Nhìn lại sau 4 năm thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW ngày 5/11/2012 của Bộ Chính trị và 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TU ngày 27/5/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em Hà Tĩnh đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận.
Hà Tĩnh tiếp tục nâng cao hoạt động chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em
Ngay sau khi có Chỉ thị của Bộ Chính trị, Sở Lao động Thương binh và Xã hội với trách nhiệm là cơ quan Thường trực đã kịp thời tham mưu Tỉnh ủy, UBND ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phối hợp triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đảm bảo các quyền cơ bản của trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em được quan tâm kịp thời, tỷ lệ trẻ em được tiêm chủng mở rộng và uống vitamin A hàng năm đạt tỷ lệ cao (Trên 96%); tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi đạt 19% năm 2010 giảm xuống 14 % cuối năm 2015; công tác khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế công lập thực hiện đạt kết quả tốt. Sự nghiệp giáo dục và đào tạo có những bước phát triển vượt bậc; quy mô, mạng lưới trường, lớp được bố trí hợp lý; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được chuẩn hóa hàng năm; chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn được nâng lên; tỷ lệ huy động trẻ các cấp đến trường gia tăng hàng năm; nhiều em đã đạt thành tích cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế trên các lĩnh vực học tập, sáng tạo, thể dục thể thao, văn hóa, nghệ thuật và tham gia hoạt động xã hội.
Sở Lao động - TBXH phối hợp với UBND huyện Nghi Xuân tổ chức Chương trình Vui Hội trăng rằm |
Công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ngày càng được các cấp, các ngành và toàn xã hội quan tâm và có nhiều hoạt động thiết thực hơn: toàn tỉnh hiện nay có gần 10.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và trên 15.000 trẻ em sống trong các hộ gia đình nghèo. Trong giai đoạn 2010-2015, Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp đã huy động trên 60 tỷ đồng để thực hiện các chương trình chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, đã hỗ trợ cho 110,731 lượt trẻ em, trong đó có 761 em phẫu thuật và phục hồi chức năng, 588 em phẫu thuật xơ hóa cơ Delta, 156 em được hỗ trợ thông qua chương trình “Vì ánh mắt trẻ thơ”, 360 em được hỗ trợ phẫu thuật tim bẩm sinh, 1.648 lượt em được cấp học bổng, 3.935 trẻ em được cấp xe đạp, xe lăn, cặp phao, cặp sách và áo ấm mùa đông.... Trong những tháng đầu năm 2016, đã có trên 30 nghìn trẻ em được tư vấn, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi, tặng quà, trao học bổng và hỗ trợ phẫu thuật với tổng kinh phí gần 10 tỷ đồng. Đời sống văn hóa, tinh thần, vui chơi, giải trí, phúc lợi xã hội và các quyền trẻ em ngày càng bảo đảm; hàng năm các cấp, các ngành và địa phương tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, giáo dục truyền thống, Diễn đàn trẻ em các cấp, hội trại, sinh hoạt câu lạc bộ, tổ chức các lớp dạy kỹ năng sống….đã giúp trẻ phát huy được vai trò chủ động tích cực, tự tin tham gia vào các hoạt động tại gia đình, nhà trường và xã hội. Bên cạnh những thành tích đạt được, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ còn một số khó khăn, thách thức: trẻ em bị tai nạn thương tích và tử vong do đuối nước còn cao (Trong giai đoạn 2011-2015, toàn tỉnh có 169 em tử vong do đuối nước và hàng chục trẻ em tử vong do các tai nạn thương tích khác, 6 tháng đầu năm 2016 đã có 17 em tử vong do tai nạn thương tích); các điểm vui chơi dành cho trẻ em còn thiếu, chưa đáp ứng được nhu cầu của trẻ em; một số trò chơi trực tuyến trên mạng Internet đã tác động xấu đến trẻ em; tình trạng sao nhãng, phân biệt đối xử, ngược đãi, bạo lực học đường, bạo lực bạo hành gia đình, xâm hại trẻ em đâu đó vẫn xảy ra; số trẻ em vi phạm pháp luật, trẻ em bỏ học không được đến trường vẫn còn… Để công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em đạt hiệu quả cao, cần sự vào cuộc, chung tay và góp sức của các cấp, các ngành và địa phương với những việc làm thiết thực, cụ thể sau: Tiếp tục thực hiện các chương trình, kế hoạch về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em đã ban hành như: Quyết định phê duyệt Chương trình hành động vì trẻ em Hà Tĩnh giai đoạn 2012-2020; kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định 34 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tiêu chuẩn xã, phường, thị trấn phù hợp với trẻ em; kế hoạch triển khai thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em Hà Tĩnh giai đoạn 2016 - 2020; kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em giai đoạn 2016-2020; kế hoạch về việc thực hiện Quyết định 55a của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ phẫu thuật tim cho trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh; kế hoạch về thực hiện Chương trình thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em vào các vấn đề về trẻ em; kế hoạch hành động vì trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS.
Tổ chức khám mắt cho trẻ em |
Đẩy mạnh và tăng cường đổi mới hoạt động truyền thông, giáo dục, kêu gọi các tổ chức, cộng đồng, gia đình, cá nhân và trẻ em tham gia rộng rãi, tích cực thực hiện các quyền của trẻ em, chung tay giải quyết các vấn đề về trẻ em của địa phương. Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, vui chơi, thể dục thể thao và các hoạt động chăm sóc trẻ em nhân các ngày Lễ, Tết thiếu nhi. Thăm hỏi, tặng quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; kịp thời hỗ trợ, động viên trẻ em gặp tai nạn rủi ro….Tổ chức các sự kiện, hoạt động biểu dương, trao đổi kinh nghiệm để nhân rộng những tập thể, cá nhân có sáng kiến, đóng góp bền bỉ, tích cực, hiệu quả vào sự nghiệp chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Các địa phương cần sớm kiện toàn Ban bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, tập huấn nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em. Tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát liên ngành, cơ sở trong việc triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch bảo vệ, chăm sóc trẻ em theo quy định. Tập trung chỉ đạo cơ sở xây dựng và nhân rộng mô hình bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phát huy có hiệu quả các mô hình đã đi vào hoạt động, phấn đấu 100% huyện, thành phố, thị xã có mô hình hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh việc thực hiện quyền trẻ em, giải quyết các vấn đề về trẻ em vào các chương trình, kế hoạch công tác năm 2016 và giai đoạn 2016 ; 2020. Bố trí ngân sách, vận động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực dành cho trẻ em, nhất là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động của Quỹ bảo trợ trẻ em các cấp. Trẻ em là hạnh phúc của mỗi gia đình, là chủ nhân tương lai của đất nước, là lớp người kế tục sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; hưởng ứng Tháng hành động vì trẻ em năm 2016 với chủ đề”Vì cuộc sống an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ em”; ngoài những việc làm cụ thể trên, các cấp, các ngành và địa phương cần tích cực xây dựng các chương trình, kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo, tọa đàm trao đổi kiến thức; nhân rộng các mô hình học bơi, dạy bơi và phòng chống đuối nước cho trẻ em; xây dựng và thực hiện tốt các tiêu chuẩn về Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn, Cộng đồng an toàn cho trẻ em…./.