Các mô hình sinh kế ý nghĩa thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 đã tiếp tục giúp các hộ nghèo, cận nghèo ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) vơi bớt khó khăn, cải thiện việc làm và thu nhập.
Bà Lê Thị Địu ở xã Phù Lưu phấn khởi vì được hỗ trợ 11 triệu đồng thực hiện mô hình sinh kế nuôi bò thịt.
Cách đây hơn 2 tháng, bà Lê Thị Địu ở thôn Thanh Mỹ, xã Phù Lưu (là hộ nghèo, thuộc diện đơn thân) đã được ngành LĐ-TB&XH hỗ trợ một con bê lai đực theo dự án nuôi bò thịt của Chương trình mục tiêu quốc giảm nghèo bền vững năm 2023. Nhận được món quà ý nghĩa này, bà Địu vui lắm, lúc nào bà cũng quẩn quanh bên chuồng trại, nhìn ngắm con vật nuôi đầy hi vọng.
Bà Lê Thị Địu chia sẻ: “Khi nghe tin được Phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà và chính quyền xã Phù Lưu chọn lựa hỗ trợ 11 triệu đồng nuôi bò, tôi rất vui. Tôi cũng đã mạnh dạn vay mượn thêm người thân 4 triệu đồng để mua 1 con bê lai loại lớn, chất lượng giống tốt cho dễ chăm sóc. Tôi hi vọng sẽ có một khoản tiền lớn sau 6-8 tháng nữa”.
Dù tất bật với việc đồng áng nhưng anh Phùng Văn Hiền luôn dành nhiều thời gian chăm sóc con bê vừa được hỗ trợ mua cách đây khoảng 2 tháng.
Cách nhà bà Địu không xa, anh Phùng Văn Hiền ở cùng thôn Thanh Mỹ cũng rất vui vì mới được Phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà và chính quyền địa phương hỗ trợ 8 triệu đồng nuôi bò sinh kế để hướng tới mục tiêu thoát khỏi danh sách hộ cận nghèo. Người nông dân này cũng quyết tâm chăm sóc con vật nuôi thật tốt, nhen nhóm tương lai sẽ có cuộc sống khấm khá hơn.
Anh Hiền phấn khởi: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, con gái đầu đang học đại học, con trai bị tật bẩm sinh. Vừa rồi, cháu lớn không có tiền đóng học phí nên gia đình phải bán tài sản lớn nhất trong gia đình (con bò) để lo liệu. Số tiền dư còn lại không đủ mua bê giống khiến tôi rất bất an. May mắn gia đình tôi được chương trình giảm nghèo bền vững hỗ trợ 8 triệu đồng, đủ tiền mua bê giống 14 triệu đồng về nuôi làm của để dành”.
Cán bộ chính sách xã Phù Lưu đi kiểm tra, động viên, nhắc nhở các hộ được hưởng lợi từ các mô hình sinh kế lựa chọn con giống tốt, chịu khó chăm sóc vật nuôi.
Ông Đặng Văn Hòa – Trưởng thôn Thanh Mỹ (xã Phù Lưu) cho biết: “Thôn hiện có 15 hộ khó khăn nên việc được thụ hưởng chính sách giảm nghèo có ý nghĩa rất lớn. Riêng năm 2023, có 5 hộ được hỗ trợ bê và gà khiến bà con rất vui. Để sinh kế đến với các hộ khó khăn phát huy tốt hiệu quả, tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên, hướng dẫn các hộ chăm sóc, bảo vệ vật nuôi, không bán “non”, không để mất vốn...”.
Chị Phan Thị Hân - cán bộ chính sách xã Phù Lưu thông tin: “Các hộ nghèo, cận nghèo, vừa thoát nghèo có nhu cầu cải thiện sinh kế trên địa bàn đã và đang được xem xét, lựa chọn hỗ trợ. Năm 2023, toàn xã đã có thêm 31 hộ được hỗ trợ từ 6 - 11 triệu đồng mua bê giống (tùy đối tượng) và 24 hộ được hỗ trợ 155 triệu đồng mua gà giống. Bên cạnh thực hiện kịp thời, đúng đối tượng, đúng mục đích, chúng tôi cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, động viên các hộ được hưởng lợi phải duy trì hiệu quả đàn vật nuôi để phục vụ cho mục tiêu giảm nghèo”.
Hỗ trợ gà, thức ăn, chế phẩm sinh học... cho hộ nghèo, cận nghèo ở xã Thạch Mỹ.
Xã Tân Lộc được xem là một trong những địa phương tốt nhất huyện về thực hiện mô hình sinh kế gà của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023. Ngoài 22 hộ được hỗ trợ nuôi bò, địa phương này có 16 hộ khó khăn được hỗ trợ 1.449 con gà giống, 1.650 kg thức ăn công nghiệp, 105 gói chế phẩm sinh học... với tổng kinh phí gần 157 triệu đồng để thực hiện mô hình nuôi gà thương phẩm.
Hiện nay, hầu hết các mô hình gà ở Tân Lộc đang duy trì và nhân đàn tốt. Người dân đã tận dụng thức ăn dư thừa, khuôn viên trống trong vườn hộ, thời gian nhàn rỗi để cải thiện thu nhập. Tiêu biểu có hộ anh Nguyễn Đình Huế và Lê Văn Thanh ở thôn Tân Thượng, Nguyễn Duy Hường ở thôn Kim Tân...
Đàn gà sinh kế của hộ anh Nguyễn Đình Huế (ở thôn Tân Thượng, xã Tân Lộc) đang được chăm sóc cẩn thận, phát triển tốt, chờ tết bán giá cao.
Năm 2023, huyện Lộc Hà tập trung thực hiện tốt các chương trình, dự án hỗ trợ sinh kế hướng đến mục tiêu trao “cần câu” cho người nghèo ở tất cả các xã, thị trấn để cải thiện cuộc sống. Theo đó, trong năm, đã có 209 hộ được hỗ trợ nuôi bò và 26 hộ nuôi gà với tổng kinh phí gần 4,25 tỷ đồng (theo diện hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế, phát triển chương trình giảm nghèo thuộc Dự án 2 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023).
Cùng với đó, còn có 55 hộ được hỗ trợ bò và 135 hộ được hỗ trợ 10.449 con gà giống, 19.886 kg thức ăn cùng nhiều chế phẩm sinh học, hóa chất... với tổng trị giá 3.057 triệu đồng (theo diện hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp thuộc Dự án 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023).
Các đơn vị cung ứng giống vận chuyển gà hỗ trợ sinh kế về cho người nghèo Lộc Hà.
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà Nguyễn Ngọc Thạch đánh giá: “Việc hỗ trợ các mô hình sinh kế trong Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 trên địa bàn đã được thực hiện sát đúng, kịp thời, hiệu quả, công khai, dân chủ, đảm bảo quy định, chặt chẽ trong các khâu. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc, nhắc nhở, tập huấn kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm... để bà con bảo vệ đàn vật nuôi, tăng trưởng tốt và sinh lời nhanh.
Các mô hình sinh kế này sẽ giúp hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo thêm động lực và niềm tin để khắc phục khó khăn, có thêm nguồn thu nhập. Ngoài ra, còn góp phần nhân rộng mô hình giảm nghèo, thúc đẩy các hộ khó khăn phát triển kinh tế, mạnh dạn đầu tư thêm vốn sản xuất, lựa chọn loại hình chăn nuôi phù hợp để giảm nghèo bền vững”.