Sáng 15/11, tại thị xã Hồng Lĩnh, UBND tỉnh Hà Tĩnh tổ chức phát động “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới năm 2017”. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh tới dự và phát biểu chỉ đạo.
Các tiểu phẩm về bình đẳng giới được thể hiện tại buổi lễ phát động
Theo thống kê, hiện tỷ lệ tham gia cấp ủy, HĐND các cấp của cán bộ nữ tại Hà Tĩnh cao hơn bình quân chung cả nước. Hiện, Hà Tĩnh có 2 nữ ủy viên BTV Tỉnh ủy; 19 nữ ủy viên BTV cấp huyện; 98 nữ ủy viên BTV cấp xã. Tỷ lệ nữ giữ chức vụ trưởng, phó phòng thuộc sở, ngành cấp tỉnh chiếm 14,5%, cấp huyện chiếm 13,8%; nữ giữ chức vụ trưởng các đoàn thể chiếm 33%, phó đoàn thể chiếm 41%.
Quy mô, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nữ ngày càng được tăng cường, chiếm 53%. Trình độ chuyên môn, năng lực lãnh đạo của đội ngũ nữ cán bộ, công chức ngày càng được nâng cao; tỷ lệ có trình độ tiến sỹ chiếm 21%, thạc sỹ chiếm 35%, đại học và cao đẳng chiếm 55%.
Hiện nay, Hà Tĩnh có 725 doanh nghiệp, hộ gia đình SX-KD do phụ nữ làm chủ, chiếm tỷ lệ 36,6%, trong đó có 400 nữ làm giám đốc, 325 nữ làm phó giám đốc; hơn 6.000 mô hình kinh tế trong chương trình xây dựng nông thôn mới do phụ nữ làm chủ, trong đó có 2.520 mô hình có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm.
Toàn tỉnh đã hình thành được đội ngũ cộng tác viên nghề công tác xã hội, với 1.400 thành viên; xây dựng 850 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng hỗ trợ các nạn nân bị bạo lực; 430 câu lạc bộ, 213 mô hình truyền thông về bình đẳng giới. Số vụ bạo lực trên cơ sở giới đã giảm từ 1.244 vụ năm 2011 xuống còn 122 vụ năm 2016. Đến nay, 78,59% nạn nhân bị bạo lực và người gây bạo lực được tiếp cận các hoạt động hỗ trợ.
Lãnh đạo tỉnh chứng kiến các địa phương cam kết thực hiện chương trình hành động Tháng hành động vì bình đẳng giới.
Phát biểu tại buổi lễ phát động, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đề nghị các địa phương, sở ngành, đoàn thể, trường học tập trung tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới. Trọng tâm là tuyên truyền, quán triệt Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống bạo lực gia đình; Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới; Tháng hành động về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực trên cơ sở giới...
Đồng thời, thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các giải pháp nhằm từng bước bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội tham gia và thụ hưởng; bình đẳng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, GD&ĐT, khoa học, công nghệ, tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới; tăng cường tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành vì sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới tại các cơ quan, đơn vị và địa phương...