Các mô hình hỗ trợ sinh kế đang giúp các hoàn cảnh khó khăn ở Lộc Hà (Hà Tĩnh) có thêm việc làm, thu nhập và tiếp thêm động lực vươn lên.
Con bò nái sinh sản này là "chìa khóa" để bà Đặng Thị Cuối (ở xã Ích Hậu) thoát nghèo bền vững.
Xã Ích Hậu được đánh giá là một trong những địa phương triển khai tốt nhất mô hình hỗ trợ sinh kế bò của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 ở Lộc Hà. Trong đó, mô hình của hộ ông Lê Văn Huệ và bà Đặng Thị Cuối (hộ nghèo) ở thôn Thống Nhất được xem là điểm nhấn. Theo đó, vào năm 2022, gia đình bà Cuối được hỗ trợ 8 triệu đồng để mua bê giống sinh sản. Nhờ chọn giống chuẩn, chăm sóc tốt nên cách đây 2 tháng họ đã bán được 1 con bê trị giá 10 triệu đồng; hiện bò mẹ cũng sắp sinh lứa mới.
Bà Đặng Thị Cuối phấn khởi: “Bản thân tôi từng nhiều lần bị tai nạn nên thường xuyên đau yếu, thu nhập hằng năm chỉ dựa vào thu hoạch từ 3 sào ruộng nên rất khó khăn. Vào cuối năm 2022, gia đình tôi được chính quyền địa phương và Phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà xét duyệt, hỗ trợ cho mua bò giống. Nhờ đó chúng tôi đã có được 1 con vật nuôi có giá trị lớn và nguồn thu nhập quan trọng từ bán bê con. Nếu cứ thuận lợi như thế này thì chúng tôi sẽ nhanh chóng thoát nghèo bền vững”.
Lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà đi kiểm tra, đánh giá mô hình nuôi bò nái của ông Nguyễn Văn Thủy (xã Ích Hậu).
Gia đình ông Nguyễn Văn Thủy ở thôn Thống Nhất cũng được hưởng lợi từ chương trình giảm nghèo bền vững. Theo đó, hơn một năm trước, gia đình ông Thủy được hỗ trợ 6 triệu đồng (dành cho các hộ mới thoát nghèo) để có thêm kinh phí nuôi bò sinh sản. Cách đây 1 tuần, bò mẹ đã đẻ bê con, sinh kế được duy trì và mở rộng. Đây được xem là bước tiến quan trọng để gia đình này tạo bước đột phá mới trong việc chấm dứt cảnh đói nghèo.
Ông Nguyễn Quốc Phong - công chức Văn hóa – Xã hội xã Ích Hậu cho biết: “Sau khi có quyết định phân bổ nguồn hỗ trợ sinh kế bò, chúng tôi đã triển khai thực hiện đúng quy định và luôn sâu sát để động viên bà con tích cực làm ăn, chăm sóc tốt vật nuôi, không để thất thoát nguồn giống hỗ trợ. Các tổ chức đoàn thể (phụ nữ, đoàn thanh niên, cựu chiến binh) cũng luôn sát cánh hỗ trợ về kinh nghiệm, kiến thức KHKT, cách phòng trừ dịch bệnh... nên các mô hình phát triển rất tốt, trở thành “chìa khóa” cho các hộ sớm thoát nghèo”.
Con bò nái được chương trình giảm nghèo bền vững hỗ trợ cách đây hơn 1 năm đang là tài sản có giá trị nhất của hộ nghèo Nguyễn Đình Tiến ở thôn Tân Trung (xã Tân Lộc)
Những năm gần đây, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững cũng đã để lại những dấu ấn tích cực trên địa bàn xã miền núi Hồng Lộc. Nơi đây đang có nhiều mô hình sinh kế phát huy hiệu quả kinh tế, có tính bền vững cao và sức lan tỏa lớn. Điển hình trong số này là mô hình nuôi gà của vợ chồng anh Trần Văn Thành và chị Phạm Thị Hòa ở thôn Yến Giang.
Theo đó, tháng 11/2023, anh Thành - chị Hòa được hỗ trợ 145 con gà giống và một số thức ăn công nghiệp nhằm cải thiện sinh kế, từng bước thoát nghèo và nuôi 5 con ăn học. Sau 4 tháng nuôi, họ đã xuất chuồng lứa gà đầu tiên với lợi nhuận 30 triệu đồng. Nguồn thu này giúp họ có điều kiện tái đàn và có thêm nguồn chi tiêu trang trải cuộc sống. Hiện nay, hộ này đã tái đàn lứa thứ 2 với quy mô 150 con, dự kiến sẽ xuất bán trong 2 tháng tới.
Chị Phạm Thị Hòa (xã Hồng Lộc) tái đàn lứa thứ 2 với quy mô 150 con.
Chị Phạm Thị Hòa cho hay: “Chúng tôi là hộ cận nghèo, thiếu nguồn lực đầu tư trong sản xuất nên khi được hỗ trợ sinh kế thì rất phấn khởi. Sau khi nuôi lứa đầu thành công, tôi thấy nuôi gà rất phù hợp với môi trường vườn đồi và điều kiện chuồng trại, kinh nghiệm, mức vốn đầu tư của gia đình... nên tôi quyết tâm nhân rộng. Tôi cũng xác định rằng, đây sẽ là hướng đi chủ đạo để giải quyết thời gian nông nhàn, tăng thêm thu nhập, “mở khóa” cho thoát nghèo bền vững”.
Phó Chủ tịch UBND xã Hồng Lộc Nguyễn Thị Liên thông tin: "Hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, năm 2022, xã được hỗ trợ dự án bò (22 hộ), năm 2023 được hỗ trợ dự án gà (23 hộ); năm 2024 đang gấp rút triển khai dự án bò với 44 hộ được thụ hưởng với số tiền gần 400 triệu đồng. Tham gia các dự án sinh kế, các hộ đã thực hiện khá hiệu quả từ lựa chọn con giống đến chăm sóc, bảo vệ, phát triển đàn vật nuôi. Qua đó góp phần quan trọng để “tiếp sức” hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn vươn lên".
Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà Nguyễn Ngọc Thạch trao đổi với hộ cận nghèo ở Hồng Lộc về kinh nghiệm chăn nuôi, cách phát huy hiệu quả các mô hình sinh kế để thoát nghèo hiệu quả.
Với tinh thần “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, Lộc Hà đã quyết tâm thực hiện tốt việc hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, MTTQ và các tổ chức đoàn thể đã vào cuộc thường xuyên, trách nhiệm nên đến thời điểm này có khoảng 30 mô hình với 1.000 hộ được hưởng lợi về cây giống, con giống để phát triển sản xuất.
Qua đó đã “tiếp sức” cho người nghèo vươn lên, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 4,8% (giảm 3,84% so với cuối năm 2020), hộ cận nghèo giảm còn 3,8% (giảm 3,04% so với cuối năm 2020). Đây cũng được xem là “chìa khóa”, là yếu tố quan trọng để Lộc Hà phấn đấu đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 2,5% và tỷ lệ hộ cận nghèo chỉ còn 2,8%.
Được hỗ trợ sinh kế, bà Phan Thị Sâm ở thôn Tân Trung (xã Tân Lộc) vừa có thêm việc làm hằng ngày vừa có thêm tài sản tiết kiệm để đảm bảo lúc đau yếu.
Ông Nguyễn Ngọc Thạch - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Lộc Hà cho biết: “Việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, trong đó có hỗ trợ sinh kế có ý nghĩa rất lớn trong việc đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn. Vì vậy, chúng tôi đã tham mưu tốt cho huyện ủy, UBND huyện để có sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện kịp thời, sát đúng, hiệu quả.
Chúng tôi cũng đã tập trung hướng dẫn cho các địa phương thực hiện đúng quy định, đảm bảo quy trình, giúp tháo gỡ các vướng mắc. Đồng thời thường xuyên kiểm tra, soát xét, đánh giá việc thực hiện các mô hình sinh kế để có sự thẩm định đúng và có sự định hướng, lựa chọn các loại cây giống, con giống phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng từng nơi, điều kiện sản xuất cụ thể của mỗi hộ gia đình”.