Ngày 20/4/2018, tại Hà Nội, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức Hội thảo “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp”.
Tham dự Hội thảo có TS Trương Anh Dũng – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, đại diện lãnh đạo các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục; Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, PGS.TS Cao Văn Sâm – Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam; đại diện Văn phòng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Trung tâm thông tin; đại diện Cục Báo chí, Cục thông tin cơ sở – Bộ Thông tin và Truyền thông; đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đại diện Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh; đại diện Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương; Bà Joanna Wood – tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Úc tại Việt Nam; Bà Britta Erckelens – Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ); đại diện các sở LĐ-TB&XH các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Vĩnh Phúc, Phú Thọ; đại diện lãnh đạo một số trường cao đẳng và đông đảo phóng viên của các cơ quan thông tấn, báo chí.
TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng Cục trưởng phát biểu tại Hội thảoPhát biểu khai mạc Hội thảo, TS Trương Anh Dũng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp cho biết trong cơ cấu nhân lực qua đào tạo, giáo dục nghề nghiệp có quy mô chiếm từ 80% đến 90%, vai trò của giáo dục nghề nghiệp đối với sự phát triển kế xã hội là rất quan trọng. Gần đây nhiều Các tổ chức và diễn đàn thế giới như ILO, UNESCO, diễn đàn kinh tế thế giới đã khuyến cáo mỗi quốc gia cần tập trung vào đào tạo kỹ năng, phát triển giáo dục kỹ thuật và đào tạo nghề thích ứng với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và hội nhập quốc tế. Tuyên bố của lãnh đạo tại diễn đàn kinh tế APEC tại Đà Nẵng đã cam kết tăng cường phát triển nguồn nhân lực bao gồm cả giáo dục nghề nghiệp, đào tạo lại, đào tạo nâng cao tay nghề nhằm tăng cường khả năng được tuyển dụng, tính lưu động và sẵn sàng thích ứng của người lao động trong thời đại kỷ nguyên số. Giáo dục nghề nghiệp đã từng bước đạt được một số kết quả về quy mô, cơ cấu ngành nghề và chất lượng đào tạo. Ngày càng nhiều mô hình, cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động tốt và hiệu quả xuất hiện.
Bà Nguyễn Thị Hằng Chủ tịch Hội GDNN và nghề CTXH Việt Nam phát biểu tại hội thảoTuy nhiên, qua phương tiện thông tin đại chúng cho biết trong xã hội vẫn còn tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, nhiều chính sách về giáo dục nghề nghiệp chưa đến được với người dân. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp tuyển sinh khó khăn, người học vẫn còn lúng túng trong việc chọn nghề, chọn trường. Doanh nghiệp chưa nắm được chính sách và tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, nhiều nơi việc đào tạo chưa gắn với nhu cầu. Có nhiều nguyên nhân của tình trạng này, có cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan. Nguyên nhân khách quan là tâm lý và nhận thức xã hội, nhiều phụ huynh vẫn chọn đại học là ưu tiên số một cho con em theo học. Nguyên nhân chủ quan là do công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp thời gian vừa qua tuy đã có nhiều cố gắng, cải thiện và có điểm nhấn xong xét tổng thế vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu một cách có chất lượng và hiệu quả.
Ông Trần Quốc Huy- Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp trình bày báo cáo đề dẫn Hội thảoNăm 2018 là năm là thứ hai thống nhất quản lý về giáo dục nghề nghiệp và thực hiện Luật giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH coi là năm trọng tâm đối với giáo dục nghề nghiệp và đã đề ra các giải pháp để triển khai thực hiện. Một trong các giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng, hiệu quả của truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp mong muốn có thêm những ý kiến đóng góp của các cá nhân, tổ chức đến từ các bộ ngành, cơ quan trung ương có liên quan, các tổ chức trong nước và quốc tế, các cán bộ quản lý giàu kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Để từ đó Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội có một kế hoạch dài hơi nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Tại Hội thảo, ông Trần Quốc Huy, Chánh Văn phòng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã trình bày báo cáo đề dẫn nêu lên những kết quả đạt được trong công tác truyền thông thời gian qua và dự kiến kế hoạch truyền thông giáo dục nghề nghiệp giai đoạn từ nay đến năm 2020. Hội thảo đã được nghe những chia sẻ về kinh nghiệm truyền thông giáo dục nghề nghiệp từ hai quốc gia có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển là Đức và Australia.
Bà Britta Erckelens – Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) chia sẻ kinh nghiệm truyền thông từ Đức về quảng bá hình ảnh giáo dục nghề nghiệpBà Britta Erckelens – Phó Giám đốc Chương trình đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ) cho rằng sứ mệnh, vai trò của đào tạo nghề là vô cùng quan trọng trong khi quan niệm của người dân về học nghề vẫn còn lệch lạc và coi nhẹ. Làm thế nào để người dân và xã hội thay đổi được quan niệm đó. Công việc của chúng ta không những cần cải thiện hình ảnh về đào tạo nghề mà phải nâng cao chất lượng đào tạo. Khi xây dựng một kế hoạch hay chiến lược truyền thông giáo dục nghề nghiệp trước hết cần tính đến các đối tượng truyền thông cụ thể. Đối tượng ở đây là các em học sinh sắp tốt nghiệp THPT, các giáo viên trực tiếp giảng dạy, các giáo viên dạy thực hành,...Trong truyền thông, việc dùng công cụ hình ảnh có tác dụng rất lớn, có sức lan tỏa không thua kém việc sử dụng lời nói hay câu chữ. Với đào tạo nghề, việc dùng những hình ảnh thực hành của người học gắn với máy móc, thiết bị hay những hình ảnh thể hiện tương tác giữa thầy và trò có sức lan tỏa cao. Ngoài ra, những câu chuyện về điển hình thành công từ học nghề cũng rất quan trọng.
Bà Joanna Wood – tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Úc tại Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm nâng cao nhận thức về giáo dục nghề nghiệp tại ÚcBà Joanna Wood – tham tán Giáo dục và Khoa học, đại sứ quán Úc tại Việt Nam chia sẻ về kinh nghiệm triển khai chiến lược truyền thông tại Úc để nâng cao nhận thức của doanh nghiệp đối với vai trò quan trọng của giáo dục nghề nghiệp và thu hút doanh nghiệp vào hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Bà Joanna Wood cho biết, việc thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp mất rất nhiều thời gian, chính phủ đã cam kết có những chiến dịch truyền thông sâu, rộng và dài hơi cho lĩnh vực này. Chính phủ có một tổ công tác chuyên về truyền thông lĩnh vực giáo dục và đào tạo nghề. Để quảng bá cho lợi ích của nghề, kỹ năng nghề và nâng cao vị thế của đào tạo nghề đối với học sinh, phụ huynh và doanh nghiệp cần phải có thông điệp truyền thông riêng cho từng đối tượng cụ thể. Một trong những chương trình truyền thông Chính phủ Úc tự hào là chương trình giải thưởng đào tạo Australia. Hàng năm Chính phủ tổ chức các kỳ thi cấp trường, cấp bang và cấp liên bang để trao giải thưởng danh giá này. Những tư liệu về cuộc thi như video, hình ảnh sẽ được đăng tải trên các trang mạng xã hội để tuyên truyền quảng bá. Hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về nội dung, giải pháp để nâng cao hiệu quả của công tác truyền thông giáo dục nghề nghiệp trong thời gian tới, đặc biệt là góp ý cho bản kế hoạch đề xuất về truyền thông giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2018 -2020. Bà Nguyễn Thị Hằng - Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và Nghề Công tác xã hội Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng trọng tâm, trọng điểm của truyền thông giáo dục nghề nghiệp trước hết là làm thế nào để người dân và xã hội hiểu được lợi ích của học nghề. Cần có ngày cho giáo giáo dục nghề nghiệp và cần có những giải thưởng/ sự kiện tôn vinh lao động trẻ, người học nghề, nhà giáo và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Chúng ta nên học tập những kinh nghiệm từ những quốc gia phát triển như Đức, Úc để phát triển hệ thống giáo dục nghề nghiệp.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Trưởng Ban Kinh tế chính sách và Thi đua khen thưởng – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chia sẻ tại Hội thảoÔng Nguyễn Hồng Quang, Phó Trưởng Ban Kinh tế chính sách và Thi đua khen thưởng – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng kế hoạch truyền thông cần có điểm nhấn, chiều sâu và mang tính lâu dài. Nội dung truyền thông cần hướng tới chất lượng giáo dục nghề nghiệp để thuyết phục học sinh, người dân và xã hội. Ngoài đối tượng học sinh THPT, truyền thông cần quan tâm đến đối tượng lao động sẽ được đào tạo lại. Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẵn sàng phối hợp với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp để tuyên truyền cho đối tượng này. Ông Lê Thanh Tú, Phó Ban Thanh niên Công nhân và Đô thị - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh góp ý kế hoạch đề xuất cần mở rộng quy mô, cần có sự tham gia phối hợp giữa các bộ, ngành liên quan trong truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Cần xác định rõ các sản phẩm truyền thông dành cho đối tượng truyền thông nào. Nghiên cứu những giải thưởng tôn vinh những cá nhân, tổ chức tiêu biểu trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Cùng quan điểm trên, bà Lê Thị Mai Hoa - Vụ Giáo dục và Đào tạo, Dạy nghề - Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng để công tác truyền thông có hiệu quả, cần nghiên cứu các giải pháp phối hợp giữa bộ ngành trung ương, từ cơ quan trung ương tới địa phương và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp để truyền thông giáo dục nghề nghiệp.
Phóng viên Hoàng Mạnh – Báo điện tử Dân trí chia sẻ tại Hội thảoPhóng viên Hoàng Mạnh – Báo điện tử Dân trí cho rằng vấn đề việc làm sau tốt nghiệp đang được xã hội rất quan tâm, trong thời gian tới cần đẩy mạnh truyền thông về đào tạo nghề gắn với việc làm sẽ thu hút sự quan tâm của phụ huynh, học sinh tới giáo dục nghề nghiệp. Phóng viên Ngọc Hà - Báo Tuổi trẻ đánh giá cao Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp đã đánh giá đúng vai trò của truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Cần tìm những đại sứ nghề của Việt Nam để tạo sự lan tỏa về sự hấp dẫn của giáo dục nghề nghiệp để thay đổi nhận thức của người dân và xã hội. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần chủ động, tạo điểm nhấn để truyền thông về hình ảnh trường mình giúp cho người học thêm tin tưởng và say mê học tập. Cũng tại Hội thảo, vấn đề truyền thông giáo dục nghề nghiệp thu hút sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
TS Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội chia sẻ tại Hội thảoÔng Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội cho rằng để thay đổi nhận thức của người dân về học nghề cần có chiến lược truyền thông lâu dài. Truyền thông về vấn đề sau đào tạo như việc làm, lương bổng là rất cần thiết và tốt cho các trường nghề. Truyền thông giáo dục nghề nghiệp phải đi sâu vào tâm lý phụ huynh, giáo viên và doanh nghiệp. Nhấn mạnh thêm điều này, ông Nguyễn Quốc Huy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cơ điện và Xây dựng Bắc Ninh và ông Đặng Thanh Thủy – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghiệp cho rằng hiện nay người học rất thiếu thông tin về ngành nghề đào tạo, vị trí việc làm, nhu cầu của doanh nghiệp. Truyền thông không chỉ bù đắp cho người học những thông tin đó mà phải thay đổi nhận thức của người học về tầm quan trọng, ưu điểm của học nghề.
Quang cảnh Hội thảoPhát biểu kết luận Hội thảo, Phó Tổng Cục trưởng Trương Anh Dũng đánh giá cao những ý kiến đóng góp chất lượng của các đại biểu tại Hội thảo. Tổng cục sẽ tiếp thu hoàn thiện kế hoạch đề xuất từ xây dựng mục tiêu, đối tượng, giải pháp, phân công trách nhiệm để thực hiện tốt công truyền thông giáo dục nghề nghiệp. Phó Tổng Cục trưởng cho rằng quan trọng nhất vẫn là chất lượng đào tạo. Đó là sức lan tỏa lớn nhất đề người dân và xã hội thay đổi nhận thức về giáo dục nghề nghiệp.