Đó là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo thực hiện BHXH, BHYT toàn dân vào chiều 22/4 nhằm triển khai Kế hoạch số 61 của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết 28-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng về cải cách chính sách BHXH.
Cùng làm việc có lãnh đạo một số cơ quan, ban, ngành, lãnh đạo BHXH tỉnh.
Theo báo cáo tình hình thực hiện bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân năm 2018 của BHXH tỉnh, năm 2018, tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân đạt 88%, vượt 4,2% so với chỉ tiêu Chính phủ giao. Tổng thu các loại hình bảo hiểm đạt 2.343 tỷ đồng, đạt 103% kế hoạch được giao. Tổng chi BHXH, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) là 3.255 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2017. Trong đó, chi từ nguồn ngân sách là 1.370 tỷ đồng, chi từ nguồn Quỹ BHXH 1.831 tỷ đồng, từ nguồn Quỹ BHTN là 54 tỷ đồng. Tổng chi khám chữa bệnh BHYT là 1.388 tỷ đồng, vượt nguồn kinh phí khám chữa bệnh được giao 129 tỷ đồng.
Giám đốc BHXH tỉnh Hoàng Văn Minh báo cáo kết quả thực hiện BHXH, BHYT năm 2018.
Đến nay, toàn tỉnh có gần 4.000 đơn vị tham gia đăng ký giao dịch điện tử; tiếp nhận xử lý trực tiếp mức độ 3 là 31.000 hồ sơ các loại; giám định trên phần mềm giao dịch quản lý chi phí khám, chữa bệnh BHYT 1,7 triệu lượt hồ sơ, đạt tỷ lệ 99%; cắt giảm còn 28 thủ tục hành chính, trong đó có 19 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3.
Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thị Hải Lý: Cần xác định rõ những nguyên nhân chủ quan về trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân trong phát triển các đối tượng BHYT.
Báo cáo cũng thẳng thắn nêu rõ một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền BHXH, BHYT, BHTN chưa chuyên sâu; công tác thanh tra, xử lý vi phạm về lĩnh vực BHXH, BHYT còn nhiều hạn chế, thiếu kịp thời và kiên quyết; tỷ lệ và cơ cấu các nhóm tham gia BHYT còn thiếu bền vững, phụ thuộc lớn vào chính sách xã hội của nhà nước. Tỷ lệ tham gia BHYT của khối học sinh, sinh viên còn đạt thấp, đến nay mới chỉ đạt tỷ lệ bao phủ 91%; tình trạng nợ, chậm đóng BHXH vẫn xảy ra ở hầu hết các địa phương. Năng lực chuyên môn, chất lượng khám chữa bệnh giữa các bệnh viện tuyến huyện vẫn chưa đồng đều; công tác quản lý người hưởng chính sách BHXH ngắn hạn vẫn chưa chặt chẽ…
Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tuấn: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bội chi Quỹ BHYT, trong đó chính sách thông tuyến khám chữa bệnh BHYT, mở rộng quyền lợi người bệnh BHYT...
Để thực hiện nhiệm vụ năm 2019, BHXH tỉnh đề nghị Sở KH&ĐT đưa chỉ tiêu thực hiện BHXH vào chỉ tiêu phát triển KT- XH của tỉnh hàng năm; ngành y tế nâng cao chất lượng khám chữa bệnh BHYT, thực hiện các giải pháp kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT… BHXH tỉnh cũng đưa ra 2 phương án, đề xuất UBND tỉnh trình HĐND tỉnh trích ngân sách hỗ trợ thêm 20% mức đóng BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên đang học tại các trường công lập: Hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho học sinh, sinh viên thuộc các gia đình làm nông, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình tham gia BHYT tại trường; hỗ trợ 20% mức đóng BHYT cho tất cả học sinh, sinh viên chưa có thẻ BHYT.
Phó Giám đốc Sở LĐ – TB & XH Võ Xuân Linh: Cần tăng cường phối hợp liên thông, kết nối quản lý dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu người lao động nhằm tạo sự thống nhất trong chỉ đạo thực hiện.
Thảo luận tại cuộc họp, nhiều đại biểu đồng tình với phương án 1 mà BHXH đề xuất UBND tỉnh hỗ trợ BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên. Đại diện một số cơ quan, đơn vị cũng đã chỉ ra nhiều nguyên nhân và đề xuất một số giải pháp khắc phục như: Đẩy mạnh và đa dạng các hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền trực tiếp đối với phát triển BHYT. Tăng cường phối hợp liên thông, kết nối quản lý dữ liệu doanh nghiệp, dữ liệu người lao động; có cơ chế, chính sách hợp lý để phát triển đối tượng BHXH tự nguyện; nâng cao vai trò người đứng đầu ở BHXH các huyện nhằm tăng hiệu quả phối hợp; có giải pháp để tiếp cận đối tượng, phát triển BHXH tự nguyện...
Phó Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Văn Đồng: BHXH tỉnh cần đề xuất giải pháp khác trong chính sách hỗ trợ phí đóng BHYT cho đối tượng học sinh, sinh viên.
Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh biểu dương những kết quả đạt được về BHXH trong năm 2018. Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cũng chỉ rõ, thời gian qua, BHXH tỉnh chưa thực sự sâu sát trong việc tuyên truyền và phối hợp với các sở, ban, ngành nên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của tỉnh. Các đơn vị thanh tra, kiểm tra chưa làm hết trách nhiệm của mình trong việc xử lý nợ đọng. Một số địa phương chưa nêu cao trách nhiệm trong phối hợp với BHXH trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia BHXH, BHYT.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Thời gian qua, BHXH tỉnh chưa thực sự sâu sát trong việc tuyên truyền và phối hợp với các sở, ban, ngành nên kết quả đạt được chưa tương xứng với tiềm năng thực tế của tỉnh
Về thực hiện nhiệm vụ năm 2019, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị: BHXH và các sở, ban, ngành, địa phương bám sát các chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Trung ương để thực hiện tốt các chỉ tiêu được giao; tiếp tục tập trung tuyên truyền về chính sách BHXH, BHYT, BHTN; công bố tên các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH. Cùng với đó, tập trung phát triển đối tượng BHXH, nhất là BHYT; ngành y tế phối hợp chặt chẽ hơn với BHXH nhằm giảm bội chi BHYT. Đẩy mạnh hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát các doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng BHXH; BHXH tỉnh nghiên cứu để có cơ chế, chính sách hỗ trợ hợp lý đối với các đối tượng tham gia BHXH....