Cùng với việc tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm trong công tác giảm nghèo, tỉnh Hà Tĩnh cũng đặc biệt chú trọng công tác nâng cao năng lực và giám sát, đánh giá Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhằm kịp thời phát hiện những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở năm 2023 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh
Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hà Tĩnh chủ trì tổ chức từ 13 - 15 hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp. Ngoài ra, UBND cấp huyện tổ chức 01 hội nghị tập huấn/năm. 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo các cấp thường xuyên được nâng cao năng lực, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác giảm nghèo. Dự kiến tổng kinh phí giải ngân giai đoạn 2021 – 2023 là 8,842 triệu đồng (ngân sách trung ương: 8.038 triệu đồng, ngân sách địa phương: 804 triệu đồng).
Đối với Tiểu dự án 2: Giám sát, đánh giá Chương trình, tỉnh tổ chức các hoạt động giám sát thường xuyên và định kỳ cập nhật các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện Chương trình giảm nghèo; Tổ chức các hoạt động kiểm tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất, nhằm kiểm tra việc chấp hành quy định của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan. Theo đó: Cấp tỉnh tổ chức 01 - 02 đợt kiểm tra, giá sát/năm; cấp huyện tổ chức 01 đợt/năm. Ngoài ra, còn tổ chức các hoạt động đánh giá định kỳ (bao gồm: đánh giá đầu kỳ, đánh giá giữa kỳ và đánh giá cuối kỳ). Thực hiện chế độ thu thập thông tin, báo cáo kiểm tra và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình. Dự kiến tổng kinh phí giải ngân giai đoạn 2021 – 2023 là 4.715 triệu đồng (ngân sách trung ương: 4.286 triệu đồng, ngân sách địa phương: 429 triệu đồng).
Tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kế hoạch giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh, với mục tiêu kiểm tra, giám sát, đánh giá việc chấp hành các quy định về quản lý Chương trình; kịp thời phát hiện khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện ở các đơn vị, địa phương, trên cơ sở đó đề xuất các giải pháp khắc phục và kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý. Tỉnh yêu cầu quá trình tổ chức kiểm tra, giám sát phải tuân thủ theo đúng trình tự, nội dung được quy định tại Thông tư số 10/2022/TT-BLĐTBXHvà phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng đơn vị, địa phương.
Các đại biểu tham gia Hội nghị tập huấn
Công tác kiểm tra, giám sát tập trung vào các nội dung như: Kiểm tra hệ thống văn bản ban hành và các hoạt động truyền thông, tập huấn hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình. Kiểm tra tiến độ, kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ, khối lượng thực hiện các nội dung, hoạt động của các dự án thành phần thuộc Chương trình. Kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch vốn, dự toán ngân sách nhà nước: huy động, sử dụng vốn thực hiện Chương trình, dự án thành phần; tình hình sử dụng vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình và dự án thành phần (giải ngân, thanh toán, quyết toán). Kiểm tra việc chấp hành các quy định về quản lý Chương trình; chế độ kiểm tra, giám sát, đánh giá; các biện pháp xử lý các vấn đề vi phạm đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện (nếu có). Kiểm tra việc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về tình hình, kết quả thực hiện Chương trình; kết quả xử lý các vướng mắc, khó khăn thuộc thẩm quyền và kiến nghị đề xuất đối với các cơ quan cấp trên.
Phương pháp kiểm tra, giám sát gồm: Thu thập hồ sơ, tài liệu liên quan; Khảo sát, kiểm tra, giám sát thực tế; Tham vấn lãnh đạo: Cấp ủy, HĐND, UBND, UB MTTQ cấp xã; Tham vấn Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố và các đối tượng thụ hưởng để đánh giá mức độ tiếp cận và hưởng thụ các chính sách, dự án thuộc Chương trình.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, xử lý những khó khăn, vướng mắc (nếu có). Hàng năm, ban hành Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chương trình và các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Tổ chức thực hiện việc kiểm tra, giám sát đối với cấp huyện, các đơn vị trực tiếp triển khai dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình; hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tổ chức thực hiện công tác giám sát, đánh giá theo quy định. Tổng hợp kết quả kiểm tra, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình trên địa bàn toàn tỉnh trình UBND tỉnh báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ, cơ quan trung ương chủ trì dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình; đồng thời tổng hợp, cập nhật báo cáo trên Hệ thống quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững theo quy định. Theo dõi, đôn đốc và kiểm tra kết quả khắc phục những tồn tại (nếu có) của đơn vị được kiểm tra, giám sát.
Các sở, ban, ngành, đơn vị chủ trì, quản lý, tham gia thực hiện các dự án, tiểu dự án, nội dung thành phần thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo hướng dẫn UBND cấp huyện, cấp xã tự tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình do sở, ban, ngành, đơn vị chủ trì. Tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình do sở, ban, ngành, đơn vị chủ trì theo quy định; thực hiện chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội./.