Thời gian gần đây,một số vụ việc học sinh đánh nhau được quay clip phát lên mạng xã hội khiến dư luận bức xúc, gióng lên hồi chuông về tình trạng bạo lực học đường. Nhiều giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường đã được các nhà trường phối hợp triển khai và đạt được kết quả bước đầu. Tối 27/5, thông tin từ Công an thị trấn Phố Châu (Hương Sơn), đơn vị đang vào cuộc điều tra vụ bạo lực liên quan đến các em học sinh đánh nhau xảy ra trên địa bàn. Theo đó, vào khoảng 11h15 cùng ngày, sau khi tan học, em Nguyễn Thị H. (học sinh lớp 11), Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) huyện Hương Sơn ăn quà trước quán Hằng Thắng (thuộc địa bàn TDP 9, thị trấn Phố Châu, huyện Hương Sơn) thì bị một nhóm nữ sinh của trường THPT Hương Sơn và Trung tâm GDTX huyện đánh hội đồng trước sự chứng kiến của rất nhiều bạn, thậm chí có bạn nam thản nhiên cầm máy quay clip chứ không hề can ngăn. Sự việc chỉ dừng lại khi một số người lớn phát hiện, ra can ngăn, H. được đưa vào bệnh viện cấp cứu. Trước đó, ngày 19/5, trên địa bàn huyện Kỳ Anh cũng xảy ra vụ việc một nhóm nữ sinh đánh nhau hội đồng do có mâu thuẫ̃n liên quan bán đồ online. Nhóm nữ sinh gồm 5 em đều học lớp 10, Trường THPT Nguyễn Thị Bích Châu bắt em Hồ Thị Ngọc H., lớp 8G - trường THCS Kỳ Khang (huyện Kỳ Anh) quỳ gối, đánh đập, văng tục, miệt thị rồi dùng điện thoại quay clip. Clip này sau đó bị đưa lên mạng xã hội.
Một lớp nói chuyện chuyên đề về bạo lực học đường tại trường
Lực lượng công an, các nhà trường đã kịp thời vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm minh nhưng qua các vụ việc xảy ra cho thấy, tình trạng bạo lực học đường đang có xu hướng ngày càng nghiêm trọng. Đáng lo ngại là vụ việc xảy ra ngay trước mặt nhiều người, một số học sinh tỏ thái độ vô cảm khi đứng ngoài cuộc chứng kiến, thậm chí quay clip tung lên mạng. Để hạn chế, tình trạng bạo lực học đường, thời gian qua, UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng đã có công văn chỉ đạo thực hiện quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. Triển khai tinh thần chỉ đạo của tỉnh, các trường học trên địa bàn Hà Tĩnh đã tiến hành quán triệt đến tận cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh. Báo cáo từ Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho thấy, đến thời điểm hiện tại, 100% trường học trên địa bàn đã xây dựng bộ quy tắc ứng xử trong trường học với những nội dung: chuẩn mực, giá trị và hành vi ứng xử văn hóa thông qua các hoạt động giao tiếp, sinh hoạt giảng dạy, học tập; đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với phong trào thi đua “Đổi mới sáng tạo trong dạy học”, cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhằm tăng cường kỹ năng sống cho học sinh, các trường cũng thường xuyên quán triệt các quy định về văn hóa, giao tiếp ứng xử. Đặc biệt trong đó là các quy định về thực hiện nề nếp, trang phục, an toàn giao thông, sử dụng các trang mạng xã hội; xây dựng các đội xung kích, đội an ninh mạng thường xuyên kiểm tra việc thực hiện nề nếp, trang phục, văn hóa giao thông, văn hóa sử dụng mạng xã hội trong học sinh. Hình thành lối sống đẹp cho học sinh, nhiều trường học phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên các cấp tuyên truyền, vận động các em không nói tục, chửi thề, hình thành thói quen đọc sách báo mỗi ngày, rèn luyện tác phong học tập, làm việc khoa học, đúng giờ, tinh thần sống, lao động, sáng tạo vì cộng đồng, tập thể. Các trường còn đẩy mạnh tổ chức các hoạt động ngoại khóa như: Hành trình về nguồn, đến với bảo tàng, các địa danh lịch sử; hành trình theo chân Bác, hoạt động đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn ….Qua đó đã khắc sâu truyền thống, niềm tự hào về quê hương, đất nước đối với thế hệ trẻ, giúp các em ý thức rõ vai trò, trách nhiệm của mình đối với quê hương đất nước, ra sức rèn luyện, tu dưỡng để xứng đáng là chủ nhân tương lai của đất nước.
Việc tổ chức các hoạt động sân khấu hóa, diễn đàn đối thoại đã trở thành giải pháp hạn chế tình trạng bạo lực học đường
Thầy Trần Xuân Thắng- Bí thư Đoàn trường THPT Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Để tạo môi trường lành mạnh cho học sinh, thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức nhiều sân chơi ngoại khóa bổ ích, hấp dẫ̃n như: Hội thi xây dựng tình bạn đẹp, nói không với bạo lực học đường; tổ chức đối thoại giữa cán bộ quản lý nhà trường với học sinh; các câu lạc bộ tư vấn tâm lý… thông qua đó nắm bắt kịp thời những diễn biến tâm lý, tư tưởng của các em để kịp thời giải đáp, tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc”. Từ các giải pháp đó, ở các trường học đã xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương người tốt việc tốt, các mô hình, điển hình về văn hóa ứng xử của giáo viên, học sinh như: Nhặt được của rơi, trả người đánh mất, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn, dũng cảm cứu người, hay những tấm gương hoạt động tình nguyện, thiện nguyện, sáng tạo vì cộng đồng… “Theo thống kê chưa đầy đủ, trung bình mỗi năm học, các trường học trên địa bàn toàn tỉnh đã xây dựng hơn 100 CLB học tập; 730 CLB văn hóa, gần 700 CLB thể thao… với những hoạt động bổ ích, lành mạnh đã góp phần tạo nên phong trào thi đua học tập, gắn kết tình bạn, đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường” - thầy Nguyễn Duy Ngọc - Trưởng phòng Chính trị Tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết. Những hoạt động ý nghĩa đó đã góp phần không nhỏ trong việc đẩy lùi bạo lực học đường. Những va chạm xích mích dù nhỏ của các em cơ bản đã kịp thời được hóa giải. Tuy nhiên để chấm dứt tình trạng này là điều không dễ, bởi thế, ngoài trách nhiệm của nhà trường, các ban ngành liên quan, và ý thức tu dưỡng của mỗi học sinh, các gia đình cũng cần phát huy vai trò trong quản lý, giáo dục con em mình.