Thực hiện Chương trình quốc gia về bình đẳng giới, trên cơ sở điều kiện thực tiễn của tỉnh, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 3020/QĐ-UBND ngày 19/9/2011 về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2011-2020. Mục tiêu đề ra là “Tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức nhằm thúc đẩy toàn xã hội thay đổi hành vi thực hiện bình đẳng giới; giảm khoảng cách giới và nâng cao vị thế của phụ nữ trong một số lĩnh vực còn bất bình đẳng hoặc có nguy cơ bất bình đẳng giới cao, góp phần thực hiện thành công Chiến gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020”.
Trong 10 năm qua, dưới sự quan tâm chỉ đạo của cấp uỷ Đảng các cấp, chính quyền, viêc thực hiện công tác bình đẳng giới trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi để phụ nữ thực hiện có hiệu quả các quyền cơ bản và phát huy vai trò của mình trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Hiện nay nhiều chỉ tiêu về bình đẳng giới của tỉnh trên các lĩnh vực lao động, việc làm; giáo dục, đào tạo, xóa mù chữ, dạy nghề; công tác chăm sóc sức khỏe; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tăng thu nhập, cải thiện và nâng cao mức sống gia đình... đã đạt và vượt so với chỉ tiêu của Chiế n lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 -2020. Cụ thể:
Đồng chí Nguyễn Trí Lạc - TUV, Giám đốc Sở LĐTB&XH phát biểu tại hội nghị tập huấn “Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước về bình đẳng giới”
Tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo, nhằm từng bước giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị. Từ năm 2011 đến nay, công tác cán bộ nữ của tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Quan điểm nhìn nhận, đánh giá cán bộ nữ có nhiều đổi mới. Vai trò của cán bộ nữ được tăng cường trong cấp ủy và bộ máy lãnh đạo, quản lý nhà nước các cấp. Nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ về độ tuổi trong quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, luân chuyển cán bộ nữ được các cơ quan, đơn vị, địa phương nghiêm túc thực hiện, trong đó chú trọng bồi dưỡng, tạo nguồn đội ngũ cán bộ nữ trẻ. Giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực kinh tế, lao động, việc làm; tăng cường sự tiếp cận của phụ nữ nghèo ở nông thôn, phụ nữ người dân tộc thiểu số đối với các nguồn lực kinh tế, thị trường lao động. Trong 10 năm qua toan tinh đa giai quyêt viêc lam 272.722 lươt ngươi, trong đó nữ chiếm tỷ lệ 48,6% (132.463 nữ), có 80.028 lượt lao động nữ/171.618 lao động được đào tạo nghề (chiếm 46,63%). Các đề án về dạy nghề, giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn tiếp tục được triển khai tốt, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế được các cấp hội phụ nữ duy trì và triển khai bằng nhiều hình thức như: giúp ngày công lao động, ủng hộ cây, con giống, vật liệu xây dựng, mô hình tiết kiệm vi mô… Hiện tại, hội phụ nữ các cấp đã khai thác, tín chấp và quản lý co hiệu quả nguồn vốn tín dụng với tổng dư nợ trên 3.700 tỷ đồng cho 79.352 thành viên vay vốn phát triển kinh tế. Riêng Quỹ phát triển phụ nữ Hà Tĩnh đang quản lý nguồn vốn 148 tỷ đồng cho 20.728 thành viên vay vốn.
Đào tạo nghề may tại Trường Trung cấp Kỹ nghệ Hà tĩnh
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ, từng bước bảo đảm sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.Tại các cơ quan, đơn vị, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền. Đến năm 2020, số nữ cán bộ công chức, viên chức công tác tại các cơ quan cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có trình độ tiến sĩ là 16/90 người (đạt tỷ lệ 31,67%), thạc sĩ là 766/1.965 người (chiếm tỉ lệ 39%). Tỷ lệ trẻ em trai và trẻ em gái đi học đúng độ tuổi đạt 100%; việc tiếp cận và thụ hưởng các chính sách về giáo dục đào tạo ở các bậc học, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cơ bản được đảm bảo cho cả hai giới. Tỷ lệ biết chữ của nữ giới trong độ tuổi từ 15 - 60 đạt ngang bằng với nam giới (99,6%). Bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Hà Tĩnh đã ban hành nhiều chương trình, đề án nhằm thực hiện tốt các quyền bình đẳng của phụ nữ trong lĩnh vực y tế; chất lượng khám chữa bệnh được nâng cao; hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế ở cả 3 tuyến được tăng cường; chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ mang thai và công tác kế hoạch hóa gia đình đạt kết quả tích cực; tỷ lệ phụ nữ được quản lý thai nhi đạt 98,3%; tỷ lệ tử vong bà mẹ liên quan đến thai sản năm 2019 là 4,3/100.000 trẻ đẻ sống; tỷ số giới tính khi sinh đạt 110 trẻ sơ sinh trai/100 trẻ sơ sinh gái, 90% cơ sở y tế công lập và ngoài công lập được thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định không thông báo giới tính thai nhi và không loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính.
Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa và thông tin. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từ tỉnh đến cơ sở thu hút sự tham gia đông đảo của các tầng lớp nhân dân, không phân biệt lứa tuổi, giới tính đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần và chất lượng thể thao quần chúng tại các địa phương. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh, trung tâm văn hóa - truyền thông các huyện, thành phố, thị xã thường xuyên phát sóng các chuyên mục, chuyên đề, bản tin, phóng sự nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Nhằm đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa ứng xử trong gia đình, tiếp thu các giá trị mới, tiến bộ, đồng thời nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và toàn xã hội về phòng, chống bạo lực gia đình và bình đẳng giới, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện Đề án tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam giai đoạn 2010- 2020; xây dựng kế hoạch triển khai công tác gia đình hàng năm. Hiện nay toàn tỉnh có 17 mô hình CLB phòng, chống bạo lực gia đình, 340 mô hình truyền thông về xây dựng gia đình hạnh phúc, như: CLB “Gia đình 5 không, 3 sạch”, CLB “Xây dựng gia đình hạnh phúc”, CLB “Gia đình hạnh phúc - Nông thôn mới”; CLB “Gia đình hạnh phúc - sống tốt đời đẹp đạo”; CLB “Gia đình phát triển bền vững”... đã giúp cho phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ ở nông thôn được trang bị kiến thức nuôi, dạy con, các kiến thức về xã hội, về cách thức tổ chức cuộc sống; gặp gỡ, chia sẻ kinh nghiệm và giúp nhau phát triển kinh tế, nuôi dạy con, tổ chức tốt cuộc sống gia đình, hòa giải khi có bạo lực gia đình, tiến tới bảo đảm bình đẳng giới trong đời sống gia đình, từng bước xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới. Xây dựng và duy trì 90 câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”. Phát huy vai trò tích cực của hơn 2.500 tổ hoà giải cơ sở tại các thôn xóm, gần 300 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng.
Ra mắt CLB "Gia đình hạnh phúc" của Cơ quan Khối dân huyện Vũ Quang
Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bình đẳng giới. Từ năm 2010 đến nay, mạng lưới cán bộ làm công tác bình đẳng giới ở các cấp được hình thành và phối hợp chặt chẽ trong việc triển khai các hoạt động có liên quan. 13/13 huyện, thành phố, thị xã đã phân công nhiệm vụ cho 01 lãnh đạo Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách và 01 cán bộ kiêm nhiệm làm công tác bình đẳng giới tham mưu, triển khai các hoạt động tại địa phương. Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ tỉnh, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội duy trì tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ ít nhất 01 lần/năm cho đội ngũ cán bộ được giao phụ trách công tác bình đẳng giới các cấp, các ngành.
Các đại biểu tham dự lớp tập huấn về bình đẳng giới
Mặc dù đạt nhiều kết quả tích cực về thực hiện công tác bình đẳng giới, song Hà Tĩnh vẫ̃n gặp một số thách thức, khó khăn trong quá trình triển khai các nội dung của Chiến lược và các chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011 - 2020. Theo đó, tỉnh còn 06/22 chỉ tiêu chưa hoàn thành và 01 chỉ tiêu không đánh giá được. Việc triển khai Chiến lược và các chương trình quốc gia về bình đẳng giới chưa đồng đều ở các ngành, địa phương; một số đơn vị chưa thực sự chủ động, tích cực nên hiệu quả đạt được chưa cao. Các chỉ tiêu của mục tiêu về bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị chưa đạt được theo kế hoạch đề ra; tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý sở, ban, ngành, đoàn thể và địa phương còn ít về số lượng, chưa tương xứng với tiềm năng của đội ngũ cán bộ nữ. Việc bố trí kinh phí cho công tác bình đẳng giới còn hạn hẹp so với nhu cầu triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược. Tư tưởng “Trọng nam, khinh nữ” vẫ̃n tồn tại trong một bộ phận người dân và tâm lý tự ti, an phận của phụ nữ trở thành rào cản, ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về bình đẳng giới.
Trước những vấn đề đặt ra trong giai đoạn 2011- 2020 cho công tác bình đẳng giới, Hà Tĩnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 cần gắn với việc triển khai kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững đã được Thủ tướng Chỉnh phủ phê duyệt. Đưa chỉ số về thực hiện bình đẳng giới là một trong những nội dung đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội hàng năm của các địa phương. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong thực hiện công tác bình đẳng giới, đặc biệt là việc quy hoạch, đào tạo và bổ nhiệm cán bộ nữ. Xây dựng chính sách hỗ trợ cụ thể cho nữ cán bộ, công chức, viên chức khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng. Hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu về thị trường lao động và đào tạo nghề có tách biệt giới. Hỗ trợ, phát triển các mô hình cung cấp dịch vụ thúc đẩy bình đẳng giới, trong đó tập trung xây dựng các mô hình giải quyết việc làm, bảo đảm thu nhập tối thiểu và giảm nghèo bền vững cho phụ nữ.