Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ được đẩy mạnh, đã tạo được sự thống nhất trong tư tưởng, nhận thức và chuyển biến rõ rệt trong hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong toàn tỉnh đối với công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ góp phần quan trọng vào việc thực hiện Luật Bình đẳng giới, nâng cao vị thế của phụ nữ trong tình hình mới.
Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về Luật bình đẳng giới và các văn bản hướng dẫn thi hành trong 10 năm qua được triển khai sâu rộng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú về nội dung và đạt hiệu quả cao: phát hành một năm 02 số tập san “Phụ nữ và phát triển” mỗi số 2000 cuốn phát đến tận cơ sở. Biên soạn 02 bộ tài liệu tập huấn, 08 chuyên đề, 5.000 cuốn sổ tay công tác, 10 ngàn tờ rơi tuyên truyền về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ . Nhân bản 800 cuốn sổ tay “ Cẩm nang dành cho nữ ứng viên đại biểu HĐND, UBND cấp huyện, xã”; 500 cuốn tài liệu “ Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị”; 2.000 tờ rơi tuyên truyền về phụ nữ tham gia chính trị; 5.000 ap phích truyền thông với nội dung ủng hộ những phụ nữ ưu tú tham gia Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp. Trong 10 năm qua, trên toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 213 mô hình, 430 câu lạc bộ bình đẳng giới, phòng chống bạo lực trên cơ sở giới, CLB gia đình hạnh phúc…; triển khai 58 mô hình về bình đẳng giới tại các xã, phường, thị trấn phù hợp với đặc điểm, thế mạnh của mỗi ngành, đoàn thể, địa phương và phù hợp với từng nhóm đối tượng như mô hình: “Dịch vụ tư vấn, hỗ trợ về bình đẳng giới”; “Phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái”; “Xây dựng sửa đổi quy ước, hương ước đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới”; “Truyền thông về bình đẳng giới”; “Nâng cao nhận thức về bình đẳng giới đối với vị thành niên”; “Ngăn ngừa và giảm thiểu tác hại của bạo lực trên cơ sở giới”; “Hỗ trợ phụ nữ tạo việc làm, khởi sự và phát triển doanh nghiệp”. Bên cạnh đó 40 cuộc tập huấn cấp tỉnh, 218 cuộc tập huấn tại các đơn vị, địa phương được tổ chức nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết về các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật về bình đẳng giới và các nội dụng liên quan đến công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Tổ chức các cuộc hội thảo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng, hỗ trợ vận động bầu cử cho nữ ứng viên tiềm năng. Xây dựng các phóng sự về thực hiện các giải pháp tăng cường tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND các cấp. Tổ chức các hội nghị tập huấn cho đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cán bộ Tư pháp, thành viên Ban công tác mặt trận các cấp. Tổ chức thành công cuộc thi “Công dân Hà Tĩnh với bình đẳng giới” đã thu hút gần 125 ngàn bài thi của đông đảo các tầng lớp nhân dân trong toàn tỉnh. Đây là cuộc thi được Trung ương đánh giá cao và được nhân rộng, tổ chức trên phạm vi toàn quốc. Tổ chức các cuộc thi “Tìm hiểu chính sách, pháp luật về bình đẳng giới” với gần 130 ngàn thí sinh tham dự; thi tìm hiểu pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở, báo cáo viên pháp luật từ cấp cơ sở đến cấp tỉnh. Qua đó chúng ta thấy được tầm quan trọng của công tác tuyên truyền trong công tác bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ. Vì vậy có thể khẳng định công tác tuyên truyền là một trong những yếu tố tiên quyết đến hiệu của hoạt động bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ trong tình hình hiện nay.