1. Giáo dục nghề nghiệp gắn kết với doanh nghiệp tạo đột phá về chất lượng đào tạo gắn với việc làm bền vững
Ngay từ đầu năm, Tổng cục GDNN đã chủ động ban hành Kế hoạch và văn bản hướng dẫn tổ chức các hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động, việc làm bền vững và an sinh xã hội. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Quyết định số 885 về thành lập Tổ công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm bền vững, đã đi vào hoạt động... Hoạt động ký kết hợp tác với Doanh nghiệp được diễn ra sôi nổi, Tổng cục GDNN đã ký gần 20 thỏa thuận hợp tác với VCCI, Hiệp Hội nghề nghiệp, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn như: Mường Thanh, Vingroup, Samsung,… Hầu hết các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đều có ký kết hoặc chương trình phối hợp trong đào tạo và tuyển dụng. Tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong nước và quốc tế về gắn doanh nghiệp với GDNN; quyền lợi, trách nhiệm của DN tham gia vào hoạt động GDNN... Kết quả đã tăng cường mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp trong suốt quá trình tuyển sinh, đào tạo, đánh giá và việc làm sau tốt nghiệp.
Lễ ký kết hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Công ty TNHH DENSO Việt Nam
2. Tập trung xây dựng và ban hành các chuẩn trong GDNN
Năm 2018, tiếp tục hoàn thiện đồng bộ thể chế về giáo dục nghề nghiệp trong đó có việc xây dựng và ban hành các chuẩn theo Luật giáo dục nghề nghiệp; Nghị định số 49 quy định về kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp, Nghị định số 140 và các Thông tư cắt giảm, đơn giản các thủ tục hành chính.
Lần đầu tiên Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp đã có mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp riêng, với việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 03 quy định tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp; Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư số 10 quy định mã số chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp. Đã tập trung đào tạo, bồi dưỡng cho hơn 12.000 lượt nhà giáo đạt chuẩn kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm; bồi dưỡng nghiệp vụ 2.500 lượt cán bộ quản lý.
Các chuyên gia trao đổi tại Hội nghị triển khai công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2018-2020
Đã triển khai xây dựng 160 chuẩn đầu ra cho các nghề trình độ cao đẳng và trung cấp; đã ban hành và xây dựng 58 bộ, ban hành 9 bộ định mức kinh tế kỹ thuật đào tạo, xây dựng 58 bộ danh mục thiết bị đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp.
3. Tuyển sinh GDNN có nhiều khởi sắc
Năm 2018, nhiều giải pháp đã được triển khai như tuyển sinh gắn với tuyển dụng; cam kết có việc làm sau khi ra trường; nâng cao chất lượng đào tạo; thực hiện chính sách cho người học; đặt biệt công tác truyền thông cho tuyển sinh được tăng cường; nhận thức của xã hội về giáo dục nghề nghiệp có sự thay đổi tích cực. Công tác tuyển sinh tiếp tục có nhiều chuyển biến rõ nét, phân luồng có nhiều chuyển biến, cụ thể, theo thống kê kết quả tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, vượt chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh 2,2 triệu người. Các trường trung cấp, cao đẳng tuyển sinh song song cùng các trường đại học. Nhiều trường tuyển sinh vượt chỉ tiêu và tổ chức khai giảng sớm; phổ điểm thí sinh vào cao đẳng cao hơn; số học sinh THCS vào học nghề tăng cao.
Gian tư vấn tuyển sinh của trường Cao đẳng cơ điện Hà Nội tại ngày Hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Hà Nội
4. Công tác truyền thông về GDNN được đổi mới đã tác động tích cực tới nhận thức xã hội.
Lần đầu tiên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành một kế hoạch truyền thông về giáo dục nghề nghiệp. Các chương trình hợp tác giữa Tổng cục và các cơ quan thông tấn báo chí được đẩy mạnh.
Trong năm 2018, đã có trên 4000 lượt tin, bài, ảnh, phóng sự được đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Nhiều chuyên mục, chuyên trang mới được hình thành trên các kênh thông tin. Cổng thông tin, trang Fanpage của Tổng cục thu hút được nhiều người theo dõi. Nhiều ấn phẩm về giáo dục nghề nghiệp được phát hành phục vụ cho tuyên truyền. Hình thành mạng lưới cộng tác viên phục vụ cho công tác truyền thông của cơ sở GDNN. Nhiều ngày hội hướng nghiệp tuyển sinh tới các đối tượng là học sinh THCS, THPT được tổ chức. Cùng với Trang thông tin tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp, ứng dụng “Chọn nghề - Chọn trường” trên thiết bị di động với kho dữ liệu hơn 800 nghề và hơn 900 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cả nước được xây dựng và đưa vào sử dụng phục vụ hiệu quả cho công tác tuyển sinh.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Thứ trưởng Lê Quân, Tổng Giám đốc VOV Nguyễn Thế Kỷ chứng kiến lễ ký biên bản hợp tác giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Truyền hình Kỹ thuật số VTC
5. Hợp tác quốc tế về GDNN diễn ra sôi nổi
Ngày 15/3/2018 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung và Bộ trưởng phụ trách Giáo dục nghề nghiệp và Kỹ năng Australia Karen Andrews đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp và Ngày 20/10/2018 dưới sự chứng kiến của Thủ tướng hai nước, ý định thư tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp giữa Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Giáo dục Đan Mạch đã được ký kết.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TBXH (bên trái) và ông Rasmus Vanggard Knudsen, Vụ trưởng Vụ Quan hệ quốc tế, Bộ Giáo dục Đan Mạch (bên phải) ký Ý định thư hợp tác về giáo dục nghề nghiệp
Năm 2018 đánh dấu sự quan tâm của các nước và tổ chức quốc tế tới GDNN của Việt Nam, thông qua các bản Ghi nhớ, các thỏa thuận hợp tác, đã có nhiều hoạt động được phối hợp tổ chức giữa Tổng cục GDNN và các tổ chức quốc tế như Sứ quán Úc, GIZ, ILO, KOSEN... , tổ chức các Hội thảo, tập huấn để chia sẻ kinh nghiệm về gắn kết với Doanh nghiệp, tự chủ, xanh hóa đào tạo nghề, đào tạo nhà giáo, xây dựng Hội đồng ngành, bộ công cụ đánh giá kỹ năng nghề thuộc lĩnh vực Du lịch, triển khai tổ chức đào tạo nghề chất lượng cao theo bộ chương trình của Úc.
6. Các kỳ thi, hội thi lĩnh vực GDNN đã thu được nhiều thành công
Năm 2018 đã tổ chức nhiều các kỳ thi, hội thi, hội thao với nhiều đổi mới và mở rộng quy mô, sự tham gia của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và gặt hái được nhiều thành công.
Đoàn Việt Nam tham dự và đạt thành tích cao tại Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ XII, Việt Nam có 52 thí sinh tham dự thi ở 26 nghề, kết quả đạt 7 HCV, 7 HCB, 6 HCĐ xếp thứ 3 toàn đoàn.
Đoàn Việt Nam tại Lễ Khai mạc Kỳ thi tay nghề ASEAN lần thứ 12 tại Thái Lan
Kỳ thi tay nghề quốc gia năm 2018 đã thu hút 520 thí sinh đến từ 56 đoàn dự thi ở 26 nghề. Ban tổ chức đã lựa chọn được 63 thí sinh đạt giải Nhất, 15 thí sinh đạt giải Nhì, 71 thí sinh đạt giải Ba. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đã tới dự, trao giải thưởng cho các thí sinh.
Hội giảng Nhà giáo giáo dục nghề nghiệp toàn quốc năm 2018 với quy mô lớn nhất, có sự tham gia của 56 tỉnh, thành phố, 373 bài giảng của 90 nghề, tập trung vào các nghề phổ biến, có nhu cầu nhân lực lớn. BTC đã lựa chọn được 16 nhà giáo đạt giải nhất, 32 nhà giáo đạt giải nhì, 48 nhà giáo đạt giải ba.
Tổ chức thành công Hội thao các cơ sở giáo dục nghề nghiệp toàn quốc lần thứ nhất năm 2018./.