Sáng ngày 06/6/2018, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã tổ chức Hội thảo Công tác hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0.
Tham dự và chỉ đạo Hội thảo có TS Đỗ Năng Khánh – Phó Tổng Cục trưởng, lãnh đạo các Vụ Công tác học sinh, sinh viên, Vụ Đào tạo chính quy, Vụ Đào tạo thường xuyên thuộc Tổng cục; lãnh đạo một số trường cao đẳng trên địa bàn thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh.
Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh phát biểu kết luận Hội thảoTại Hội thảo, TS Nguyễn Chí Trường, Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên đã trình bày dự thảo Chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Bộ theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ; công tác học sinh, sinh viên thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0; hướng nghiệp và hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp. Ông Vũ Tuấn Anh - giảng viên khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo chương trình IPP Chính phủ Phần Lan và Việt Nam đã trình bày tham luận với 04 nội dung trọng tâm, đó là: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của nó tới hoạt động và vận hành doanh nghiệp, tổ chức; Công tác hướng nghiệp dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; Khung năng lực và cách thức cách mạng công nghiệp 4.0 thay đổi đào tạo phát triển nghề nghiệp; Thách thức và giải pháp phát triển giáo dục nghề nghiệp trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0. Ông Vũ Tuấn Anh cho rằng, ở nhiều nước trên thế giới, giáo dục hướng nghiệp được làm tốt ở các trường phổ thông giúp học sinh hiểu được giá trị của nghề nghiệp đối với sự phát triển của bản thân. Ở Việt Nam, giáo dục hướng nghiệp là vấn đề cấp bách cần làm ngay, trong đó tăng cường công tác hướng nghiệp và đào tạo kỹ năng nghề nghiệp ngay trong trường phổ thông. Đối với khởi nghiệp trong cách mạng công nghiệp 4.0 rất cần có sự tham gia và đầu tư của doanh nghiệp, điều này giúp học sinh, sinh viên thực hiện ý tưởng khởi nghiệp. Hội thảo đã dành nhiều thời gian thảo luận về thực tiễn học sinh, sinh viên khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và dự thảo Chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Bộ theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ. Chia sẻ về khởi nghiệp thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0, ông Nguyễn Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh cho biết các trường cũng rất quan tâm đến cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và tác động tới công tác đào tạo, trong bối cảnh đó để triển khai khởi nghiệp sáng tạo cho học sinh, sinh viên trước hết cần tăng cường công tác truyển thông về khởi nghiệp. Ông Trần Xuân Ngọc – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ, khởi nghiệp sáng tạo là vấn đề mới, nhà trường đã triển khai một số mô hình khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên với quy mô nhỏ. Nhà trường đã gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp để thích ứng tốt với sự thay đổi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, đồng thời thu hút doanh nghiệp đầu tư cho hoạt động khởi nghiệp của học sinh, sinh viên. Ông Ngọc cho rằng, kỹ năng nghề nghiệp của học sinh, sinh viên có thể tốt, tuy nhiên kỹ năng để khởi nghiệp của học sinh và sinh viên còn là khoảng trống. Bên cạnh đó, ông Bùi Chính Minh, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội chia sẻ, nhà trường đã phối hợp với một số doanh nghiệp để bồi dưỡng và nâng cao kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp cho đội ngũ giảng viên, học sinh và sinh viên. Môi trường cho khởi nghiệp là yếu tốt rất quan trọng, đóng vai trò làm nền tảng vững chắc cho khởi nghiệp thành công.
Thí sinh dự thi nghề cơ điện tử tại Kỳ thi tay nghề Quốc gia lần thứ X năm 2018Về dự thảo Chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp của Bộ theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ, các ý kiến tại Hội thảo đều cơ bản nhất trí với nội dung như trong dự thảo trình bày và đề nghị chương trình sẽ sớm được triển khai tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh cho biết Chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp là một chủ trương lớn của Chính phủ, và được hòa chung với chương trình quốc gia khởi nghiệp. Đây là một chương trình thiết thực đối với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, và đặc biệt là đối với học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, để chương trình được thực hiện thành công cần có sự vào cuộc của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các doanh nghiệp, nhà đầu tư,..và của toàn xã hội. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp sẽ tích cực triển khai và có biện pháp hỗ trợ các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, học sinh, sinh viên trong quá trình thực hiện. Mong rằng các em học sinh, sinh viên tìm tòi, suy nghĩ những ý tưởng mới, mạnh dạn đề xuất thực hiện. Phó Tổng Cục trưởng Đỗ Năng Khánh ghi nhận và cảm ơn các ý kiến của các đại biểu dự Hội thảo và Tổng cục sẽ tiếp thu để chỉnh sửa hoàn thiện chương trình hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp trình Bộ ban hành.