tiền vé máy bay, lương cao ngất ngưởng đã thôi thúc chị đăng ký đi giúp việc gia đình ở Ả-rập Xê-út.
Lao động được đào tạo một số nghiệp vụ cơ bản trước khi sang giúp việc gia đình tại các nước Trung Đông. (Ảnh minh họa từ internet)
Theo chị Vân: “Không những không mất phí mà sau khi bay, người nhà chúng tôi sẽ được nhận khoản tiền 3 triệu đồng. Họ hứa hẹn lương khởi điểm là 13.000 riyals/tháng (khoảng 7 triệu đồng), những tháng sau sẽ tăng dần đều lên 8,5 triệu, 10 triệu đồng, không làm được thì về”.
Chị Trần Thị Thiển - cán bộ Phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Hai năm trở lại đây, lao động đi làm việc tại Ả-rập Xê-út, chủ yếu là giúp việc gia đình ngày càng tăng. Toàn huyện hiện có 232 lao động đi Ả-rập Xê-út, tập trung ở các xã: Cẩm Hòa, Cẩm Huy, Cẩm Nam... So với các thị trường khác, mức lương khi làm việc ở đất nước Trung Đông này thấp hơn nhưng đổi lại không mất phí nên đây đang là thị trường thu hút lao động, đặc biệt là lao động nghèo ở nông thôn”.
Theo thống kê, Việt Nam có khoảng 15.000 lao động đang làm việc tại Ả-rập Xê-út. Việt Nam bắt đầu đưa lao động sang làm việc tại đất nước này từ năm 2003 và được đẩy mạnh trong những năm gần đây. Thực tế, Ả-rập Xê-út có nhu cầu lao động giúp việc rất lớn, nước này thường xuyên cần khoảng 2 triệu lao động giúp việc và phần lớn đều đến từ các nước châu Á.
Tỉnh táo chọn lựa
Trở lại câu chuyện của chị Nguyễn Thị Vân ở xã Cẩm Quan, sau khi được mời gọi, chị Vân và một số người trong xã khăn gói ra Hà Nội học tiếng để sang Ả-rập Xê-út giúp việc gia đình. Tuy nhiên, chuyến xuất ngoại bất thành, do bản thân họ cảm thấy bất an.
Chị Nguyễn Thị Bình (xóm 7, xã Cẩm Quan), một người cùng đi với chị Vân kể: “Lúc đầu, công ty chúng tôi đăng ký đi là Sông Hồng nhưng ra đến nơi thì lại là một công ty khác có tên bằng tiếng Anh nào đó. Giám đốc của công ty cũng là người khác chứ không phải người mà chúng tôi biết. Thấy mập mờ, mấy chị em xin về nhà thì họ không cho. Sợ quá nên tôi cùng 3 chị khác nhảy hàng rào bỏ trốn, hành lý vẫn còn bỏ lại ở đó, không lấy về được”.
Cũng theo chị Bình, trong hơn 1 tuần học tiếng ở Hà Nội, chỉ có một vài buổi dạy tiếng Ả-rập Xê-út, thời gian còn lại là học tiếng Anh.
Được biết, năm 2015, Phòng LĐ-TB&XH huyện Cẩm Xuyên đã cấp giấy giới thiệu cho 3 doanh nghiệp (DN) về các xã để tư vấn, tuyển dụng lao động đi Ả-rập Xê-út. “Theo quy định, hàng năm, các DN phải báo cáo tình hình của lao động khi đã sang nước bạn nhưng hầu như không thực hiện. Chỉ khi chúng tôi yêu cầu thì các DN mới báo cáo” - chị Trần Thị Thiển cho biết thêm.
Theo tìm hiểu, trước đây, nguồn cung lao động giúp việc của Ả-rập Xê-út chủ yếu đến từ Indonesia và Philipines. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nguồn cung này bị hạn chế sau vụ một người giúp việc Indonesia bị hành quyết vì bị kết tội giết chủ nhà. Indonesia và Philipines đã cấm người giúp việc nước họ không được tới làm việc ở quốc gia này để lên án tình trạng ngược đãi, lạm dụng người giúp việc cũng như đòi hỏi các điều kiện làm việc và phúc lợi xã hội tốt hơn cho họ.
Sau vụ việc này, Ả-rập Xê-út đã chuyển hướng sang thị trường Việt Nam và Campuchia. Với thủ tục đưa và tiếp nhận lao động tương đối đơn giản, người lao động gần như không mất phí, trong khi DN cung ứng được đối tác trả phí tuyển dụng cao, các DN nhanh chóng “chớp cơ hội” ở thị trường này. Tuy nhiên, sự dễ dàng cũng đi kèm vô vàn rủi ro, vì đây là thị trường rất phức tạp.
Ông Đặng Văn Dũng - Trưởng phòng Lao động - Việc làm, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết: “Ả-rập Xê-út không phải là thị trường hấp dẫn đối với lao động Việt Nam. Tiền lương và điều kiện lao động ở quốc gia này chỉ nhỉnh hơn trong nước một chút, trong khi điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đặc biệt là văn hóa tín ngưỡng khác biệt, trong đó, có quan niệm về chủ - thợ”.
Ông Dũng cũng khuyến cáo người lao động muốn sang nước này làm việc cần tìm hiểu kỹ các thông tin về văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán, tôn giáo, các quy định pháp lý trong hợp đồng và phải có sức khỏe. Đặc biệt, lao động cần cảnh giác, kiểm tra kỹ tư cách pháp nhân của cơ sở tuyển lao động sang nước ngoài làm việc. Đồng thời, tìm đến qua những thông tin tuyển dụng được Bộ LĐ-TB&XH đăng tải, giới thiệu hay cơ sở tuyển lao động uy tín có giấy phép trong lĩnh vực này để có được thông tin chính xác và đảm bảo về quyền, lợi ích khi tham gia lao động tại Ả-rập Xê-út.